Khi những giấc ngủ bị “đánh cắp”

ANTĐ - Có bao giờ ngủ dậy mà bạn thấy miệng khô và hơi thở “có mùi” hoặc ngủ đủ giấc nhưng vẫn thấy lảo đảo? Nguyên do không phải điều khiến chúng ta tỉnh giấc mà chính là giấc ngủ đêm qua “có vấn đề”. Hãy tìm hiểu những dấu hiệu liên quan đến rắc rối thường gặp trong lúc ngủ vốn âm thầm xâm lấn sức khỏe mỗi người.


Đau hàm, mỏi răng

Đó là triệu chứng của tật nghiến răng, một hoạt động tiềm thức của thần kinh cơ. Thường không ai nhận biết được điều này, các chuyên gia ước tính chỉ có 5% những người nghiến răng nhận ra khi người ngủ cùng thông báo hoặc bị nha sĩ phát hiện. Nghiến răng không chỉ có răng ghì chặt vào nhau mà bộ hàm có thể siết chặt với dấu hiệu khi thức dậy là đau hoặc tê cứng ở cổ. Bệnh nghiến răng liên quan đến căng cơ hàm, vì vậy nó cản trở thư giãn cần thiết cho một giấc ngủ sâu thay vì được nghỉ ngơi thì cơ thể tiếp tục phải làm việc. Các bác sỹ nha khoa sẽ tùy từng trường hợp sẽ tìm được nguyên nhân cơ bản để khắc phục. Các chuyên gia khuyên rằng nếu có tật nghiến răng, trong ngày nên tránh nhai kẹo cao su vì thói quen nhai này có thể “lấn át” về đêm.

Xoay tròn trên giường

Ngủ dậy nếu thấy bạn đã nằm quay khắp giường hoặc giường rất lộn xộn, đó là triệu chứng của hội chứng chân không yên hay vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển động chi (PLMD). Đến nay vẫn chưa rõ chính xác điều gì gây ra rối loạn vận động trong khi ngủ nhưng chân vận động liên tục hoặc cơ bị giật có thể đánh thức hoặc ngăn ai đó có được một giấc ngủ sâu và yên tĩnh.

Các triệu chứng này đôi khi có nguyên nhân sâu xa hơn. Bệnh tiểu đường, viêm khớp, bệnh thần kinh ngoại vi, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, và các vấn đề về thận đều có thể góp phần vào hội chứng chân không yên và PLMD. Cũng có thể, đó là tác dụng phụ của một số loại thuốc đang dùng như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin và lithium. Bạn cũng có thể thử thay đổi chế độ ăn uống để đảm bảo nhận được đủ chất sắt và vitamin B, đặc biệt là axit folic, vì thiếu hụt chất sắt và folate có liên quan đến hội chứng chân yên.

Miệng khô và hơi thở “khủng khiếp”

Thở bằng miệng và ngáy đều có thể ảnh hưởng đến hô hấp trong khi ngủ. Kiểm tra bằng cách nào? Có thể tìm được dấu vết của nước dãi trên gối hay nơi khóe miệng. Còn nếu ngủ cùng ai đó, hãy nhờ theo dõi xem bạn có ngủ ngáy hay tiếng thở quá to hay không. Hiện tượng thở bằng miệng và ngáy có thể làm gián đoạn giấc ngủ vì người đó không có đủ không khí để cơ thể thư giãn hoàn toàn trong khi ngáy to cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Trường hợp này phải làm gì? Tập hít thở bằng mũi, có thể xịt nước muối để đường mũi không bị khô. Có người cứ nằm ngửa là ngáy hoặc thở bằng miệng, khi đó phải dùng mẹo chèn gối hoặc đặt quả bóng tennis sau lưng để luôn nằm nghiêng. Người ngủ ngáy càng nên kiêng uống rượu vào buổi tối vì chất cồn là một loại thuốc an thần ảnh hưởng đến phần cơ của mũi và cổ họng, góp phần làm cho hiện tượng ngủ ngáy trầm trọng hơn. Các bác sỹ cho biết, giảm cân đối với người thừa cân béo phì có thể giảm được hiện tượng ngủ ngáy.

Ngủ đủ nhưng cả ngày vẫn mệt mỏi

Đó là dấu hiệu của hội chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, một rối loạn được xác định là hơi thở theo chu kỳ bị gián đoạn khoảng 10 giây hoặc hơn. Nhẹ hơn có thể là hội chứng kháng đường hô hấp trên (UARS), trong đó quá trình thở bị ngăn trở và đôi khi cũng có thể ngừng hô hấp. Có đến 87% số người có hội chứng ngưng đường thở không biết đến vấn đề của mình. Ngáy là dấu hiệu dễ nhận biết nhưng trên thực tế, nhiều người ngưng thở mà không ngáy.

Phiền phức mà chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ đem lại là cổ họng đóng kín, cắt đứt luồng không khí, ngăn chặn lưu thông khí ôxy tới khắp các cơ quan trong cơ thể. Nồng độ ôxy trong máu giảm xuống, đến khi não nhận biết được điều đó thì nó sẽ thức dậy, làm cho người ta ngủ chập chờn, đôi lúc cảm thấy nghẹt thở, toát mồ hôi, tức ngực, không cảm thấy thoải mái hay khoẻ khoắn khi thức dậy, thậm chí cả ngày không tập trung được, mệt mỏi. Xác định có đúng bệnh hay không quan trọng là đo nồng độ ôxy trong lúc ngủ. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bệnh nhân sử dụng máy thở CPAP trong đó mặt nạ thổi không khí trực tiếp vào đường hô hấp. Trường hợp phức tạp hơn phải kiểm tra kỹ và có thể phải phẫu thuật.

Bệnh ngưng thở có thể gây ra nguy hiểm đến sức khoẻ vì nếu mà không trị dứt điểm, về lâu dài (10 đến 20 năm sau), bệnh này có thể gây suy tim, huyết áp cao, loạn nhịp tim, mất trí nhớ, giảm chức năng tình dục v.v...