Đục thông 127 vòm cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng (Hà Nội):

Không gian kết nối mới trong bản đồ nghệ thuật và sáng tạo của Thủ đô

ANTD.VN - Ý tưởng đục thông 127 vòm cầu trên phố Phùng Hưng đến ga Long Biên nhằm kiến tạo không gian đô thị, thiết lập địa điểm sinh hoạt cộng đồng nhằm làm tăng giá trị văn hóa Thủ đô của UBND TP Hà Nội tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao từ phía các kiến trúc sư, các nhà văn hóa.

Không chỉ góp ý xung quanh vấn đề về kết cấu, cảnh quan, nhiều ý kiến còn nhấn mạnh đến yếu tố di sản của công trình hơn 100 tuổi này. Vì thế, ý tưởng trên không chỉ đơn giản là một dự án chỉnh trang đô thị mà còn là một công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử, kỹ thuật, xã hội học, giao thông và thương mại.

Không gian kết nối mới trong bản đồ nghệ thuật và sáng tạo của Thủ đô ảnh 1Phố Daumesnil (Thủ đô Paris, Pháp) với những vòm cầu là các công trình tiện ích 

Ý tưởng đặc biệt hay, có lợi cho người dân, thành phố

Kiến trúc sư Lê Việt Sơn, Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: “Ý tưởng cho việc trả lại cảnh quan như vốn có cho vòm cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và cũng là việc nên làm càng sớm càng tốt. Bản thân tôi cũng rất đồng tình với ý tưởng này. Bởi lẽ, cùng với quần thể phố cổ, sông Hồng, Nhà hát Lớn Hà Nội thì cầu Long Biên từ lâu đã là một phần không thể tách rời Hà Nội, cũng như cầu cạn với thiết kế mái vòm là một phần không thể tách rời với cầu Long Biên. Nó là một trong những hạng mục cấu thành của cây “cầu rồng”. Và đặc biệt, giao thông đường sắt lâu nay mang nhiều ký ức và đời sống đô thị”.

Kiến trúc sư Lê Việt Sơn cho biết thêm, cùng với việc cải tạo hình ảnh của cầu cạn đường sắt thì đây cũng là cơ hội để trùng tu, xếp hạng di sản cho cây cầu Long Biên. Kiến trúc sư Lê Việt Sơn cũng đưa ra một vài lưu ý về kết cấu. Khi triển khai dự án cần khảo sát thật kỹ lưỡng, bởi lẽ công trình này đã tồn tại hơn 100 năm và trong suốt quá trình dài sử dụng chịu sự rung lắc của tàu hỏa. Về nguyên tắc, khi tàu chạy qua gây rung lắc, các kết cấu nhả ra. Bên cạnh đó, tải trọng của tàu thời điểm hiện tại cũng lớn hơn nhiều so với thời kỳ mới xây dựng cầu. Chính vì thế, rất cần lập hội đồng thẩm định, phản biện nhiều chiều để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Nhấn mạnh vấn đề cẩn trọng, theo kiến trúc sư Lê Việt Sơn nên khảo sát cả tuyến, quy hoạch kết nối, lập đề án quy hoạch trước, sau mới thi công từng giai đoạn một, số liệu đo đếm cụ thể. Đoạn nào nên thực hiện trước, đoạn nào thực hiện sau. Thi công, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng trên toàn tuyến.

Cũng theo quan điểm của kiến trúc sư Lê Việt Sơn thì đây là một dự án lớn, một ý tưởng đặc biệt hay, chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch kết nối tour, tuyến du lịch hợp lý. Vì vậy, 127 vòm cầu cần được thiết kế thành những gian hàng giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống của Thăng Long xưa, xen kẽ là các quán cà phê, nhà vệ sinh công cộng, các gallery nghệ thuật… Kiến trúc sư Lê Việt Sơn khẳng định, đây là việc có lợi cho người dân, cho thành phố nên nhất định phải làm nhưng cần thận trọng.

