Một Hà Nội, một Băng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Con ngõ nhỏ trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi ở của cây bút gạo cội chuyên viết về Hà Nội - nhà văn Băng Sơn. Có một sự trùng hợp là cả 2 cố nhà văn nổi tiếng với những tùy bút Hà thành là Thạch Lam và Băng Sơn đều quê Cẩm Giàng (Hải Dương). Tuổi đời chỉ cách nhau hơn 2 thập niên (Thạch Lam sinh năm 1910, còn Băng Sơn sinh năm 1932), nhưng 2 tác giả đều giàu cảm xúc với những hình ảnh đẹp đẽ của con người và ẩm thực đất Tràng An.
Nhà văn Băng Sơn yêu Hà Nội, đắm đuối với cảnh vật, thiên nhiên, con người Hà Nội

Nhà văn Băng Sơn yêu Hà Nội, đắm đuối với cảnh vật, thiên nhiên, con người Hà Nội

Tinh tế Hà thành

Với ngòi bút sắc sảo, Thạch Lam đã ghi lại hồi ức để sẻ chia cho người đọc những món ngon Hà thành quãng năm 1935 – 1940, còn Băng Sơn chuyên viết về các món quà đường phố những năm bao cấp và sau này. Nhà văn Băng Sơn yêu Hà Nội, đắm đuối với cảnh vật, thiên nhiên, con người Hà Nội và đặc biệt rất chịu khó tìm hiểu ẩm thực của Thủ đô, những thứ quà tưởng như rất bình dị, dân dã nhưng lại ngon, lạ và tinh tế.

Quà Hà Nội vốn đa dạng và nổi tiếng từng vùng nhờ lối cha truyền con nối để giữ thương hiệu. Ví dụ như nhắc đến bánh cuốn thì cứ phải Thanh Trì, rồi bún ốc Pháp Vân, cốm làng Vòng, giò chả Ước Lễ… Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành là một người bạn thân thiết đã có nhiều năm bên cạnh Băng Sơn kể lại: “Anh Băng Sơn là người ưa tìm tòi, khám phá. Chúng tôi đã nhiều lần đi chơi cùng nhau ở cái thời Hà Nội còn thiếu thốn trăm bề. Mỗi người một xe đạp thong dong qua nhiều con phố, là vì anh có ý tưởng viết về một món quà nào đó. Chúng tôi sẽ lượn nhiều vòng qua các ngõ phố rồi cuối cùng sà vào hàng bún riêu gọi 2 bát. Anh Băng Sơn ăn ít nên thường bỏ lại gần nửa.

Nhà văn Băng Sơn cả đời người đã sống gắn bó và yêu thương Hà Nội

Nhà văn Băng Sơn cả đời người đã sống gắn bó và yêu thương Hà Nội

Trong lúc bà bán hàng xếp bún, chan riêu, bốc rau sống lên mẹt, nhà văn luôn quan sát không bỏ sót một cử chỉ nào. Mỗi khi ăn xong, chúng tôi thường nán lại để anh tranh thủ chuyện trò với người bán, kiểu: “Bà ơi, riêu cua nấu thế nào mà khéo thế. Nước riêu thơm ngọt khiến tôi đi từ xa cầm lòng không đậu mà vào đây”. Bà hàng được khen như cởi tấm lòng, cứ thế tuôn ra hàng tràng bí quyết pha chế nồi riêu cua sao cho ngon. Nào là phải chọn giống cua chắc từ chính người bắt ở bờ ruộng, bờ ao, chứ không mua cua đánh dậm vừa bé vừa ốp. Cách pha chế nồi dấm cũng phải có chuyên môn với đầy đủ gia vị bí truyền. Rồi bún phải đích thị là bún làng Kỳ, vừa dẻo, vừa trắng. Các loại rau thơm, rau diếp cũng không được thiếu để khách ăn đủ vị, đủ mùi.

