"Hồi sinh" 2 cây gạo 300 tuổi

ANTĐ - 2 cây gạo ngót 300 năm tuổi, đứng sóng đôi trước cổng làng Đông Cao (xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) bỗng một ngày héo hon rồi chết dần. Thương xót cây quý, nhưng rồi cũng phải đốn hạ, khi đó TS. lâm nghiệp Arbor Carbon Paul Barber (Australia) đã nảy sinh ý tưởng “tái sinh” 2 cây gạo bằng các tác phẩm nghệ thuật. 

"Hồi sinh" 2 cây gạo 300 tuổi ảnh 1Hai cây gạo làng Đông Cao đốt hoa đỏ rực vào mỗi độ tháng 3 âm lịch

Linh hồn của làng quê

Hai cây gạo của làng Đông Cao từng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Cứ vào cuối tháng 3 âm lịch hàng năm, hoa gạo “cháy” đỏ rực trời. Theo các cụ cao niên trong làng, 2 cây gạo có từ khi dựng ngôi chùa Đông Cao, đến nay đã ngót 300 năm. Thân cây 3 người ôm không xuể. Trải qua thời gian, 2 cây gạo vẫn đứng sừng sững giữa trời. Trong tâm khảm mỗi người dân làng Đông Cao, 2 cây gạo vừa là hiện thân của sự vươn lên, khỏe khoắn, vững chãi, vừa là miền ký ức đẹp và thân thương. Vậy nhưng, vào cuối năm 2011, 2 cây gạo bỗng dưng héo dần, rụng lá và chết. Dù dân làng, các chuyên gia trong và ngoài nước đã dùng mọi cách để cứu chữa nhưng bất thành. 

"Hồi sinh" 2 cây gạo 300 tuổi ảnh 2“Hoa sen”- nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đức 

Thương xót cây cổ thụ của làng buộc phải đốn hạ, TS. Arbor Carbon Paul Barber đã nảy ra ý tưởng làm hồi sinh 2 cây gạo của làng Đông Cao bằng các tác phẩm nghệ thuật. Thân 2 cây gạo được cắt khúc, chở tới trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để 18 nghệ sỹ tìm và lựa những khúc gỗ phù hợp với ý tưởng của mình. 3 tuần làm việc ròng rã dưới thời tiết nóng nực, các nghệ sỹ đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc sinh động từ thân cây gạo. Việc tạo tác các tác phẩm khá vất vả, bởi gỗ gạo thuộc nhóm gỗ tạp, không mấy người sử dụng loại gỗ này để làm đồ gia dụng cũng như điêu khắc. Đấy là chưa kể, cây gạo đã tồn tại hàng trăm năm và chết vì mục ruỗng lại càng gây nhiều khó khăn cho người nghệ sỹ.

Sự tuyệt vời của những đôi bàn tay

Nhưng nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, các nhà điêu khắc đã lựa theo những mấu tròn trên thân cây, những vết sâu ăn nham nhở để đục, đẽo, tạo dáng cho thân cây gạo trở thành các tác phẩm nghệ thuật. Cá biệt, nhà điêu khắc Phạm Sinh đã dùng ngay những chỗ sâu mục để gửi gắm ý tưởng của mình. Anh chia sẻ “Cây gạo của làng mang nhiều ý nghĩa tâm linh nên khi bắt tay vào thực hiện, tôi cảm nhận được rất rõ trách nhiệm của người nghệ sỹ để cây mang một linh hồn mới, một đời sống mới. Tôi đã tận dụng những miếng gỗ vứt đi vì sâu ăn để biến thành tác phẩm có dáng vút cao với ý nghĩa, vượt lên trên nỗi đau về thể xác, cây gạo vẫn tồn tại”. 

"Hồi sinh" 2 cây gạo 300 tuổi ảnh 3Dưới đáy đại dương”- nhà điêu khắc Nguyễn Khắc Trung

Hầu hết các tác phẩm tại triển lãm “Hồi sinh cây gạo” đều được thể hiện theo lối trừu tượng. Thời gian để các nhà điêu khắc hoàn thành tác phẩm khá gấp gáp. Thế nhưng, đã xuất hiện những tác phẩm có chất lượng, nhỏ gọn và xinh xắn. Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Các nghệ sỹ đã biến 2 cây gạo đã chết thành các tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Các tác phẩm đều mang vẻ đẹp riêng và điều quan trọng là khiến người xem cảm thụ và chấp nhận được cái đẹp đó. Rõ ràng, cây gạo giờ đây không chỉ còn là niềm tự hào của người dân làng Đông Cao mà đã là niềm tự hào của các nhà điêu khắc, các khán giả yêu nghệ thuật. Từ thân cây mục ruỗng, một khúc gỗ tưởng như sẽ bỏ đi đã được bàn tay tài hoa của các nghệ sỹ tái sinh thành đời sống mới, đời sống nghệ thuật.