Khi công tơ điện... có vấn đề: Quyền bên mua thua quyền bên bán

ANTĐ - Công tơ điện là chiếc cân định lượng điện năng được cung cấp và tiêu thụ, làm cơ sở cho việc thanh toán giữa bên mua và bên bán theo các điều khoản đã được quy định trong hợp đồng mua bán điện. Vì vậy nó rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả ngành điện và khách hàng trong mua bán điện năng. Trong khi tại nhiều tỉnh thành phố đã bắt đầu lắp đặt công tơ điện tử thì tại Hà Nội, vẫn có tới 95% hộ gia đình vẫn sử dụng công tơ cơ. Và cũng từ đây, nảy sinh nhiều vấn đề mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người mua điện…

Khi công tơ điện... có vấn đề: Quyền bên mua thua quyền bên bán ảnh 1
Minh hoạ: Internet


Công tơ điện treo cao

Điều 24 Luật Điện lực đã ghi rõ công tơ đặt trong khu vực quản lý của bên mua điện. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì vị trí lắp đặt và việc lắp đặt phải an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số công tơ và bên bán ghi chỉ số.

Ngoài ra, theo điều 15 Luật Điện lực khi nghi ngờ thiết bị chạy không chính xác, bên mua có quyền yêu cầu bên bán kiểm tra. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua, bên bán phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan quản lý về hoạt động điện lực tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm định. Luật là vậy nhưng trong thực tế, thì không phải như vậy. Thường thì bên bán điện  muốn treo công tơ ở đâu cũng được, và cũng ít khi khách hàng kiểm tra công cơ điện nhà mình, trừ khi thấy có những dấu hiệu bất thường, tiền điện tăng vọt. Thực tế  ít khi thấy hộ gia đình nào treo công tơ tại cửa nhà mình mà đều treo trên những cột điện cao (trừ những nhà trọ sử dụng công tơ con). Còn đối với các khu chung cư, khu tập thể cũ thì công tơ được tập trung vào hộp kỹ thuật. Công tơ điện treo cao, hoặc để tập trung tại một nơi khiến khách hàng cũng ngại kiểm tra chỉ số xem có chính xác không vì vậy bên bán ghi chỉ số công tơ sớm hay muộn đúng hay sai không ai biết, chỉ biết số tiền mình phải trả là bao nhiêu mà thôi. 

Theo quy định công tơ cơ 5 năm mới phải thay một lần nhưng ngành điện chỉ cần thấy điện năng tiêu thụ ít là dễ dàng kiểm tra công tơ và thay có khi chỉ trong vòng 30 tháng. Mỗi lần thay công tơ, điện lực cũng không cần thông báo khách hàng mà chỉ khi nào lắp xong công tơ mới khách hàng mới được biết vì phải trả tiền cho chiếc công  tơ mới.  Điều đáng nói là theo phản ảnh của người dân thì mỗi lần thay  công tơ, điện năng tiêu thụ không ít thì nhiều đều tăng thêm vài phần trăm (%). Không những thế mỗi lần thay công tơ điện, người sử dụng lại phải trả chi phí cho công tơ mới mặc dù họ không mong muốn và những  người mua điện không thể biết được công tơ của nhà mình có hỏng hay không. Việc này chỉ có bên bán điện mới biết.

Theo ông Lê Ninh, nguyên Trưởng phòng giám sát điện năng, Cục kỹ thuận an toàn công nghiệp, Bộ Công Thương thì đã có nhiều vụ kiện cáo song phần lớn đều được dàn xếp kiểu thỏa thuận. Người mua điện khi thấy dấu hiệu đồng hồ điện chạy sai lệch thì cần nhanh chóng đưa đi kiểm định. Nếu có đơn khiếu nại, Sở Công Thương chỉ định đơn vị kiểm định kết luận, trường hợp công tơ chạy nhanh thì bên điện phải bồi thường sản lượng, chi phí kiểm định. Nếu công tơ chạy chậm thì người dân phải chịu chi phí. Song trên thực tế, mỗi lần kiện cáo thủ tục rất rườm rà và không phải bỗng chốc mà người dân có thể nhấc công tơ nhà mình mang đi kiểm định, nên nhiều khi thấy tiền điện tăng bất thường cũng… bỏ qua.

Công tơ có thể chạy nhanh và chậm tùy ý? 

Theo một cán bộ công tác trong ngành điện lực thì hiện nay công tơ đang sử dụng thường do nhiều hãng sản xuất, được lắp đặt trong nhiều thời điểm khác nhau, lại sử dụng công nghệ chế tạo cũ nên tiêu hao điện năng trên công tơ rất lớn và tính chính xác của công tơ không cao. Bên cạnh đó, việc đọc chỉ số thủ công đã làm cho năng suất lao động thấp đi và không an toàn vì phải leo trèo cao. Việc đọc nhầm và nhập thông tin chỉ số của các nhân viên đôi khi cũng xay ra sai sót do số lượng khách hàng quá lớn. Ở một số khu vực, khách hàng lại hay vắng nhà nên gây khó khăn cho việc đọc chỉ số công tơ hàng tháng...

Trên một diễn đàn dành cho các những người đang học và đã trở thành kỹ sư điện lực, một câu hỏi được nêu ra là “làm thế nào để công tơ quay chậm lại?”, cùng với rất nhiều ý kiến không ủng hộ việc làm được cho là “ăn cắp” này thì cũng không thiếu những người nêu ra cách thức để có thể khiến công tơ chạy chậm lại như đặt nam châm vào công tơ, vặn ốc ở cục nam châm mà đĩa quay đi qua, điều chỉnh khoảng cách giữa hai cục nam châm và cái đĩa... Nhưng cùng với các cách thức này, người hướng dẫn cũng nêu ý kiến nếu nếu không cẩn thận đặt nhầm thì công tơ sẽ quay như ngựa phi (!).

