Đạo diễn Trần Lực:

Khán giả bị "nghiện" với phong cách dàn dựng kịch của tôi

ANTD.VN - “Cơn ghen của Lọ Lem” là vở kịch ước lệ thứ hai được đạo diễn Trần Lực ra mắt khán giả. Khác với “Quẫn”, lần này “Cơn ghen của Lọ Lem” được gắn thương hiệu hẳn hoi, đoàn kịch đương đại tư nhân của Trần Lực - “Lucteam”.  

Cảnh trong vở “Cơn ghen của Lọ Lem”

Tin vào sự ngây thơ

- PV: Có phải “Quẫn”, vở hài nhại được dàn dựng theo phong cách mới chính là thước đo để anh đi đến quyết định thành lập đoàn kịch tư nhân “Lucteam”? 

- Đạo diễn Trần Lực: Tôi nhận thấy, khán giả đã bị “nghiện” với phong cách dàn dựng mang tên Trần Lực. Sau khi “Quẫn” khai màn, nhiều người cứ thúc giục tôi dựng tiếp. Thấy khán giả “nghiện”, tôi mới dựng “Cơn ghen của Lọ Lem” đấy chứ (Cười). Vở kịch này cũng đánh dấu mốc với sự ra đời của đoàn kịch tư nhân “Lucteam”. 

- Phong cách mang tên Trần Lực ấy có ma lực nào khiến khán giả “nghiện” đến thế vậy anh?

- Tôi tin, ai xem kịch của Trần Lực cũng sẽ lên cơn vật như thế. Bởi đó là một lối dàn dựng rất khác biệt, sân khấu được tối giản đến trống rỗng nhưng luôn vui nhộn bởi đó là hài nhại, các vấn đề “nóng” của đời sống xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả, phong cách sân khấu Trần Lực giữ được sự ngây thơ, hồn nhiên. Cả đạo diễn, diễn viên đã tin và tạo dựng một không gian trong trẻo như thế trên sân khấu. Bạn có tin không? Hai diễn viên đứng cạnh nhau mà họ diễn cứ như đứng cách xa nhau cả nửa vòng trái đất. Và chúng tôi buộc người xem cũng tin vào sự ngây thơ ấy. 

“Tôi cũng “hổ báo” lắm chứ, vui là cười, buồn là khóc. Sự hồn nhiên không dễ để đến U50 vẫn giữ được, tất cả cần được rèn luyện. Tôi hay xem phim hoạt hình, học trong đó trí tưởng tượng, chấp nhận những điều phi lý”.

              Đạo diễn Trần Lực

- Anh làm thế nào để giữ được sự ngây thơ, trong trẻo cho mình và cho khán giả? 

- Tôi cũng “hổ báo” lắm chứ, vui là cười, buồn là khóc. Sự hồn nhiên không dễ để đến U50 vẫn giữ được, tất cả cần được rèn luyện. Tôi hay xem phim hoạt hình, học trong đó trí tưởng tượng, chấp nhận những điều phi lý. Con mèo to xác như Tom mà cứ hết tập phim này đến tập phim khác không bắt được con chuột bé tí như Jerry. Ờ, thế mới là đời chứ! (Cười). 

“Tôi đang mơ mà…!”

- “Lucteam” ra mắt vào thời điểm khó khăn của sân khấu hiện nay, anh có chỗ dựa vững chắc nào không?

- Tôi chỉ biết dựa vào chính mình. Các diễn viên trẻ của tôi cũng tin vào con đường mình đang đi. Khán giả bỏ tiền mua vé sẽ thấy “đáng đồng tiền bát gạo”. Vở nào cũng ngắn gọn nhưng một cảnh diễn được mở ra như rút cạn sinh lực của diễn viên. Nếu không vững tâm lý và nghề, các bạn sẽ gục ngay trên sân khấu. Tôi biết gạch đá sẽ ném vèo vèo vào mình với việc thành lập đoàn kịch tư nhân nhưng cứ đi mới thành đường được. Hoặc có lẽ, đường thẳng không đi, tôi cứ thích đi đường vòng. 

Đạo diễn Trần Lực

- Anh làm thế nào để giữ chân các diễn viên trẻ đầy tài năng?

- Các bạn diễn viên ở đây phần lớn đều là học trò của tôi tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Với Huy chương Vàng, Bạc đã giành được tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016, các em dẫu có “đắt hàng” nhưng vẫn quyết theo thầy. Việc đảm bảo quyền lợi cho các em là việc phải làm. Tại đây, các em được hưởng mức lương cao hơn các đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Nhưng có lẽ, con đường mới với sự thú vị, sáng tạo và việc được khẳng định mình đã khiến các em ở lại đây, trong đội của Lực . 

- Nếu như chẳng may Trần Lực không thành công trên con đường ấy, anh có hối tiếc? 

- Nếu cái điều ngộ nhỡ ấy có xảy ra, coi như tôi không mất gì. Vì tôi đang mơ mà…! Tại sao lại cấm tôi không được tưởng tượng vượt ra ngoài thế giới thực. Nhưng tôi tin mình đã lựa chọn đúng con đường đi. Bởi “Lucteam” sẽ khẳng định được thương hiệu dựa vào từng sản phẩm đạt chất lượng cao. 6 tháng để có được một tác phẩm ra mắt khán giả, chắc không có đoàn kịch nào kỹ càng như “Đội của Lực”. Mỗi vở diễn chỉ được phép có 5 viên sỏi, đến viên thứ 6 phải dừng. 

- Thế còn việc bán vé, anh sẽ phân phối qua kênh nào?

- Tôi nhận được sự hỗ trợ của công ty truyền thông. Nhưng là người đứng đầu đội, tôi muốn từng tấm vé sẽ do các bạn diễn viên đến trao cho khán giả. Trải nghiệm bán từng tấm vé, đến tận nhà sẽ giúp các em trân trọng những giây phút đứng trên sân khấu. Không phải tôi tiếc tiền thuê người vận chuyển, tôi muốn dạy các em hãy sống thực với cuộc sống, đừng ảo tưởng bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. 

- Cảm ơn anh và chúc “đội của Lực” thành công!