Hồn phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội 36 phố phường, đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến là niềm tự hào của người Tràng An. Hà Nội là nơi hội tụ danh nhân, kẻ sĩ với nhiều kiến trúc đình chùa tồn tại qua nhiều thế kỷ. Hà Nội 36 phố phường là nơi hàng hóa khắp các địa phương trao đổi, buôn bán, hình thành Kẻ Chợ nhộn nhịp, sầm uất…
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê

Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê

Phố Tây và phố ta

36 phố phường là nói về những phố buôn bán sầm uất tập trung ở khu phố cổ ngày nay như Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Hàng Mành, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Gai, Mã Mây, Hàng Mắm… Trước những năm Giải phóng Thủ đô 1954, diện tích và dân số Hà Nội rất nhỏ hẹp. Các công sở của chính quyền thuộc địa Pháp tập trung tại những con đường lớn như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Đinh Tiên Hoàng… Ngày đó Hà Nội phân cấp nơi ở theo từng khu vực. Người Pháp thường ở những khu biệt thự sang trọng trên đường Trần Phú, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Lê Hồng Phong… (nay thuộc quận Ba Đình, các phố đã được đổi tên sau ngày tiếp quản Thủ đô).

Những con phố thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều, Quang Trung… đa phần là tư gia quan chức người Việt làm việc trong các ngành thầu khoán, kiến trúc sư, Sở dây thép (bưu điện), canh nông … và một số thương gia giàu có. Phần nhiều là biệt thự rộng vài trăm mét vuông, xây 2 - 3 tầng, có bờ rào cây cối. khu sân vườn. Các phố quanh khu vực hồ Hale là khu dành cho công chức bậc trung lưu như các ông thông, ông ký, ông phán, ông đốc, hoặc giới văn nghệ sĩ. Phố Nguyễn Thượng Hiền dài chừng vài trăm mét cũng có những biệt thự nhỏ nằm xen những ngôi nhà xây 2 - 3 tầng.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã có mấy năm sống trong con phố này. Cách đấy không xa có một con phố rất ngắn có tên là phố Vũ Lợi, vốn là nơi ở của nghệ sĩ nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam đã từng sống. Ngôi nhà số 7 phố Vũ Lợi là nơi ở của nhà văn Trần Dần, số 9 là nơi nhà văn Nguyễn Tuân đã từng sống. Ngay đầu Vũ Lợi, giáp số nhà 104-106 Yết Kiêu là tư gia cố nhạc sĩ Văn Cao. Các con phố như Triệu Viêt Vương, Bùi Thị Xuân, Mai Hắc Đế, Tô Hiến Thành, Đoàn Trần Nghiệp… là nơi ở của các công chức, giáo học và những gia đình buôn bán nhỏ có các cửa hàng cửa hiệu trung tâm khu phố cổ.

Cổng Hầu là lối dẫn vào làng An Thọ xưa

Cổng Hầu là lối dẫn vào làng An Thọ xưa

Hà Nội có rất nhiều con ngõ dài, ngắn, chật hẹp và ẩm thấp. Nơi đây dành cho những người lao động như thợ thuyền, phu xe tay, phu bốc vác, có cả những ông giáo nghèo dạy trường tư thuê để dạy học. Các khu phố như Bạch Mai, Chợ Đuổi, Thụy Khê, Cầu Giấy… đều coi là ngoại ô bởi khi đó còn khá hoang vắng, ít dân. Chỉ cần chập choạng tối, các con đường này vắng bóng người qua lại cho đến khi trời hửng sáng có tiếng tàu điện leng keng mọi hoạt động trong ngày mới bắt đầu nhộn nhịp. Những năm Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa đề ra nhiều nguyên tắc sinh hoạt rất nghiêm ngặt. Cụ thể là vào giờ nghỉ trưa mọi hoạt động không được gây ồn ào làm ảnh hưởng đến người khác. Do đó, nếp sống người Hà Nội ngày đó cứ vào giờ trưa là đường phố, ngõ ngách vắng người qua lại. Hầu hết người lớn, trẻ nhỏ đều trong nhà đóng cửa đi ngủ.

