“Khói lửa” - nghề nghiệt ngã

ANTĐ - Sau tai nạn thảm khốc của gia đình ông Lê Minh Phương, Giám đốc Hãng phim Lạc Việt, những câu chuyện phũ phàng về nghề khói lửa mới “vỡ” ra, khiến những người đồng nghiệp của Lê Minh Phương không thể im lặng mãi.

Trong quá trình sản xuất những bộ phim điện ảnh “bom tấn”, được đầu tư một khoản kinh phí lớn như “Giải phóng Sài Gòn”, “Huyền thoại C1”, “Mùi cỏ cháy”, “Đừng đốt”… thường có chuyên gia giám sát nghiêm ngặt quy trình sử dụng và quản lý vật liệu cháy nổ nhưng với phần khói lửa trong phim truyền hình lại phó mặc hoàn toàn cho họa sĩ bối cảnh.

Từ trái qua phải: họa sĩ Trần Hoài Nam, Trần Thanh Việt và Trần Quốc Hùng

Trực tiếp chế chất nổ

Họa sĩ Trần Quốc Hùng, người đã có 18 năm tham gia làm bối cảnh cho phim truyền hình, kể từ phim đầu tay “Hoàng Lê nhất thống chí” cho tới “Chuyện làng Nhô”, “Ma làng”, cùng loạt phim “Cảnh sát hình sự”… bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về nghề khói lửa bằng một tiếng thở dài buồn bã. Tiếng thở dài đó không chỉ là sự tiếc thương cho đồng nghiệp của anh - Lê Minh Phương vừa qua đời trong vụ nổ kinh hoàng mà còn là nỗi ám ảnh về nghề mà bấy lâu nay anh đeo đuổi. Họa sĩ Trần Quốc Hùng bảo, nếu không có tai nạn thương tâm xảy ra đối với gia đình anh Phương “khói lửa”, có lẽ những câu chuyện về nghề nghiệt ngã này, anh sẽ không bao giờ kể cho bất cứ ai.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi anh mới ra trường, bắt đầu dựng bối cảnh cho bộ phim đầu tay, cũng là bộ phim truyền hình dã sử đầu tiên của Việt Nam, khi đó anh được một “chuyên gia” khói lửa là Duy Với - Hãng phim Truyện Việt Nam hướng dẫn và giúp đỡ. Những năm trước, kinh phí làm phim khá hơn bây giờ, mỗi khi cần đến vật liệu nổ, súng, đạn…, những người làm bối cảnh như anh thường đến Hãng phim truyện Việt Nam để thuê, mượn, mua…

Sau này, khi nguồn tài chính dành cho phim truyền hình ngày một eo hẹp, kinh phí phục dựng bối cảnh ở mức không thể thấp hơn được nữa thì họa sĩ Trần Quốc Hùng đành phải mày mò tự học, tự pha chế và… mang ra ngoài hiện trường tự cho nổ. Nhiều chuyến đi quay xa Hà Nội, súng đạn thậm chí là cả vật liệu nổ anh đều “ôm” trong người, rồi mang lên xe - thường là xe 16 chỗ chở cả đoàn làm phim với đạo diễn, diễn viên, quay phim. Giờ nhớ lại thời gian đó, anh Hùng vẫn rùng mình, nói dại có sự cố gì không hay, thì “bay” cả đoàn làm phim chứ không đùa được. Trần Quốc Hùng là họa sĩ bối cảnh cho phim “Cảnh sát hình sự ”, một phim truyền hình với nhiều cảnh súng đạn. Và tất cả những cảnh khói lửa đó đều được tự chế thô sơ. Diễn viên khi gặp cảnh này cứ phải nhắm mắt mà diễn, chấp nhận cả việc “không may” nhẹ thì trầy trật mặt mày, nặng thì đổ máu… với những kíp nổ tự chế. Qua được cảnh đó an toàn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. 