Đấy, cách khai thác thông tin của nhà văn Băng Sơn chỉ đơn thuần là thế. Ngoài bản năng luôn quan sát, tìm tòi, khám phá, Băng Sơn còn có tính vô cùng thận trọng trong công việc. Anh cứ đủng đỉnh “cưỡi ngựa xem hoa” thế thôi, nhưng kỳ thực là trong đầu đã sắp xếp mọi ý tưởng mà chỉ mình anh biết. Mỗi khi chúng tôi đi cùng nhau vào những ngày Chủ nhật, phố phường đông đúc, anh chẳng bao giờ bỏ qua bất cứ hình ảnh nào từng bắt gặp dù chỉ là đôi trai gái khoác tay nhau đi ven hồ Hoàn Kiếm, lũ trẻ tung tăng bên các khóm hoa, hay anh bộ đội đeo ba lô, tay xách chiếc khung xe đạp từ ga tàu vừa xuống, cả bác xích lô già gầy guộc đang gò lưng chở vị khách Tây. Tất cả rồi sẽ vào sách của anh hết. Ngồi nghỉ bên quán nước vỉa hè, nhâm nhi mấy chiếc kẹo lạc, kẹo dồi hay đĩa bánh chả, Băng Sơn giải thích thứ kẹo này chỉ vùng Nam Định làm ra là ngon, cũng như bánh khảo, bánh đậu xanh phải là Hải Dương cất về Hà Nội bán. Băng Sơn sành ăn là vậy.

Tình yêu một thuở

Những ngày áp Tết Nguyên đán, thế nào chúng tôi cũng có mặt ở Nhật Tân từ 25 tháng Chạp để kiếm cành đào chơi xuân. Tôi đã là người chơi đào kỹ tính, kén chọn, thì anh Băng Sơn lại còn khó tính gấp bội. Anh xem kỹ từng cành, từng thế của mỗi cây đào. Anh lùi ra xa ngắm cành đào vừa tạm ưng mắt, tiến lại gần xem gốc đã bị đốt lửa chưa, rồi ngắm hoa, nhìn nụ. Cứ đủng đỉnh đi vòng khắp chợ rồi sau rốt kết luận khiến tôi chưng hửng: “Đào năm nay không đẹp. Để áp Tết lên lần nữa xem rồi mua sau”.

Cuốn tản văn thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn của Băng Sơn

Cuốn tản văn thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn của Băng Sơn

Người viết bài này cũng đã có dịp gặp gỡ nhà văn Băng Sơn lúc ông còn sống. Chẳng là đã có thời gian nhà văn cộng tác cho chuyên mục văn hóa - văn nghệ của tờ báo mà tôi làm biên tập viên, ông thường gửi bài về ẩm thực Hà thành trên những trang giấy A4 đánh bằng máy chữ không có dấu, xong mới dùng bút bi đánh dấu lại.

Những bài viết của ông thường ngắn gọn, chỉ khoảng 1.000 từ trở lại. Ông viết về những món ăn thôn quê quen thuộc như canh cua rau rút nấu khoai sọ thôi mà làm người đọc ngẩn ngơ như đang ngồi trước bát canh nóng hổi đang bốc khói, ngào ngạt hương vị của rau rút với cua đồng. Và bên mâm cơm giữa những tháng hè oi nực, đâu đó mùi thiên lý từ bờ ao phảng phất qua hiên nhà. Cái tài của Băng Sơn là lối hành văn bình dị, không điệu đà vòng vo, đi ngay vào vấn đề làm người đọc cuốn hút. Giống hệt như tính cách con người ông, ít nói, nhẹ nhàng, từ tốn, luôn nở nụ cười chân tình.

Dáng Băng Sơn rất dễ nhận, từ xa đã có thể thấy ngay. Ông cao, gầy, da sáng, tóc dài bạc trắng, mỗi khi gặp cơn gió lại xòa xuống tận mắt. Nhà văn là người giản dị, ăn mặc bình dân nhưng gọn gàng. Có lẽ cả cuộc đời ông chỉ gắn với chiếc xe đạp cọc cạch tróc hết sơn để làm phương tiện cho những quãng đường xa. Còn lại ông toàn đi bộ, tay chắp sau lưng, vừa đi vừa ngắm phố phường…

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn. Ông đã xuất bản 36 tập tùy bút, tản văn và 2 tập thơ. Suốt 60 năm gắn bó với Thủ đô, ông chưa bao giờ đi xa Hà Nội quá 1 tháng. Ông bảo, hễ cứ rời phố là ông lại nhớ quay quắt từng con ngõ, từng gốc cây, từng quán hàng vỉa hè mà ông nhiều lần ngồi hàng giờ vừa ăn vừa chuyện trò với người bán. Tính cách của ông là vậy, một người bình dị mà gần cả đời người đã sống gắn bó và yêu thương Hà Nội.