"Hồn ma sành điệu" và "Nhật ký gái gọi Manhattan"
(ANTĐ) - Đây là hai cuốn sách được nhiều độc giả trẻ tìm đọc nhất trong tháng 4 này. Tiếp theo "Tín đồ shopping", nữ nhà văn người Anh Sophie Kinsella trở lại với "Hồn ma sành điệu". Còn "Nhật ký gái gọi Manhattan" lại là cuốn sách do một "gái gọi chính hiệu" viết...
Sophie Kinsella được biết đến nhiều nhất với series truyện “Tín đồ shopping”. Ngoài ra, Sophie Kinsella còn viết 4 tiểu thuyết riêng lẻ, đều được xếp hạng sách bán chạy gồm có: Can You Keep A Secret?, The Undomestic Goddess, Remember Me? và Twenties Girl. Trong đó có hai cuốn sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam là Em còn nhớ anh (Remember me?) và Hồn Ma Sành Điệu (Twenties Girl).
Truyện "Hồn ma sành điệu" bắt đầu với đám tang dang dở bi hài và kết thúc cũng với đám tang đó, nhưng với âm hưởng viên mãn về niềm vui của cuộc sống, về những giá trị đích thực của tình yêu và tình cảm gia đình. Dưới ngòi bút của Kinsella, câu chuyện ma lẽ ra phải là một trải nghiệm siêu linh đáng sợ này trở thành một cuộc khám phá thú vị, vui nhộn và cảm động.
Đó là câu chuyện của Lara, một cô gái Luân Đôn, 27 tuổi hơi lập dị và hoang tưởng, mới bị bạn trai gắn bó suốt 6 năm bỏ rơi. Cô còn đang sa lầy với công ty săn đầu người mới khởi nghiệp đã có nguy cơ chết non sau khi bị cô bạn cộng sự bỏ lại với một mớ rắc rối. Tình hình còn tệ hơn khi cô buộc phải đi dự lễ tang một bà cô chưa từng biết mặt. Suốt lễ tang Lara phải chịu đựng những lời móc máy ác khẩu của người thân về thất bại trong tình yêu và công việc, cho tới khi hồn ma của bà cô Sadie hiện ra bên cạnh và hét vào tai cô đòi lấy lại chuỗi hạt và bắt phải hoãn lại tang lễ. Sadie khăng khăng yêu cầu Lara phải tìm lại bằng được chuỗi hạt đó nếu không muốn tiếp tục bị ám ảnh và quấy phá. Từ đó bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm chuỗi hạt đầy bất ngờ và thú vị.
Xuyên suốt câu chuyện, Lara được khắc họa như là một hình ảnh hiện đại của những người phụ nữ bị mắc kẹt với những giới hạn của xã hội, trong khi Sadie lại được miêu tả như một cô gái phóng túng, nổi loạn, phù phiếm, đậm chất bô-hê-miêng. Sự xuất hiện của Sadie giữa giai đoạn đen tối của cuộc đời Lara gây ra những tình huống dở khóc dở cười. Nhưng đôi khi Sadie cũng tỏ ra rất hữu ích. Cô trở thành bà mối bất đắc dĩ giúp Lara nhận ra đâu mới là người đàn ông thật sự phù hợp với cô, làm gián điệp và kẻ quấy rối để giúp Lara tháo gỡ những tình huống bí bách trong công việc làm ăn...
Cuốn “Nhật ký gái gọi Manhattan” mang sức hấp dẫn riêng của mình, bởi nội dung chứa đựng thực tế mà chính tác giả đã trải qua. Cuốn sách mô tả hết sức sống động, đầy đủ và thẳng thắn về cuộc sống của Nancy Chan – một gái gọi cao cấp bậc nhất Manhattan. Không một gã đàn ông tay chơi nào lại không biết đến Nancy. Tuy vậy, may mắn hơn đa số đồng nghiệp của mình, Nancy có Matt – người chồng sắp cưới rất yêu cô. Matt là ngôi sao đang lên của phố Wall, nhưng anh không hề biết đến tên tuổi của Nancy với tư cách là ngôi sao trong giới gái gọi. Và Nancy thì chưa muốn thú nhận sự thật này. Trong cô luôn đầy ắp những ham muốn trái ngược nhau.
Tracy Quan - tác giả của “Nhật ký gái gọi Manhattan” đã làm gái gọi được 15 năm ở Manhattan và London, trong đó có vài năm cô vừa là gái gọi vừa viết lách. Công việc của cô khá thuận lợi, như cô đã viết trong tạp chí CANOE năm 2005: “Tôi chưa bao giờ phải đứng đường. Mọi thứ với tôi tương đối dễ chịu.” Rõ ràng Nancy mang rất nhiều nét tính cách của Tracy Quan, và đây không hoàn toàn là một tiểu thuyết hư cấu. Một phần thú vị của việc đọc cuốn sách này là người đọc phải xác định được cái gì là hư cấu và cái gì là thực. Nửa hư cấu, nửa tả thực, Tracy Quan phơi bày từng ngóc ngách, từng mánh khóe, từng trò chấp nhặt của gái gọi trong mỗi trang nhật ký. Tuy nhiên, đây không chỉ là cuốn sách về tình dục đơn thuần, cũng không hướng đến những trò ve vãn hẹn hò. Đây là một cuốn sách về cuộc sống, niềm tin, sự lựa chọn, nỗi sợ hãi và những thành công mà mọi người đều có ở dạng này hay dạng khác.
Gia Bách