Kỷ vật vô giá trong cuộc đời các họa sỹ vẽ tranh cổ động

ANTD.VN - Những câu chuyện, ký ức xúc động về Bác đã được các hoạ sĩ chia sẻ trong triển lãm "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 -2011)"....

Sáng 10/5 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019) và hướng tới kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2019), Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động". 

Đến triển lãm, bên cạnh việc được nhìn ngắm hơn 60 tác phẩm tranh cổ động, chủ yếu là các hiện vật gốc đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người xem còn có dịp lắng nghe các kỷ niệm, những cảm xúc từ các họa sỹ, những người đã trực tiếp sáng tác nên các tuyệt tác của mỹ thuật Việt Nam. 

Là tác giả của bức tranh cổ động nổi tiếng "Độc lập-Thống nhất-Hòa bình-Hạnh phúc", hoạ sĩ Trần Từ Thành chia sẻ: "Những câu chuyện về Bác luôn mang đến tình cảm, niềm xúc động lớn lao đối với tôi và mọi người. Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến với thiếu nhi... Bức tranh này là kỷ vật riêng vô giá của cuộc đời tôi". 

Tác phẩm tranh cổ động nổi tiếng "Độc lập-Thống nhất-Hòa bình-Hạnh phúc" của hoạ sĩ Trần Từ Thành

Về hoàn cảnh ra đời bức tranh, họa sỹ Trần Từ Thành cho biết, năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông đã hào hứng tìm kiếm đề tài để tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vàonăm 1976.

Ông nghĩ đây chính là dịp để bày tỏ niềm mong mỏi bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình. Hơn thế, từ lâu với cá nhân ông, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời dạy, bài viết của Bác dành cho thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ. 

Vì thế, ông đã lựa chọn hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi như một biểu tượng của hòa bình. Bức tranh cổ động "Độc lập-Thống nhất-Hòa bình-Hạnh phúc" thể hiện hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé đặt ở trung tâm tác phẩm. Bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. 

Tác phẩm này đã trở thành bức tranh cổ động đi vào lòng người sâu đậm nhất. Bức tranh là biểu tượng của khát khao và ước mơ hòa bình. Đó cũng là lời nhắc nhở về tình yêu thương và gìn giữ hòa bình đến cả những thế hệ mai sau.

Còn họa sĩ Lê Huy Trấp, người nổi tiếng với bức tranh cổ động "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" ngay từ thời còn học phổ thông đã say mê vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã có 2 lần được gặp Bác và đó luôn là những ký ức đẹp ông không bao giờ quên. 

Cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời (ông sinh năm 1929) nhưng họa sỹ Lê Huy Trấp vẫn nhớ như in hình ảnh về Bác. Ông chia sẻ: "Đó là một vinh dự lớn cho tôi. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không thể quên cái cảm xúc của ngày hôm đó, ngày tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh". 

Tranh cổ động "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do" của họa sĩ Lê Huy Trấp

Một trong bức tranh mà họa sĩ vô cùng yêu thích là tác phẩm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bức tranh lúc đầu mang tên là “1890 - 1970” nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tranh, họa sĩ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh với nụ cười hiền hậu. Tác phẩm này được chọn tham dự triển lãm mỹ thuật tại La Habana, Cu Ba.

Sau triển lãm, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã yêu cầu ấn hành tác phẩm để giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp đất nước Cuba. Năm 1975, họa sĩ quyết định đổi tên bức tranh thành "Không có gì quý hơn độc lập tự do" nhằm thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và được Xưởng tranh cổ động Trung ương in ấn, phát hành rộng rãi.

Cũng tại triển lãm "Chân dung Hồ Chí Minh-Góc nhìn từ tranh cổ động", công chúng còn được gặp gỡ và trò chuyện cùng họa sỹ Đỗ Mạnh Cương, người được nhiều công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam và các nhà sưu tập nước ngoài biết đến. Nói về đề tài say mê nhất khi vẽ tranh cổ động, ông chia sẻ: “Với tôi, khi vẽ tranh cổ động, đề tài tôi say mê nhất là vẽ về Bác Hồ”.

Khi vẽ bức tranh “Theo con đường Bác Hồ đã chọn” (1990), ông đã xuất phát từ mong muốn của Bác khi còn sống. Người đã dành trọn đời hiến dâng cho Tổ quốc. Trước khi qua đời, Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Bởi vậy, trong bức tranh này, họa sĩ thể hiện các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải phóng: học tập, lao động sản xuất... Các hoạt động được lồng trong hình ngôi sao thể hiện đất nước thống nhất, cũng thể hiện nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng và đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.

Tác phẩm "Theo con đường Bác Hồ đã chọn" của họa sỹ Đỗ Mạnh Cương

Hoạ sĩ Đỗ Mạnh Cương còn có nhiều bức tranh cổ động nổi tiếng khác như: “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” (năm 2005); “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” (2010).

Đến xem triển lãm, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến chia sẻ: "Mỗi tác phẩm của họa sĩ có phong cách riêng, màu sắc khác nhau. Tất cả đều khắc hoạ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với nét vẽ giản dị, gần gũi với nụ cười hiền hậu mà ở đó chan chứa tình cảm mến yêu kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam".  

 Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều bức tranh của các họa sĩ Trần Từ Thành, Đỗ Mạnh Cương, Nguyễn Trọng Hiệp, Lê Nhường… trao tặng

Bên cạnh hoạt động trưng bày, công chúng đến tham quan triển lãm còn được trải nghiệm in tranh khắc gỗ về Hồ Chủ tịch trong không gian triển lãm. Từ ba bức tranh mẫu được lựa chọn trong trưng bày là bức “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” của tác giả Trần Từ Thành, “Không có gì quí hơn độc lập tự do” của tác giả Lê Huy Trấp, bức “Bác bảo thắng là thắng” của họa sĩ Lê Nhường, người tham dự sẽ được trực tiếp in tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một góc triển lãm

Đặc biệt, nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều bức tranh của các họa sĩ Trần Từ Thành, Đỗ Mạnh Cương, Nguyễn Trọng Hiệp, Lê Nhường… trao tặng. Mỗi tác phẩm là một biểu trưng cho tình yêu, sự kính trọng, tình cảm sâu sắc của các hoạ sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 10/10/2019 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.