Khói phố

ANTĐ - Khói ở đâu chẳng giống nhau mà phải phân biệt khói quê, khói phố? Ấy vậy mà có. Khói quê làm người ta cay mắt mỗi khi nhớ về hình ảnh làn khói lam chiều nhẹ tỏa trên mái ngói, mái tranh thâm nâu của quê nghèo. Còn khói phố, ngoài sự phiền nhiễu còn khiến người ta nghĩ đến những nguy cơ hao tổn sức khỏe rình rập bên mình. Thậm chí còn khiến ta hoảng hốt và sợ hãi vì cột khói phố ngùn ngụt khi “bà Hỏa” hỏi thăm các chung cư cao tầng.

Hà Nội, đã qua rồi cái thời tận dụng sự hào phóng của thiên nhiên khi những lá cây, cành cây gãy rụng cũng được sử dụng để đun nấu. 

Bây giờ, Hà Nội chật chội vì đông đúc và bận rộn hơn, người Hà Nội cũng có nhiều sự lựa chọn về đun nấu hơn, tuy vậy, có lẽ những viên than tổ ong còn lâu mới bị đào thải và tuyệt diệt. Chẳng cứ gì hàng ăn quán nước, chỉ cần một góc hành lang, một mảnh sân con là người ta đã có chỗ đặt bếp than. Trước đây tôi ở một khu tập thể cũ. Sáng sáng là điệp khúc nhóm bếp. Có nhà thì nhóm bằng bếp điện dây may xo đỏ lừ, trông rợn chân rợn óc với những người yếu bóng vía. Có nhà thì đốt bằng mấy tờ giấy báo kèm những thanh củi nhỏ… Dù nhóm bằng chất liệu gì thì khói vẫn bốc lên mù mịt, mùi than xông lên nghẹt thở. Sáng bước ra khỏi nhà là dạo qua hàng loạt những chiếc bếp, len lỏi qua những làn khói xanh lét, hít thở thứ mùi độc hại, buổi sáng phố đã mất đi rất nhiều thi vị. 

Nhưng, không chỉ riêng các khu tập thể cũ. Khi được nghe "ca cẩm" về "than nạn", những người bạn tôi cho biết rằng, dù có ở chung cư cao tầng mới xây, thậm chí cả ở những khu cao cấp hoặc ở nhà riêng nhiều khi cũng không thoát. Dân mình dường như chưa có thói quen bảo vệ môi trường sống và có trách nhiệm với sức khỏe của cá nhân cũng như người khác. Nếu như ở một số nước khác, chỉ cần bạn gây tiếng ồn là có thể bị báo cảnh sát, 5 phút sau xe hú còi đã đỗ tại nhà, bạn được yêu cầu là phải giữ trật tự cho những người xung quanh hoặc có chút khói là có thể bị báo cứu hỏa thì ở Việt Nam, mà cụ thể là Hà Nội người ta vẫn hồn nhiên sử dụng không gian chung như một thứ chẳng thuộc về ai, chẳng ai có trách nhiệm quản lí. Chính bởi vậy, khói phố mới tràn lan đến như thế. Chả trách, không chỉ các ngõ nhỏ, ngay cả vỉa hè các tuyến phố lớn như phố Huế, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo... sáng sáng ra người ta cũng tận dụng làm nơi nhóm bếp than. Để cháy tự do còn đỡ, khói bị bạt đi, pha loãng trong làn gió sớm. Gặp phải nhà nào đang vội, họ dùng quạt tay hoặc quạt máy thổi hết tốc lực, lửa bốc phừng phừng, khói tuôn nghi ngút thì khách đi đường chỉ có nước bặm môi, nín thở, vặn ga để thoát thật nhanh khỏi đám khói đó.

Bạn sẽ hỏi, thế thì khói do chính xe máy, ôtô của chúng ta thải ra không khí thì sao? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta đều không thể thoát "tội", cho dù tội lỗi ấy không hẳn bạn mong muốn. Bạn chẳng có sự lựa chọn nào khác nếu không muốn đi bộ hoặc đi xe đạp trong thời buổi bận rộn, thời gian eo hẹp. Đương nhiên, không phải "tội lỗi tập thể", nhiều người mắc có nghĩa là vô tội. Chỉ có điều, để khắc phục được điều này cần những tầm vĩ mô, chiến lược liên quan đến xăng xe, đến nhiên liệu sinh học hay những thứ gì khác ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Còn bây giờ, khi mà chưa tìm được cách nào khác, thì hàng ngày, cái mùi khói khét lẹt ấy vẫn bám ngược trở lại tóc, da thịt, quần áo chúng ta, bám vào mũi, chui vào phổi khiến ta hao mòn từng ngày vậy.

Bên cạnh đó, khói phố cũng đậm đặc hơn bởi thuốc lá. Dù rằng đã có rất nhiều biển cấm, thậm chí có luật xử phạt những người hút thuốc lá nơi công cộng hẳn hoi nhưng dường như cũng chẳng thấm vào đâu. Khói phả trong nhà hàng, khói tỏa trong công sở, nhất là những vỉa hè trà đá, những công viên, ghế đá ven hồ. Đặc biệt, ngay cả những chiếc điếu cày tưởng chừng gắn liền với các bác nông dân vẫn có chỗ đứng ở thành phố. 

Sẽ là vô cùng thiếu sót khi không nhắc đến mỗi buổi chiều muộn đi làm về, chúng ta còn khốn khổ vì một thứ khói nữa. Đấy là khói bốc lên từ những lò quay thịt vịt, thịt lợn, những hàng chả xiên chả nướng, chả chó bày sát ven đường. Thứ khói này cũng "kinh dị" không kém, vừa khét vừa hôi mùi mỡ lại ngột ngạt mùi than. Có những hôm cả đoạn phố dài mù mịt khói như có hỏa hoạn, bỗng dưng ghét con đường này, món ăn này, ghét cả cái người bán hàng, ghét cả những người đi đường đông đúc khiến mình chịu nạn đến kì lạ.

Khói phố, nghe thì có vẻ mơ màng thi vị, nhưng thực chất đang là một “gánh nặng” dồn lên đôi vai vốn đã phải chịu đựng nhiều áp lực của người thành thị.