Không gian văn hóa Việt trong "ngôi nhà di sản" 38 Hàng Đào

ANTD.VN - Đình Đồng Lạc - “ngôi nhà di sản” tọa lạc tại 38 Hàng Đào, con phố sầm uất của Thủ đô Hà Nội là địa chỉ không còn xa lạ với khách du lịch. Mới đây, di tích này đã chính thức được công nhận là cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. 

Đình Đồng Lạc được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới thời Lê, là nơi thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã. Đình xưa kia bán yếm lụa, còn lưu giữ được bia đá dựng năm Tự Đức - Bính Thìn (1856) có ghi rõ “Đình chợ có bán yếm lụa do  chủ hiệu Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê”.

Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đình này đã bị phá hủy. Qua nhiều lần tu sửa, kiến trúc ngôi đình không còn nguyên vẹn. Từ năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô 2 tầng dùng để bán hàng và nhà ở. Dù đã được phục dựng và tu bổ, được biết đến như “ngôi nhà di sản” nhưng du khách quốc tế khi đến Hà Nội ít biết đến cũng như ghé thăm ngôi đình này. Tuy nhiên, từ ngày 4-1-2017, Đình Đồng Lạc chính thức được công nhận là Cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, trở thành địa điểm du lịch với cái tên “Không gian văn hóa Hanoia”. 

Không gian văn hóa Việt trong "ngôi nhà di sản" 38 Hàng Đào ảnh 1Không gian văn hóa Hanoia nằm bên trong đình Đồng Lạc với cách bài trí kết hợp truyền thống và hiện đại

Kết nối các tour du lịch

Toàn bộ không gian tầng 1 được thiết kế như một không gian trưng bày những sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam như đồ sơn mài Hạ Thái, lãnh Mỹ A, giấy dó, các sản phẩm thêu tay… với ý đồ làm sống lại những sản phẩm thủ công đã gần như thất truyền. Không dừng lại ở nơi mua sắm, du khách đến đình Đồng Lạc sẽ còn được tìm hiểu những câu chuyện về mái đình, về văn hóa, lịch sử Thủ đô Hà Nội.

Từ tháng 1-2017, nơi đây sẽ tổ chức định kỳ các sự kiện về văn hóa có sự tham gia của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, các học giả… đến để trò chuyện và thao diễn nghề. Với những hoạt động như vậy, Đình Đồng Lạc đã khoác lên mình tấm áo mới, đóng vai trò là một địa chỉ du lịch trên bản đồ Thủ đô. 

Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để quảng bá, khai thác hiệu quả những giá trị và tiềm năng của không gian này. Trước hết, đình Đồng Lạc có lợi thế về giao thương khi nằm trên con phố sầm uất, nhộn nhịp Hàng Đào.

Tuy không còn giữ được hình dạng nguyên gốc nhưng ngôi đình vẫn lưu giữ được những giá trị kiến trúc, cảnh quan cũng như những nét văn hóa đặc sắc của thế kỷ 17. Nếu trước đây, Hà Nội mới khai thác được những giá trị của “di sản tĩnh” thì nay nơi đây đã được biến thành không gian mở để bất cứ du khách nào cũng có thể ghé thăm. 

Bà Nguyễn Kim Nhung, Quản lý tại không gian văn hóa Hanoia cho biết, để có thể phục vụ du khách, bên cạnh gian trưng bày được thiết kế hòa trộn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, Hanoia có không gian nghỉ, có khoảng không kết nối với thiên nhiên để du khách thư giãn, nghỉ chân uống trà…

Đội ngũ thuyết minh viên tại đây cũng được tập huấn 2 tháng về kỹ năng nói, giao tiếp và phong cách ứng xử, có khả năng thuyết minh thành thạo bằng 2 thứ tiếng Anh - Việt. Hiện, Hanoia cũng đã làm việc và phối hợp với nhiều công ty lữ hành như Saigontourist, Hanoi Red Tours, Buffalo Tour, Công ty Hương Giang… để xây dựng các tour tuyến dẫn những đoàn khách quốc tế vào thăm địa điểm này. 

Cần sản phẩm đặc thù

Cũng theo bà Kim Nhung, một trong cái thiếu nhất của Hà Nội hiện nay đó là những mặt hàng thủ công có chất lượng cao, có nguồn gốc tin cậy, đồng thời nói lên được những giá trị văn hóa, lịch sử riêng có của Thủ đô Hà Nội.

Ngay tại một số làng nghề truyền thống hiện nay cũng tồn tại hiện trạng hàng không rõ xuất xứ, hàng trà trộn, chất lượng kém đội lốt hàng Việt bán lại cho du khách.

Bởi vậy, mỗi sản phẩm được chọn để trưng bày và giới thiệu tới du khách tại Hanoi cũng phải là sản phẩm đạt chuẩn, được các nghệ nhân kinh nghiệm, lành nghề chế tác trong các xưởng mang tiêu chuẩn quốc tế, trải qua những công đoạn chế tác kỳ công để cho ra được thành phẩm chất lượng tốt nhất. 

Để thực hiện chức năng quảng bá du lịch Thủ đô, trên mỗi sản phẩm đều được vẽ, in, chạm khắc hình ảnh những danh thắng, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội như cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Long Biên, Khuê Văn Các… hay những chi tiết cách điệu như những ngôi nhà mái ngói, diềm mái cong của những ngôi đình, chùa…

Bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng, du khách cũng sẽ tìm thấy những món quà nhỏ gọn có thể mua về làm quà tặng như khuyên tai, dây chuyền, hộp đựng trang sức, sổ giấy dó…

Điều đặc biệt là mỗi sản phẩm sẽ được khắc tên Hanoia như một cách để định vị thương hiệu và mỗi du khách cầm trên tay đều nhớ và lưu giữ những ấn tượng tốt đẹp về Thủ đô Hà Nội.