Hội sách không chỉ là nơi bán sách

ANTĐ - Số lượng người đến hội sách ngày càng đông là một tín hiệu vui, nhưng quan trọng hơn cả là sau “hội”, làm thế nào để duy trì niềm đam mê và thói quen đọc cho mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.

Hội sách không chỉ là nơi bán sách ảnh 1

Nhiều bạn trẻ đến hội sách để tìm cho mình những cuốn tranh truyện 

Người trẻ đọc sách gì?

Dù hội sách được tổ chức vào ngày giữa tuần, thời tiết không ủng hộ nhưng vẫn thu hút được rất đông sinh viên, học sinh. Quan sát mật độ độc giả ở các gian hàng có thể thấy các mặt hàng truyện tranh vẫn là số 1. Bên ngoài một gian hàng được bài trí rất bắt mắt với các poster, các tấm bìa truyện tranh khổ lớn, chúng tôi gặp bạn Trần Đăng Hòa, sinh viên Học viện Ngân hàng.

Bạn cho biết: “Em biết thông tin về hội sách qua facebook. Em có đọc sách văn học, nhưng cũng rất thích truyện tranh One Piece hay Thám tử lừng danh…”. Cũng khá dễ hiểu khi khách đến hội sách quan tâm đến dòng truyện tranh, vì thể loại truyện này dễ đọc, có ảnh  bắt mắt, nhiều màu sắc, lại được giảm giá tới 15-20% … 

Tại khu vực riêng dành cho sách cũ, có khoảng 20 gian, song người đọc thưa thớt hơn. Bạn Nguyễn Vân Anh, trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội, một trong số ít những bạn trẻ ở đây quan tâm đến sách cũ chia sẻ: “Em đến hội sách để tìm những tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa để có thể học hỏi cách viết của các nhà văn. Ở lớp em thì các bạn không hay đọc sách lắm. Các bạn thường lên mạng để đọc và tải truyện về”. 

Hội sách không chỉ là nơi bán sách ảnh 2

Định hướng cho độc giả đọc sách gì là vai trò của các nhà xuất bản

Đừng chỉ chạy theo thương mại

Hội sách được tổ chức nhiều, nhưng độc giả không ít đi, đó một tín hiệu đáng mừng. Nhưng số lượng độc giả đến với các hội sách chưa đủ để cho thấy sự cải thiện trong văn hóa đọc, nếu như phần nhiều độc giả lại tìm đến truyện tranh. 

Để thúc đẩy văn hóa đọc và khiến cho việc đọc sách phát huy được tác dụng của nó trong đời sống, thì vấn đề quan trọng là độc giả đọc sách gì. Đây lại là việc của các nhà xuất bản (NXB). Trách nhiệm của các đơn vị xuất bản không phải là bày lên cho “đủ mâm”, mà còn phải là cầu nối trung gian đưa tri thức đến độc giả.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ nhận định: “Vai trò của các NXB rất quan trọng vì NXB là một bộ lọc, lọc những cuốn sách hay, sách tốt cho độc giả. NXB cũng phải quan tâm đến yếu tố giáo dục. Tùy từng lứa tuổi, phải có những định hướng giáo dục phù hợp”. 

Văn hóa đọc bị “tuột dốc” là hệ lụy của văn hóa nghe nhìn. Nhưng một nguyên nhân quan trọng hơn khiến độc giả “nhạt tình” với sách, mà theo TS Chu Văn Sơn, giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, thì đó là do độc giả đang “nhầm lẫn giữa tri thức và thông tin”. Ông cho biết: “Đa phần giới trẻ coi việc đọc để lấy thông tin quan trọng hơn đọc để lấy tri thức. Đọc thông tin người ta sẽ hướng về báo chí, thậm chí những loại báo có tính chất thời thượng, chữ ít, ảnh nhiều, tin bề nổi, hơi “xổi”, hơi “sốt”. Còn tích hợp tri thức thì chỉ có qua con đường đọc sách”.

Cũng theo TS Chu Văn Sơn, cần có hội sách để nhắc nhở và chấn hưng việc đọc, nhưng cần thiết phải có đánh giá phản hồi của độc giả. “Tôi có đến dự một số cuộc giao lưu ra mắt sách ở nước ngoài, bên cạnh các nhà chuyên môn phê bình, đánh giá về các sách, bao giờ cũng có các nhà xã hội học nghiên cứu phản ứng của độc giả như thế nào, họ phân tầng độc giả, xem nhóm tuổi này họ thích ở cuốn sách điều gì, nhóm tuổi kia thì như thế nào, vì sao họ thích… Trên cơ sở đó họ có thể tư vấn cho NXB, tôi cho rằng ta nên làm điều này. Chứ nếu chỉ lo bán sách nhiều, thuần túy là thương mại thì ý nghĩa của hội sách sẽ trở nên lệch lạc”.