Sau bài báo “Cao ốc 21 tầng không phép”:

Không thể để sai phạm - nộp phạt là xong

ANTĐ - Báo ANTĐ có bài “Cao ốc 21 tầng không phép” phản ánh  về việc Công ty cổ phần Hùng Tiến-Kim Sơn xây dựng tòa nhà Sakura Tower bất chấp các quy định về xây dựng, phớt lờ mọi văn bản đình chỉ của UBND quận Thanh Xuân, vẫn cố tình thi công khi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc gọi điện và gửi thư tới tòa soạn phản ứng trước thực trạng này.
Chưa hề được cấp phép xây dựng nhưng những mục rao vặt bán căn hộ
của Sakura Tower đã đầy rẫy trên mạng

Nhà giáo Bùi Đức Thảo - phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân: Ai cũng có thể sai phạm miễn là… có tiền nộp phạt

Rõ ràng là chủ đầu tư không thể làm được việc đó nếu người ta xử lý cương quyết. Chắc chắn, các ban, ngành của quận Thanh Xuân có biết, có nhìn thấy tòa nhà cao lên từng ngày, nhưng vì một “lý do tế nhị” nào đó nên đã làm ngơ. Họ quên rằng đây là cả một tòa nhà 21 tầng chứ không phải cái kim. Khi dư luận phản ứng gay gắt thì lúc đó người ta mới trình ra những văn bản xử phạt mang tính hình thức để thanh minh cho những sự dung túng sai phạm kéo dài suốt hơn một năm trời.

Tôi nghĩ lúc này, cả thành phố và Bộ Xây dựng phải vào cuộc và xử lý thật nghiêm từ chủ đầu tư đến cán bộ chịu trách nhiệm quản lý xây dựng thì mới có thể thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Nếu không, đây sẽ trở thành một tiền lệ rất xấu khiến niềm tin của người dân bị xói mòn nghiêm trọng. Người dân sẽ nghĩ rằng ai cũng có thể sai phạm miễn là sau đó có tiền nộp phạt thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Bà Phạm Thị Lan - cán bộ hưu trí phường Thanh Xuân Trung: Không thể đặt các nhà quản lý trước tình thế “sự đã rồi”

Có lẽ số tiền 500 triệu đồng nộp phạt về vi phạm trật tự xây dựng là một con số kỷ lục của Hà Nội từ trước tới nay mà tôi được biết. Với một cá nhân thì lớn, nhưng với một doanh nghiệp xây dựng như Công ty cổ phần Hùng Tiến - Kim Sơn có lẽ không thấm vào đâu. Chỉ một căn hộ với giá bán ngót 30 triệu đồng/m2 thì họ sẵn sàng nộp nhiều hơn nữa để rồi được xây cao gấp nhiều lần như thế vì vẫn còn lãi chán. Theo tôi, vấn đề không phải là việc nộp phạt thế nào và bao nhiêu tiền, cái mà người dân quan tâm là tới đây thành phố, Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ xử lý vấn đề này ra sao?

Người dân chúng tôi, mỗi lần xây nhà dù có phép đi chăng nữa thì cán bộ thanh tra cũng phải đảo qua dăm ba lượt. Chỗ nào xây sai là các vị ấy “có ý kiến” ngay, thậm chí nếu không “biết điều” là bị cưỡng chế. Cái nhà dân bé tẹo mà họ còn quan tâm sâu sát đến vậy, thế mà công trình kia cao tới 21 tầng vẫn nghiễm nhiên thi công, thử hỏi cán bộ ăn lương để làm gì?

Với những sai phạm ở tòa nhà Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng, tôi nghĩ nếu chỉ xử lý nửa vời theo kiểu “phạt cho tồn tại” thì rồi tới đây sẽ còn nhiều công trình chủ đầu tư cố tình “tiền trảm hậu tấu” và bộ mặt Hà Nội sẽ còn nham nhở.

Chị Phạm Bích Ngọc - khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa: Mua nhà những công trình này sợ mất tiền oan

Thời gian gần đây, tôi và bạn bè được một số người môi giới bất động sản chào bán căn hộ của tòa nhà Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng. Đang rất phân vân không biết có nên đầu tư mua ở đây không thì tình cờ đọc được những thông tin về sai phạm của công trình này trên Báo An ninh Thủ đô. Những người chào bán căn hộ cho chúng tôi ai cũng nói hồ sơ pháp lý của dự án rất đầy đủ. Thậm chí có người còn khẳng định có cả “sổ đỏ”, ai dè bây giờ đọc báo mới biết là thậm chí chủ đầu tư còn chưa có cả giấy phép xây dựng.

Tôi đề nghị thành phố cần làm rõ những dự án kiểu như thế này để nếu người dân chúng tôi có nhu cầu mua nhà không bị mắc lỡm và mất tiền oan.