“Ít ai tự xác định được thực lực của con em mình”

ANTĐ - Với hơn 50 năm giảng dạy, GS. Nguyễn Lân Dũng hiểu rõ thí sinh cần gì để thành công trong học tập và công việc sau này. Giảm áp lực thi cử và không để bị mất phương hướng là điều mà Giáo sư muốn chia sẻ với các sĩ tử trước mùa thi.

- Sức ép học hành, thi cử đang gây ra phản ứng tiêu cực trong học sinh dẫn tới nhiều sự việc đau lòng. Theo Giáo sư áp lực này xuất phát từ đâu?

- Theo tôi thì áp lực lên học sinh có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là chương trình quá nặng lại học trong thời gian ngắn. Nhiều môn học có chương trình khác biệt quá nhiều so với nước ngoài, bắt học sinh nhớ những chuyện không đáng nhớ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin và phổ cập Internet. Giáo viên ép học thêm dưới hình thức theo yêu cầu của hội cha mẹ học sinh, thậm chí có thầy cô để dành các phần giảng quan trọng vào các giờ dạy thêm. Phụ huynh học sinh ép con em thi vào các trường có yêu cầu vượt quá thực lực của các cháu. Trong khi đó ít ai tự xác định thực lực của con em để hướng chúng thi vào các trường phù hợp.

- Vậy thí sinh nên có biện pháp gì để điều chỉnh áp lực cho bản thân trước kỳ thi ĐH sắp tới?

- Trước hết phải khắc phục các tồn tại nói trên, đem lại sự ổn định, sự trong sáng trong môi trường giáo dục. Đây là về lâu dài. Còn trước mắt, các em rất cần những chia sẻ kinh nghiệm thành công của những anh chị đi trước, bài học từ thầy cô với bí quyết nhiều năm hỗ trợ học sinh thi cử... Đây cũng chính là lý do tôi tham gia vào Ban Giám khảo cuộc thi Mật mã mở cánh cửa đại học do ĐH FPT tổ chức trong tháng 4 này để đem đến các kỹ năng giúp thí sinh tự tin, vững vàng về trình độ, bình tĩnh khi làm bài thi, đủ sức khỏe trong thời gian ôn tập và thi cử, sự trong sạch trong việc làm bài thi. Tôi cũng lưu ý các em học sinh là để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi đại học thì cần có sự chuẩn bị ngay từ các lớp bên dưới. Bởi vậy, những kinh nghiệm học tập để nhớ những gì mình đã thật hiểu hay cách lựa chọn định hướng nghề nghiệp tương lai… là những điều cần trang bị sớm chứ không phải chỉ dành cho các thí sinh chuẩn bị thi ĐH năm nay.

- Liên tục chạy theo các lớp học thêm trong thời điểm này có phải là cách chuẩn bị hiệu quả cho các kỳ thi sắp tới?

- Học thêm với các thầy cô giáo thật sự giỏi để làm rõ các vấn đề mình chưa hiểu kỹ là chuyện rất tốt. Vấn đề là được chọn thầy cô và chỉ học thêm trong lượng thời gian đúng mức để có thời gian tự học. Học thêm nhiều đến mức không còn đủ thời gian để tự học thì nhiều khi phản tác dụng. Vấn đề còn liên quan đến nội dung đề thi. Có thầy luyện thi môn Văn yêu cầu các em cứ nhớ 4 chữ - Yêu (yêu nước) Căm (căm thù địch) Chiến (chiến đấu quên mình) Lạc (lạc quan cách mạng) - là thể nào cũng vận dụng được tốt vào các bài thi về bình luận văn chương của các tác giả đương đại. Nếu đề thi theo hướng mở để phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh thì Yêu Căm Chiến Lạc chẳng giúp ích được gì. 

- Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công trong học tập, nghiên cứu của mình?

- Thế hệ tôi vào đại học (năm 1954) không qua kỳ thi nào cả cho nên không có mấy kinh nghiệm thi cử để truyền đạt lại cho các bạn trẻ. Tuy nhiên qua trên nửa thế kỷ giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học tôi có thể thấy rõ từng loại sinh viên, nghiên cứu sinh. Em nào có phương pháp học tốt, có tinh thần yêu khoa học, dấn thân cho sự nghiệp khoa học, trung thực và cần cù vượt khó… thì rất thành công trong sự nghiệp. Ngược lại có không ít những em ham chơi, yêu đương sớm, học đối phó qua các kỳ thi thì tuy vẫn có mảnh bằng đại học nhưng rất ít có cơ hội tiến xa và ít có khả năng cống hiến đích thực cho đất nước.