Khó kiểm soát lao động người nước ngoài

ANTĐ - Đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời chất vấn của ĐBQH xoay quanh 2 nhóm vấn đề: chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề và công tác quản lý Nhà nước đối với lao động là người nước ngoài. 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lới chất vấn

Nhiều ĐBQH cho rằng, việc 2 bộ (LĐ-TB&XH và GD-ĐT) cùng quản công tác dạy nghề đã tạo ra sự chồng chéo, lãng phí trong đầu tư và hạn chế hiệu quả quản lý Nhà nước. ĐB Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cho rằng, danh mục ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, không căn cứ vào nhu cầu thực tế của thị trường và khả năng tìm được việc làm của người được đào tạo. 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, việc có tới 2 đầu mối quản lý hệ thống cơ sở dạy nghề là bất hợp lý. Để khắc phục, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ giao về cho một bộ. Trong khi chưa có quyết định “thu về một mối”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị các địa phương chủ động tính toán sáp nhập các trung tâm dạy nghề: “Cái nào mạnh, tốt thì lấy làm hạt nhân để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, lãng phí”. Về Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ  đứng lên hỗ trợ nữ Bộ trưởng: “Việc lập và sử dụng quỹ như thế nào phải cân nhắc rất kỹ. Quan điểm của Bộ Tài chính là không nên cứ luật nào ra cũng “đẻ” thêm một quỹ, rất dễ có sự nhập nhằng giữa tiền ngân sách và ngoài ngân sách.”. 

Liên quan đến vấn đề lao động nước ngoài, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội phản ánh tình trạng chủ sử dụng lao động là người nước ngoài bỏ trốn, gây thiệt hại cho người lao động trong nước và muốn biết giải pháp của Bộ LĐ-TB&XH. ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn: “Chỉ 3,44% lao động nước ngoài ở Việt Nam là bất hợp pháp? Tôi nghi ngờ con số này! Không biết Bộ LĐ-TB&XH có đi kiểm tra thử các công trường, xí nghiệp chưa? Bộ đã đi rà soát những nơi nào?” 

Hiện chưa có cách quản lý hiệu quả lao động người nước ngoài ở Việt Nam

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ LĐ-TB&XH chỉ được giao chức năng quản lý, cấp phép cho lao động nước ngoài mà không thể giám sát được việc họ có thường trú “chui” hay không. Số liệu về lao động nước ngoài được Bộ tổng hợp từ báo cáo của các địa phương. Bà phân trần: “Có cái khó là khi chủ thầu nước ngoài công bố yêu cầu sử dụng lao động, sau một thời hạn 30 ngày hoặc 60 ngày (tùy số lượng trên hoặc dưới 500 lao động) mà địa phương không đáp ứng được thì họ được tuyển lao động nước ngoài vào làm việc”. Thừa nhận việc kiểm tra giám sát, xử lý vấn đề này “chưa đủ sức răn đe”, Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi xây dựng văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động và dự thảo Luật Việc làm, những vấn đề trên sẽ được đặc biệt lưu ý.