Qua những ví dụ giản đơn như vậy có thể thấy rằng, công tơ cơ đang sử dụng hiện nay hoàn toàn có thể chạy nhanh và chậm. Người bán điện thì đương nhiên muốn điện năng không bị thất thoát ra ngoài còn người mua điện thì mong làm thế nào giảm càng nhiều càng tốt số tiền mình phải trả. Đa số khách hàng  đều không tán thành việc công tơ treo cao hoặc ở những nơi mà người dân khó kiểm soát, khiến cho khách hàng không có khả năng giám sát trách nhiệm của người ghi công tơ. Thực tế cũng đã xảy ra nhân viên ngành điện ghi "nhầm" chỉ số điện của khách hàng.  Còn khách hàng "thượng đế" là người sử dụng điện luôn là người sẽ chịu thiệt thòi, và chẳng biết kêu ai. Hiện nay, mỗi hóa đơn điện có 4 mức thang bậc, được tính lũy tiến, chỉ cần người ghi chỉ số đến chậm một ngày, số điện có thể bị tính mức lũy tiến cao hơn,  khi đó  ngành điện hưởng lợi còn người dân thì chỉ biết móc tiền ra trả. Đó là một trong những độc quyền vô lý mà ngành này tự tạo ra cho mình. 

Công tơ điện tử sẽ hạn chế gian lận

Cách đây 10 năm, Hà Nội đã thí điểm triển khai việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa tại nhà khách hàng để tự động đọc và truyền chỉ số bằng tín hiệu sóng vô tuyến hoặc hữu tuyến. Dự án này nhằm hạn chế tối đa những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra trong việc ghi số điện và  thanh toán tiền điện. Riêng đối với các khu nhà ở chung cư mới được xây dựng, dự kiến sẽ triển khai áp dụng công nghệ đo xa ngay từ khi bắt đầu bán điện. Nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán tiền điện, công ty sẽ triển khai nhiều dịch vụ thông qua mạng Internet như tiếp nhận lắp đặt công tơ hoặc lắp đặt trạm biến áp, thanh toán tiền điện thông qua mạng. Khách hàng có thể tạm ứng trước tiền điện, trả tiền điện tại quầy của công ty, thanh toán qua ngân hàng, qua mạng Internet hoặc tại bất kỳ điểm thu tiền điện nào trên địa bàn thành phố. Nhưng đến thời điểm này đó vẫn chỉ là thí điểm.

Tại nhiều tỉnh thành phố hiện nay, việc lắp công tơ điện tử đã được triển khai như Đắk Nông, Quảng Ngãi, Thái Nguyên... bước đầu đã ghi nhận có kết quả. Tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng & Chuyển giao KHCN, Đại học Điện lực nghiên cứu và ứng dụng thành công Công tơ điện tử thông minh SmartRF và đã được triển khai lắp đặt trên một số địa bàn nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với số công tơ cơ vẫn đang hoạt động hiện nay. Công tơ điện tử thông minh không những đo được điện năng mà còn đo được chỉ số điện tiêu hao, kiểm soát điện thất thoát, giúp người dùng có thể cập nhật thường xuyên thông số sử dụng điện... Việc áp dụng công nghệ mới đem lại cho sản phẩm những ưu điểm nổi bật như tự động tính toán giá cước theo chương trình được cài đặt, có khả năng đọc thông số tự động từ xa, truyền số liệu về trung tâm, giảm thiểu tiêu cực trong công tác ghi chỉ số, ngăn chặn hiện tượng nhầm lẫn, ăn cắp điện cũng như làm thất thoát điện năng. Theo đó, công tơ điện tử thông minh này sẽ ghi lại được tất cả công suất tiêu hao do thất thoát. Nếu doanh nghiệp nào sử dụng vượt mức sẽ bị phạt.

Ngoài ra, công tơ điện tử thông minh còn có thể vẽ biểu đồ phụ tải, cho biết mức năng lượng tiêu thụ trong từng thời điểm trong ngày, giúp ích cho việc kiểm toán năng lượng dễ dàng. Thay vì phải trèo lên cột để đọc số công tơ, ghi vào giấy và đánh vào máy tính như hiện nay thì công tơ điện tử cho phép sử dụng phương án đo xa. Ngồi một chỗ có thể biết được số công tơ điện. Điều quan trọng hơn người sử dụng điện hoàn toàn có thể kiểm soát được chiếc công tơ điện, lượng điện tiêu thụ.

Đảm bảo bình đẳng giữa hai bên

Chức năng giám sát công tơ điện là để đảm bảo quyền bình đẳng giữa người mua và bán điện. Dư luận cho rằng để người dân yên tâm hơn khi sử dụng điện, đồng thời tiết kiệm điện trong sinh hoạt, đề nghị ngành điện có kế hoạch để người sử dụng điện có thể giám sát, điều chỉnh sử dụng tiết kiệm điện và giám sát tính đúng đắn của nhân viên ghi số điện. Ngành điện cũng cần quy định rõ thời điểm ghi chỉ số công tơ không chậm quá hai ngày và chỉ số công tơ phải được hiệu chỉnh rõ số ngày giờ ghi chậm trong hóa đơn và cho phép sai số +10% của định mức, trên cơ sở có lợi cho khách hàng, vì lỗi do bên bán điện ghi chậm công tơ mà người mua điện không giám sát được. Phải có cơ quan kiểm tra giám sát điện năng và giải quyết các khiếu kiện về hợp đồng mua bán điện, chỉ số chỉnh định công tơ. Hai bên cùng giám sát thì mới có thể đảm bảo được sự bình đẳng.