Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam

Sẽ “ôm” cả truyền thống lẫn hiện đại

ANTĐ - Một ngày đầu tháng 4, gặp NSND Trần Bình nghe ông thông báo Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam sẽ có tên gọi mới. Ông ví von khi chiếc áo cũ đã trở nên quá chật thì một chiếc áo rộng hơn là điều cần thiết, nhất là khi các hoạt động của Nhà hát đã “lớn” cho vừa với nó.

Không chỉ biểu diễn ca múa nhạc, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam 
còn có cả múa rối nước

Nhà hát đứng bằng cả “2 chân”

Nhắc lại tên gọi cũ mà Nhà hát vẫn dùng gần 20 năm qua, NSND Trần Bình tâm sự, ngày đó vì dòng nhạc nhẹ đang “mốt” và “sốt” khán giả nên sau khi nâng lên đặt xuống nhiều lần, lãnh đạo Nhà hát quyết định lấy tên là Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương (sau này là Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam). Vài năm trở lại đây khi chữ “nhạc nhẹ” không còn “sốt” nữa, cũng không bao hàm được hết tính chất các hoạt động nghệ thuật của Nhà hát thì tên gọi này cũng trở nên lỗi thời.

Vậy là 2 năm qua, ông cùng mọi người nghiền ngẫm tìm tên mới cho Nhà hát và cuối cùng “chốt” ở cái tên Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. NSND Trần Bình hồ hởi khoe, với tên gọi này, Nhà hát sẽ không chỉ hoạt động ca nhạc mà còn đứng chân ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, từ tạp kỹ, xiếc, múa rối… đến nghệ thuật sắp đặt. Và đương nhiên trong đó sẽ có cả những hoạt động hợp tác nghệ thuật với bạn bè quốc tế, mà gần đây nhất là lần đưa các nghệ sĩ vào diễn tại một Nhà hát rộng hơn 1.000 chỗ tại kinh đô Paris hoa lệ của nước Pháp, và kế hoạch đi lưu diễn một tháng xuyên suốt các thành phố lớn của Trung Quốc vào tháng 10 sắp tới. Sở dĩ phải gọi là “đương đại” bởi theo NSND Trần Bình để Nhà hát có thể vừa “ôm” truyền thống lẫn hiện đại, những chuyển động mới, giao thoa, điểm cắt trong bức tranh đời sống nghệ thuật hiện nay. 

NSND Trần Bình quả quyết Nhà hát nơi ông đang cầm lái hiện giờ là một trong 128 đơn vị nghệ thuật đầu tiên tự chủ từ A đến Z. Điều này đồng nghĩa với việc nơi đây trở thành Nhà hát đầu tiên trong cả nước khoác chiếc áo tự chủ về tài chính. Cũng bởi thế lâu nay, mặc cho quan niệm làm nghệ thuật mà kinh doanh thêm dịch vụ thì không sang trọng lắm, ông vẫn giữ ý định đưa Nhà hát đứng bằng cả “hai chân”, nghệ thuật lẫn kinh doanh. Đó cũng là lý do mà  Không gian văn hóa  Việt của Nhà hát nằm ở khu đất đắc địa ngay sát Hồ Gươm lâu nay vẫn được tổ chức giống như một không gian tổng hợp các loại hình nghệ thuật giữa lòng Thủ đô. Trong đó có cả khu phục vụ ăn uống, khu Gallery trưng bày hội họa, khu bán đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ… Còn phía trong khu biểu diễn trong nhà - Nhà hát Lam Kinh, gần đây ông cũng mạnh dạn cho đào sân khấu làm nơi biểu diễn múa rối nước. Mặc cho nhiều người nói ra nói vào rằng Nhà hát kiêm… nhà hàng, NSND Trần Bình vẫn tự tin rằng đó là một cách làm đúng. Nói đúng hơn, nơi này được Nhà hát xây dựng như khu phức hợp đa năng để trở thành điểm đến lý tưởng chiều lòng khán giả ngày nay, những người vốn không có thời giờ đi tìm dịch vụ.

Để vừa với chiếc áo mới

Nói Nhà hát may hơn các đơn vị nghệ thuật khác vì sở hữu Không gian Văn hóa Việt - mảnh đất “vàng” giữa lòng Hà Nội, NSND Trần Bình phân trần đây thật sự không phải mảnh đất “vàng” mà phải gọi là mảnh đất… “kim cương” mới đúng. Chẳng vậy mà không ít người tìm đến Nhà hát đặt vấn đề trả rất nhiều tiền chỉ để thuê một không gian nhỏ trong đó mở cửa hàng vàng, rồi kinh doanh đồ ăn nhanh nhưng không được chấp thuận. NSND Trần Bình chia sẻ doanh thu từ việc cho thuê những dịch vụ như thế đúng là nhiều thật nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến không gian nghệ thuật chung của Nhà hát và diện mạo cảnh quan xung quanh. Ông bảo tòa nhà đắc địa gần trăm tuổi này cũng được xếp vào hàng di sản văn hóa của Hà Nội, nằm giữa không gian tâm linh với nhiều đền, chùa, miếu mạo nên 5 năm hoạt động vừa qua, Không gian Văn hóa Việt không bị “chê” là may lắm rồi. 

Và cũng bởi Nhà hát sẽ phải tự lo từ những chi phí lặt vặt nhất như điện, nước, xăng, dầu nên lâu nay, NSND Trần Bình có thêm một thói quen bất đắc dĩ, đó là tỉ mỉ kiểm tra, thậm chí tự tay bảo dưỡng từ cái đồng hồ nước đến… kim xăng của từng chiếc ôtô trong Nhà hát.  Ông tự nhận thuộc “tính cách” và bắt bệnh được từng thứ làu làu. Nhưng cũng bởi mê “ngôi nhà” chung này suốt mấy chục năm qua mà cho đến giờ, NSND Trần Bình bảo ông quên cả làm giấy tờ cho ngôi nhà riêng gần đê sông Hồng mà lâu nay gia đình vẫn đang sinh sống. Ông nói vui đó cũng là lý do dạo này hai thứ ông hay được hỏi thăm nhiều nhất là bao giờ Nhà hát đổi sang tên gọi mới và bao giờ thì cả nhà Trần Bình sẽ… ra đê ở. 

4h14 ngày 14-4 tới, cũng chính là ngày thành lập Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương cách đây 28 năm, Nhà hát sẽ chính thức ra mắt tên gọi mới – Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. NSND Trần Bình thổ lộ nghe đâu 100 năm mới có thời khắc đẹp như thế để đón nhận tin vui này. Đây cũng là dịp để các thế hệ nghệ sĩ tài năng của Nhà hát cùng hội ngộ. Và chắc chắn, bắt đầu từ thời khắc này, Nhà hát sẽ có rất nhiều việc phải làm để có thể “vừa” với chiếc áo mới này.