Chuyện thật như đùa

Sau 18 năm gắn bó với nghề, tháng 4 năm ngoái, Trần Quốc Hùng xin nghỉ việc. Cũng là cái may bởi trong suốt ngần ấy năm đạo diễn các vụ cháy nổ trên phim trường, Trần Quốc Hùng không để lại vết sẹo nào trên cơ thể, nhưng với họa sĩ Trần Hoài Nam thì lại không được may mắn như vậy. Vào đúng ngày 29 Tết năm 2006, Trần Hoài Nam thực hiện bối cảnh cho một bộ phim của đạo diễn Hoàng Thanh Du tại khu rừng thuộc tỉnh Tuyên Quang. Xưa nay, để tạo “ép phê” cho cảnh cháy nổ, các họa sĩ thường dùng xăng. Các họa sĩ bối cảnh chế “bom xăng” theo cách không thể thô sơ hơn, rồi kích cho “bom xăng” nổ theo đúng tiếng hô của đạo diễn. Vì không kiểm soát được độ lan của lửa nên vụ nổ đó đã khiến họa sĩ Trần Hoài Nam cháy sém toàn bộ khuôn mặt, ngực và hai tay, cũng may là được anh em trong đoàn phim đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang. Hoài Nam kể, suốt 3 tháng sau đó, anh ăn bất cứ thứ gì đều thấy mùi… thịt nướng. Khuôn mặt biến dạng là thế, nhưng mới ra ngoài Giêng, mùng 10 Tết đã phải lết đi làm bối cảnh tại Sân bay Nội Bài, đi liên hệ tại sân bay không ai dám nhìn thẳng vào mặt anh.  

Hầu hết những người trong nghề làm bối cảnh khi được hỏi đều trả lời rằng, cái sự chính quy, chuyên nghiệp của phim Việt Nam ngày càng đi xuống. Kinh phí hạn hẹp, phương tiện kỹ thuật lạc hậu, bối cảnh thiếu đâu thì mượn nhà dân đến đấy. Khi làm một cảnh cháy nhà trong “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, họa sĩ Trần Quốc Hùng phải đổ nước lên mái nhà, chất rơm, và đốt. Lửa bùng lên thì anh em trong đoàn tập trung nhao vào dập lửa sao cho thật nhanh, nếu không cháy xuống nhà dân bên dưới  thì có mà đền ốm. Cũng may, lúc cháy không có cơn gió nào thổi ngang qua, nếu không cứ kiểu “mình trần xông vào đám cháy” anh em làm bối cảnh phim “Ma làng” đã lĩnh đủ.

Bao giờ mới hết nghiệp dư?

7 năm sau ngày tai nạn, khuôn mặt và đôi bàn tay của họa sĩ Trần Hoài Nam vẫn còn nguyên những vết sẹo nghề nghiệp. Giờ anh vẫn không nén được cảm giác rùng mình khi đi qua cây xăng và ngửi thấy mùi xăng. Thế nhưng vẫn chưa tìm cách gây cháy nào hiệu quả cho bối cảnh liên quan tới khói lửa hơn là xăng. Vì thế anh vẫn cứ phải tái diễn trò “bom xăng” cực kỳ kinh hãi đó.

Hiện tại, chi phí dành cho bối cảnh phim truyền hình khoảng 10 triệu đồng/ tập. Số tiền này được chi cho tất cả các khoản liên quan như thuê địa điểm diễn, tất thảy đạo cụ phục vụ cảnh diễn, và trong đó có cả tiền cho các cảnh cháy nổ, nếu có. Họa sĩ Trần Thanh Việt cho rằng, cả đoàn làm phim ai cũng biết cảnh khói lửa trên phim truyền hình Việt thô sơ, thậm chí là “man rợ” nhưng thay đổi cách nào thì bó tay. Cũng đã cả vạn lần lần các họa sĩ bối cảnh “kêu” trong các cuộc họp, hội thảo về nghề, nhưng rồi “Chỉ có thế, làm thì làm không làm thì thôi!”.  

Phần lớn các đạo diễn, diễn viên, hay họa sĩ bối cảnh đều cho rằng, điện ảnh Việt cần phải xây dựng lại sự chính quy trong cả hệ thống. Tai nạn của gia đình anh Lê Minh Phương là một điều đau xót, và nó khiến cho những người làm khói lửa nói chung và những nhà làm phim hiện tại không chỉ giật mình mà đó cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh buộc những người có trách nhiệm cần phải rà soát, xốc lại quy trình cũng như cách quản lý, thực hiện các kỹ xảo cháy nổ. Cần phải có kho lưu trữ, có nhà xưởng pha chế, có chuyên gia được đào tạo bài bản. Chỉ có như vậy, các cảnh cháy nổ trên phim mới hết nghiệp dư, những người làm cháy nổ mới có thể yên tâm mà theo nghề và quan trọng hơn cả, tránh được những tai nạn thương tâm, vốn đã được cảnh báo từ trước.