Khuyến khích phụ nữ mặc áo dài nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3

ANTD.VN - Nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam và thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức chuỗi sự kiện "Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam". Hưởng ứng chương trình này, không chỉ có các địa phương mà cộng đồng mạng cũng đã vào cuộc bằng nhiều hoạt động thiết thực. 

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động đa dạng và phong phú tôn vinh áo dài Việt vẫn sẽ được nhiều tỉnh thành tổ chức trong thời gian tới  như tổ chức thi ảnh đẹp áo dài, thi ảnh áo dài với di sản quê hương, vận động ủng hộ áo dài cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các cuộc toạ đàm, nói chuyện chuyên đề truyền cảm hứng về áo dài…

Bên cạnh đó, các hoạt động trình diễn áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 và cao điểm là tại 6 tỉnh,thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam.  Trong tháng 4 sẽ diễn ra Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, nhằm làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam, góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Các bức ảnh đẹp về tà áo dài đã được chia sẻ

Đặc biệt, từ ngày 2/3 đến 8/3/2020, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Tại Huế, liên tiếp trong năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã đưa ra nhiều ưu đãi dành cho phụ nữ mặc áo dài vào dịp 8/3 và 20/10. Đó là việc được miễn vé tham quan các điểm di tích của Huế.

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, áo dài dù chưa được công nhận chính thức bằng văn bản là quốc phục, nhưng trong trái tim, tiềm thức và kể cả trong nhận thức của nhiều người nước ngoài thì áo dài đã là quốc phục của người Việt rồi. Làm sao để thế hệ trẻ thấy quý, thấy yêu và giữ gìn, phát huy áo dài. Nếu không sẽ mất gốc ngay chính trên quê hương mình. Trước đây ở Sài Gòn, bước ra khỏi nhà phải xỏ tay vô áo dài. Nhưng giờ đây có nhiều chọn lựa hơn. Như vậy việc mặc áo dài trở lại không chỉ là thẩm mỹ mà còn là văn hóa và trách nhiệm công dân.

"Nếu chúng ta ít mặc thì sẽ bị người khác lấy mất. Như vậy nó trở thành trách nhiệm công dân”, nhà thiết kế phân tích.

Một thiết kế áo dài được chia sẻ tại nhóm "Tự hào áo dài Việt Nam"

Cộng đồng mạng cũng không đứng ngoài cuộc việc tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài. Với tên gọi "Tự hào áo dài Việt Nam", một nhóm trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau 6 ngày thành lập, tới thời điểm ngày 24-2-2020 đã có 2.081 thành viên tham gia với lượng bài viết trung bình trên 80 bài viết mỗi ngày. Và tới thời điểm này, con số này đã là gần 4.000 thành viên với hơn 1.000 bài viết.

Tại đây, hàng nghìn bức ảnh áo dài quý giá của các anh chị em nhiếp ảnh, nhà thiết kế, người mẫu, thợ may, cô giáo, doanh nhân, thương nhân và người yêu áo dài thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đã được đăng lên group với một tình yêu và niềm tự hào về tà áo dài của quê hương Việt Nam yêu dấu.

Không chỉ có áo dài nữ, trên facebook còn có nhóm CLB áo dài nam truyền thống vời gần 2.000 thành viên. Tại đây, hàng nghìn bức ảnh và nhiều kinh nghiệm quý về cách thiết kế tà áo dài nam cho đến vị trí đặt của khuy áo đã được chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, admin của nhóm CLB áo dài nam truyền thống chia sẻ: "Chúng tôi từ lâu đã coi áo dài cả nam và nữ là di sản văn hóa của Việt Nam cần được bảo tồn và phát triển. Không phải hô hào xuông để mua vui, mà thực sự chúng tôi thấy cần thiết gìn giữ nó, bởi đó là giá trị sáng tạo, là tinh hoa của cha ông để lại".

Thiếu nữ bên tà áo dài

Và còn nhiều nhóm khác đã được thành lập trên facebook nhằm tập hợp thành viên, những người yêu văn hóa truyền thống và cùng chung tay đóng góp các thông tin cần thiết, quý báu để làm rõ về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa ẩn chứa trong tà áo dài thân thương.

Với các hoạt động đa dạng như vậy, hình ảnh của áo dài Việt không chỉ đẹp hơn trong mắt người dân mà còn góp phần hình thành thói quen mặc áo dài vào các dịp lễ tết. Đồng thời góp phần củng cố hồ sơ di sản công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.