Học từ chính khán giả nhỏ 

(ANTĐ) - 5 năm kể từ ngày đầu tiên khai sóng, kênh truyền hình thiếu nhi "made in Việt Nam" BiBi đã chiếm lĩnh sự yêu mến của khán giả nhỏ tuổi. Nhà báo Vũ Trọng Hiếu, Trưởng phòng nội dung 2, Ban biên tập Truyền hình Cáp VCTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã chia sẻ về sự ra đời và phát triển của kênh truyền hình này.

Kênh truyền hình Bibi:

Học từ chính khán giả nhỏ 

(ANTĐ) - 5 năm kể từ ngày đầu tiên khai sóng, kênh truyền hình thiếu nhi "made in Việt Nam" BiBi đã chiếm lĩnh sự yêu mến của khán giả nhỏ tuổi. Nhà báo Vũ Trọng Hiếu, Trưởng phòng nội dung 2, Ban biên tập Truyền hình Cáp VCTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã chia sẻ về sự ra đời và phát triển của kênh truyền hình này.

Những người làm chương trình cũng trẻ ra khi tiếp xúc với “tuổi thần tiên”

Những người làm chương trình cũng trẻ ra khi tiếp xúc với “tuổi thần tiên”

PV: Thời điểm kênh BiBi ra đời cách đây 5 năm là lúc khán giả nhỏ tuổi trong nước đang mải mê với các kênh thiếu nhi quốc tế như: Disney, Cartoon Network... Điều gì khiến những người làm chương trình tự tin khai sóng BiBi?

- Nhà báo Vũ Trọng Hiếu: Vì chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần phải Việt hóa và làm một chương trình riêng cho trẻ em Việt Nam. Dù hàm lượng phim hoạt hình và các chương trình thiếu nhi trong nước lúc đó còn đang rất ít ỏi nhưng chúng tôi có cơ sở để tự tin là kênh này ra đời sẽ có đối tượng khán giả riêng.

Bởi lẽ kênh Disney chỉ có phụ đề chứ không có thuyết minh tiếng Việt. Còn kênh Cartoon Network lại chỉ phát tiếng Anh nên khó có thể giữ các em ngồi lâu trước màn hình. Vậy nên sự ra đời của một kênh chương trình thuần Việt sẽ là sự lựa chọn tối ưu.

- PV: BiBi giờ đã có chỗ đứng vững chãi trong lòng khán giả nhỏ tuổi, ông có thể chia sẻ về cái tên đã trở thành thương hiệu này không?

- Lẽ ra lúc đó, theo thông lệ đặt tên kênh theo ký tự trên hệ thống truyền hình cáp thì kênh này chỉ cần gọi đơn giản là VCTV8 nhưng chúng tôi muốn tìm ra một cái tên đặc trưng khác, vừa riêng vừa dễ nhớ.

Bởi thế sau khi nghiên cứu rất nhiều tên mà các bậc cha mẹ hay dùng để gọi yêu con mình, rốt cuộc thấy BiBi là cái tên dễ nhớ nhất nên chúng tôi quyết định chọn tên này để đặt cho kênh.

- Phần lớn các phim và chương trình được phát sóng trên kênh BiBi đều là mua bản quyền từ nước ngoài, nhất là khu vực châu Á. Trong khi thời lượng dành cho các chương trình thuần Việt còn khá khiêm tốn. Hẳn có lý do riêng, thưa ông?

- Đó cũng là trăn trở của những người làm chương trình. Thực ra nguồn phim hoạt hình Việt Nam không nhiều, đi mua thì không phải lúc nào cũng có, mà tự sản xuất thì chúng tôi chưa kham được bởi kinh phí để làm một bộ phim hoạt hình có khi còn đắt hơn phim truyện. Lượng phim nội phát sóng không đủ nên đành phải mua bản quyền từ nước ngoài.

Cũng bởi thế mà gần đây chúng tôi đã chủ trương sản xuất một số chương trình "made in Việt Nam" như: Bé làm họa sĩ, Xúc xắc lúc lắc, Trổ tài cùng bé... với cái đích là chương trình thuần Việt sẽ phủ sóng 30% thời lượng kênh.