Không gian kết nối mới trong bản đồ nghệ thuật và sáng tạo của Thủ đô ảnh 2Ý tưởng cải tạo, đập thông vòm cầu cạn đường sắt Phùng Hưng nhận được sự đồng thuận cao của người dân Hà Nội

Đô thị sinh ra là để kết nối không gian

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, chỉ cần đục thông các vòm cầu mà hơn 30 năm trước vì lý do “trật tự, vệ sinh” mà bịt lại thì đã hay lắm rồi, chưa cần phải xây dựng và thiết kế thêm các hạng mục gì cả. Bởi lẽ, bức tường này chia cắt không gian, trong khi bản chất đô thị sinh ra là để kết nối. Việc đục thông các vòm cầu sẽ làm mới lại đời sống và thay đổi bộ mặt của cả phố Phùng Hưng, kéo dài cho tới ga Long Biên.

127 vòm cầu cần được thiết kế với nhiều công năng, tiện ích, đẩy giá trị gia tăng cho khu phố cổ thương mại, tạo kiến trúc cảnh quan, hình thành các tour, tuyến du lịch cũng như sắp xếp lại giao thông. Đưa các yếu tố văn hóa, nghệ thuật vào cùng với giá trị lịch sử và cấu trúc tạo nên một địa điểm độc đáo. Một địa chỉ mới trong bản đồ nghệ thuật và sáng tạo của Thủ đô.  

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, không nên quá lo ngại về kết cấu của công trình, bởi hiện tại có nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại có thể thực hiện được. Các nhà chuyên môn phải ngồi lại với nhau cùng đưa ra các giải pháp hợp lý trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho biết, trên thế giới đã có nhiều quốc gia sử dụng vòm cầu để làm nơi kinh doanh dịch vụ thương mại rất ấn tượng, Pháp là một ví dụ cụ thể.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc cũng ủng hộ quan điểm bỏ bức tường xây bịt các vòm cầu, bởi lẽ, việc xây thêm những bức tường này chẳng khác gì công trình cơi nới. Bỏ các bức tường cơi nới đi trả lại hình ảnh xưa cho công trình là điều rất nên thực hiện. 

“Cách đây 14 năm, năm 2003, mạng Kiến trúc Ashui.com đã tổ chức một cuộc thi “Hà Nội 36 phố phường, ý tưởng cho một góc phố đẹp”, khi đó đề án “Phố gầm cầu thức dậy” của nhóm tác giả Trần Ngọc Hiếu, Lê Hồng Minh đã đoạt giải C của cuộc thi. Trong đó nhóm tác giả đề xuất việc chuyển phần không gian gầm cầu thành công năng dịch vụ, thương mại và du lịch văn minh với các giải pháp trả lại, chỉnh trang, làm đẹp các ô gầm cầu đường sắt, vỉa hè (hiện bị lấn chiếm và sử dụng tùy tiện)”, kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc cho biết. 

“Để thực hiện dự án này, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, các kiến trúc sư và các nhà khoa học nghiên cứu một cách bài bản, cẩn trọng qua kinh nghiệm của Thủ đô Paris, tham vấn các kiến trúc sư Pháp trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, rất cần sự ủng hộ của Bộ Giao thông - Vận tải”.

Ông Phạm Tuấn Long, (Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm)

“Ý tưởng cho việc trả lại cảnh quan như vốn có cho vòm cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi cùng với quần thể phố cổ, sông Hồng, Nhà Hát lớn Hà Nội thì cầu Long Biên từ lâu đã là một phần không thể tách rời Hà Nội, cũng như cầu cạn với thiết kế mái vòm là một phần không thể tách rời của cầu Long Biên”.

Kiến trúc sư Lê Việt Sơn

“Bức tường này chia cắt không gian, trong khi bản chất đô thị sinh ra là để kết nối. Việc đục thông các vòm cầu sẽ làm mới lại đời sống và thay đổi bộ mặt của cả phố Phùng Hưng, kéo dài cho tới ga Long Biên”.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh

“Việc xây thêm những bức tường này chẳng khác gì công trình cơi nới. Bỏ các bức tường cơi nới đi trả lại hình ảnh xưa cho công trình là điều rất nên thực hiện”.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc