Khó vẫn phải làm

ANTĐ - Tái cơ cấu kinh tế với ba mũi nhọn là đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, hiểu theo nghĩa thông thường là sửa chữa cơ cấu hiện có chứ không phá bỏ hoàn toàn. Vì vậy, công việc này bao giờ cũng khó hơn là xây dựng một cơ cấu mới. Từ Bộ Tài chính đến các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới đều có chung một nhận định “khó nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”. Câu hỏi cần được giải đáp là tại sao tái cơ cấu doanh nghiệp “con đẻ” của nhà nước lại khó khăn nhất?

Từ đầu thập niên 1990, công cuộc cải cách, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được phát động với nhiều biện pháp như cổ phần hóa, bán, khoán, lập ra các tổng công ty 90-91, các tập đoàn kinh tế. Hơn hai chục năm qua đã có không biết bao nhiêu lần sơ kết, tổng kết, đánh giá, cũng như hàng loạt văn bản sửa đổi, bổ sung, trong đó có cả Luật DNNN, thế nhưng tới thời điểm này “số phận” của khối doanh nghiệp vẫn chưa… an bài, tức là còn phải tiếp tục “tái cơ cấu”.

Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế vĩ mô, không thể cứ loay hoay mãi với các biện pháp để tái cơ cấu DNNN. Vấn đề là phải tái cơ cấu nhận thức, tư duy chỉ đạo. Nước ta đã khẳng định nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, các thành phần đều quan trọng và bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, nhưng trên thực tế nhiều biện pháp đổi mới, cải cách DNNN vẫn chỉ là tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp này “đóng vai trò chủ đạo”.

Theo nhiều nhà kinh tế đó là “sự nuông chiều làm hư DNNN”. Đầu tư vào DNNN cơ bản là nguồn từ nhà nước chứ không phải do vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước giao vốn, tài sản cho họ kinh doanh. Hơn thế, họ còn được kinh doanh trong những lĩnh vực rất có ưu thế, lợi thế cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có tính chất đặc biệt gần như kinh doanh độc quyền. Hiện nay vẫn không phân biệt rõ giữa vốn sở hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh trên vốn sở hữu đó, dẫn đến sự không minh bạch trong đánh giá hiệu quả kinh doanh của DNNN.

Cụ thể hơn là giá trị gia tăng của DNNN không rõ. Nhà nước khó kiểm soát được lỗ, lãi và phân bổ đầu ra của DNNN. Tức là để doanh nghiệp tính hệ số, đơn giá (đầu vào), nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh có lỗ thì cũng đã chia từ đầu kia. Cơ chế như vậy mới có chuyện doanh nghiệp tìm cách giải thích lỗ là do giá cả nhà nước không cho theo thị trường như ngành xăng dầu là một bằng chứng. Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã mở rộng và xác định lại “vai trò chủ đạo”. Theo đó, những lĩnh vực nào bức thiết cho phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp ngoài nhà nước không đủ sức làm, hoặc không muốn làm thì DNNN phải “ghé vai” gánh vác. Những lĩnh vực nào mà doanh nghiệp ngoài nhà nước đủ sức làm, muốn làm và làm tốt thì sẵn sàng “nhường sân”. Tính chất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cần được hiểu là mọi doanh nghiệp đều có lợi trong phát triển kinh tế.

Như vậy, mục tiêu tái cơ cấu DNNN không phải chỉ là “bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh” với doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà DNNN phải là động lực, là chỗ dựa của toàn bộ nền kinh tế. Tái cơ cấu DNNN là một “mũi nhọn” khó nhất, khó nhưng vẫn phải làm bằng được vì với vai trò động lực, nhà nước không ưu ái mà sử dụng DNNN như một công cụ sắc bén và hữu hiệu cho phát triển.