- Tiêu chí nào để những người làm chương trình lựa chọn mua bản quyền các chương trình truyền hình và phim hoạt hình nước ngoài  phát sóng trên BiBi?

- Đó là tính giáo dục và nội dung gần gũi với văn hóa Việt Nam để các em có thể dễ dàng tiếp nhận. Đó cũng là lý do mà chúng tôi ưu tiên chọn phim của các nước châu Á hơn là phương Tây bởi nó phù hợp với tư duy trẻ em Việt Nam hơn.

 Tuy nhiên việc hiểu tư duy của trẻ không phải dễ nên đến giờ chúng tôi vẫn thường xuyên nghiên cứu tâm lý của từng lứa tuổi mỗi khi cân nhắc phát sóng. Ví như trẻ em dưới 3 tuổi thì cần có những bộ phim ngắn, nội dung đơn giản, câu chữ ít và thiên về màu sắc hình khối, trẻ em lớn hơn một chút thì có thể xem những phim sinh động hơn, giáo dục về kỹ năng sống và tình yêu cuộc sống.

- Có một thực tế là hầu như phim nào sau khi lên sóng BiBi đều tạo ra trào lưu sản phẩm đồ chơi "ăn theo" nhân vật ở ngoài thị trường, gần đây nhất là "Robot trái cây". Những người làm chương trình có lường trước được hiệu ứng này không?

- Điều này đã xuất hiện trên thế giới lâu lắm rồi, như hiệu ứng:  Tom và Jerry, chú vịt Donald.... Như bạn biết đấy, một sản phẩm truyền hình khi ra đời bao giờ cũng có yếu tố đi kèm để bù lại chi phí sản xuất và vì thế mà các sản phẩm đồ chơi "ăn theo" cũng ồ ạt ra đời.

Ở Việt Nam thì chưa có sự liên kết này. Những người làm chương trình chỉ biết sản xuất, lên nội dung phát sóng, còn việc làm ra sản phẩm "ăn theo" là ở ngoài thị trường và người hưởng lợi là những người  kinh doanh sản phẩm ấy. Song điều đó cũng cho thấy kênh BiBi đã có sức ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến khán giả nhỏ tuổi.

- Chương trình có nhận được phản hồi từ các khán giả nhỏ không?

- Không chỉ có các khán giả nhỏ đâu mà cả khán giả... lớn nữa chứ. Chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các bậc phụ huynh yêu cầu chương trình... cắt bớt sóng đi và chiếu ít phim hay thôi. Hỏi ra mới biết hóa ra con em họ say mê xem quá, cứ mải miết xem quên ăn quên ngủ.

Cũng có nhiều em nhỏ viết thư gửi những người làm chương trình đề nghị thay đổi khung giờ phát sóng phim nọ, phim kia không trùng với thời gian đi học để các em có thể xem. Có em còn bày tỏ ý tưởng viết tiếp kịch bản phần 2, phần 3 cho một bộ phim đang phát sóng phần 1 trên kênh. Chính những người làm chương trình chúng tôi học được nhiều từ các em!

- Ông cảm thấy thế nào khi kênh truyền hình BiBi đã được các em nhỏ đón nhận rộng rãi như vậy?

-  Tôi cũng là một bậc phụ huynh, mỗi chương trình hay dở thế nào tôi cũng kiểm tra qua chính con mình. Tôi vui vì thấy các cháu xem kênh này nhiều hơn các kênh khác, chứng tỏ "món ăn" mình chế biến ra cũng ăn được.

Làm những chương trình thiếu nhi, được tiếp xúc với các em, cả êkip thấy mình hồn nhiên và trẻ trung ra nhiều. Vì thế mà có nhiều chương trình phải làm đi làm lại nhưng ai cũng vui vẻ và hứng thú làm.

-  Trong thời gian tới, kênh BiBi có thêm nhiều chương trình mới không, thưa ông?

- Chúng tôi dự kiến sẽ tăng cường sản xuất thêm nhiều chương trình giáo dục về địa lý, lịch sử và phong tục tập quán của mọi miền quê trên đất nước Việt Nam. Đồng thời, kênh BiBi sẽ nỗ lực đưa phim hoạt hình Việt đến với khán giả nhỏ nhiều hơn nữa, từ việc mua lại ở các hãng phim đến việc đặt hàng sản xuất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (Thực hiện)