Mà tất nhiên, để khán giả “ngoại” hiểu và yêu cải lương thì chỉ cần một bước chuyển từ cải lương tiếng Việt sang cải lương tiếng Anh là đủ đáp ứng được yêu cầu. Nhưng câu chuyện đằng sau sự chuyển đổi này là muôn vàn khó khăn. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, xung quanh dự án.
“Mệnh đế vương”- vở diễn đầu tiên được dịch sang tiếng Anh
Thà muộn còn hơn không làm gì
- PV: Sau khi thực hiện vở “Mệnh đế vương” bằng tiếng Anh, khán giả nước ngoài đã nhận xét ra sao về cách làm mới của Nhà hát, thưa ông?
- NSƯT Trần Quang Hùng: Lần đầu tiên thực hiện việc chuyển lời ca từ của vở cải lương “Mệnh đế vương” sang tiếng Anh, chúng tôi đã rất chú ý tới những nhận xét của khán giả nước ngoài bằng việc thực hiện các cuộc phỏng vấn ngắn. Và bên cạnh những góp ý tích cực thì nhược điểm lớn mà các khán giả “ngoại” cho biết là vở diễn quá dài và nhiều phần dịch không… hiểu.
- Vì lẽ đó mà lần thử nghiệm thứ 2 này, Nhà hát đã thay thế bằng một chương trình ngắn nhưng nhiều tiết mục?
- Không chỉ vậy đâu, chúng tôi còn đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng vẫn nằm trong kịch hát dân tộc như quan họ, trống hội, múa Chăm… để khắc phục nhược điểm của lần thử nghiệm đầu tiên. Và phần dịch thì chúng tôi đã nhờ một người không chỉ am hiểu về nghệ thuật truyền thống mà còn hàng ngày hàng giờ làm việc và tiếp xúc với người nước ngoài để chuyển lời của các trích đoạn được rõ nghĩa nhất. Điều quan trọng là làm thế nào để các du khách nước ngoài hiểu được những gì đang diễn ra trên sân khấu.
- Nếu chỉ dịch đơn thuần như thế, liệu có ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận của khách nước ngoài về cải lương?
- Không nên hiểu một cách máy móc rằng việc dịch chỉ giải nghĩa ngôn ngữ của lời thoại trên sân khấu. Khi bắt tay vào thực hiện dự án này, chúng tôi đã tính đến việc thưởng thức nghệ thuật của du khách sẽ bị ảnh hưởng do chú tâm nghe lời thoại. Nhưng có lẽ cũng nên chấp nhận điều này. Bởi với điện ảnh thì việc theo dõi một bộ phim có phụ đề rõ ràng khiến cho khán giả không thể toàn tâm toàn ý thưởng thức tác phẩm. Chúng tôi đã khắc phục nhược điểm này của việc nghe cải lương có thuyết minh bằng cách “dịch có tình cảm”. Người thuyết minh sẽ không dịch đều đều mà cũng có ngữ điệu lên xuống để giúp khán giả hình dung được câu chuyện kịch tính trên sân khấu.
- Được ra đời trong bối cảnh như hiện nay, ông có cho rằng cách làm này là mới ?
- Qua nhiều kênh thông tin thì văn hóa nước ngoài đã có mặt trong đời sống của người dân Việt. Thế nhưng, ngay tại Việt Nam, lại có rất nhiều người nước ngoài lưu trú, sinh sống và học tập. Vì thế, thiết nghĩ tại sao chúng ta không quảng bá văn hóa nước Việt đến người nước ngoài? Tôi cho rằng, cách làm của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong thời điểm này là lạc hậu, là muộn màng. Nhưng thôi, thà muộn còn hơn là không làm
gì cả.
Tìm khán giả “mới” để giữ khán giả “cũ”
- Bên cạnh lý do muộn, còn nguyên nhân nào khác để Nhà hát quyết tâm thực hiện dự án này?
- Tận mắt tôi đã từng chứng kiến có du khách nước ngoài đã bỏ tiền túi ra mua vé vào xem vở diễn. Nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên chỉ xem được chừng mươi phút là họ bỏ ra về. Nên bên cạnh những lý do quảng bá văn hóa thì còn lý do khác nữa là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người nước ngoài. Chúng tôi muốn tìm kiếm khán giả mới cho bộ môn nghệ thuật cải lương.
- Ông có tán đồng với ý kiến cho rằng: Việc tìm kiếm khán giả “mới” chứng tỏ nghệ thuật cải lương đang dần mất đi khán giả “cũ”?
- Tôi nghĩ ý kiến trên mới chỉ đúng một phần. Khán giả trong nước không quay lưng lại với cải lương. Mà các nhà hát nên năng động để giữ chân khán giả trước sự đòi hỏi và phát triển ngày nay. Chỉ với những cách làm hay và hấp dẫn mới thu hút sự chú ý của khán giả. Nhà hát chúng tôi hướng đến khán giả “mới” là các du khách nước ngoài thực chất là để giữ chân khán giả “nội”. Bởi nó đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người Việt. Một vở diễn mà thu hút được nhiều khán giả nước ngoài đến xem thì chắc hẳn khán giả “nhà” không thể làm ngơ.
- Tuy đang trong giai đoạn thể nghiệm nhưng ông có tin dự án sẽ thành công?
- Ban lãnh đạo Nhà hát và các anh nghệ sỹ đang trên con đường mày mò, tự suy nghĩ, tự bàn và tự làm. Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng lớn trong dự án nghệ thuật. Còn kết quả đến mức độ nào thì chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận. Nhưng tôi nghĩ, hãy cứ làm và mạnh dạn làm thì mới “phát lộ” ra nhiều ý tưởng hay và nghệ thuật cải lương sẽ phát triển.
- Xin cảm ơn ông!