Có câu chuyện kể ở con phố thuộc khu Đống Đa ngày nay có ngôi nhà của viên quan 1 người Việt. Đang giờ nghỉ trưa thì một chiếc ô tô nhà binh bị chết máy, lái xe và phụ xe đang loay hoay sửa thì từ trên gác, viên quan 1 mặc bộ đồ ngủ cầm súng ngắn bước ra bắn 2 phát vào lốp xe cảnh cáo rồi đóng cửa vào nhà. Hay câu chuyện con phố Nguyễn Du xưa có nhiều biêt thự sang trọng do quan chức Pháp ở. Hàng đêm cánh xe “đổ thùng” (vệ sinh môi trường) thường xuyên chở những thùng phân tươi đi qua đây về phố Khâm Thiên, mùi xú uế theo gió làm cánh quan chức Pháp rất khó chịu. Do đó, họ cho trồng một loạt cây hoa sữa dọc phố để át mùi. Vì thế mà ngày nay trên phố Nguyến Du vẫn còn rất nhiều cây hoa sữa. Vào những tháng chớm đông, đi qua phố này thì mùi hoa vẫn sực nức.

Tàu điện trên phố Hàng Đào

Tàu điện trên phố Hàng Đào

Làng trong phố

Cổng làng là nét văn hóa của người Việt đã tồn tại hàng ngàn năm. Mỗi làng có một cổng chính để người dân buôn ngược, bán xuôi nhớ về cội nguồn quê hương mình. Kiến trúc cổng làng thể hiện bộ mặt của làng đó, do vậy từ xa xưa người dân coi xây dựng cổng làng rất quan trọng. Ngoài việc mời thầy địa lý xem hướng, ngày giờ động thổ, mỗi làng lại có kiểu kiến trúc xây dựng riêng về sự bề thế với những họa tiết, hoa văn khác nhau.

Đất Kinh kỳ xưa có rất nhiều cổng làng mà đến nay vẫn còn tồn tại như làng Khương Thượng, làng Bưởi, làng Thụy Khuê, làng Hoàng Mai, làng Ngọc Hà, làng Vọng, làng Cót, lang Nam Đồng… Trải qua thăng trầm lịch sử, các làng ven đô Hà Nội vẫn duy trì nếp sống, tập tục làng xã. Kể từ khi Hà Nội mở rộng diện tích, những làng ven đô giờ đã trở thành phố, thành phường, nhưng cổng mỗi làng vẫn giữ nguyên trạng. Đi dọc con phố Thụy Khê, ta bắt gặp rất nhiều cổng làng, có những cái xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ với nhiều đường nét hoa văn tinh xảo.

Phố Hàng Khay nằm ở bờ Nam của hồ Gươm

Phố Hàng Khay nằm ở bờ Nam của hồ Gươm

Ông Hoàng Thế Vinh (80 tuổi) là một người dân Hà Nội đã từng theo gia đình di cư vào Nam những năm 1954 và về sau sang định cư nước ngoài. Ông vẫn nhớ như in ký ức từ hồi nhỏ thường bế em ra cổng làng đánh bi, đánh đáo và có nhiều kỷ niệm với chiếc cổng làng trên mảnh đất Thụy Khuê xưa. Trong một lần về thăm quê hương mới đây, ông ngỡ ngàng về sự thay đổi. Làng ông cách đây hơn nửa thế kỷ nay đã biến thành phố với nhiều nhà cao tầng, đường trải bê tông, các nhà hàng kinh doanh san sát, ban đêm điện sáng như sao sa, nhưng riêng cổng làng vẫn được giữ nguyên cùng đình, chùa không thay đổi. Trước khi ra về, ông đứng hàng giờ trước cổng làng, bịn rịn ngắm lại lần cuối nơi chôn rau cắt rốn và nghĩ đây chắc là lần cuối được ngắm hồn cốt quê mình với biết bao kỷ niệm ấu thơ.