Họa sĩ biết kêu ai?

(ANTĐ) - Các họa sỹ có tên tuổi ở Việt Nam, mỗi lần đi qua các con phố trung tâm của Hà Nội, Hội An, Sài Gòn đều phải  ngậm ngùi chứng kiến tinh hoa sáng tạo của mình bị ăn cắp và bắt chước trắng trợn.

Muôn mặt tranh chép

Họa sĩ biết kêu ai?

(ANTĐ) - Các họa sỹ có tên tuổi ở Việt Nam, mỗi lần đi qua các con phố trung tâm của Hà Nội, Hội An, Sài Gòn đều phải  ngậm ngùi chứng kiến tinh hoa sáng tạo của mình bị ăn cắp và bắt chước trắng trợn.

Bởi lẽ, cũng giống như sách lậu, băng đĩa lậu, tranh chép được bày bán không công khai nhưng cũng chẳng có gì là bí mật. Cái sự không công khai ở đây chỉ là thiếu cái tấm biển “bán tranh chép” ngoài mặt tiền của các gallery.

>>>Muôn mặt tranh chép

Có cầu mới có cung

Không thể thống kê được hết những gallery kinh doanh tranh nhái ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, hầu hết các gallery lớn đều nằm trên mặt tiền của những con phố trung tâm, thách thức luật pháp và thách thức lương tâm của toàn xã hội. Chỉ có điều sự hiện hữu của những cửa hàng tranh giả ấy được coi là đương nhiên. Hằng ngày bao nhiêu người đi ngang qua những con phố Hàng Bè, Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Đào, chứng kiến cảnh các thợ vẽ đang copy giữa thanh thiên bạch nhật cũng thấy dửng dưng.

Hơn nữa, có cầu thì mới có cung. Có một thực tế là nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua điện thoại đời mới, ôtô hạng sang nhưng lại chỉ thích chơi tranh chép. Ngay cả các quán cà phê, các nhà hàng, khách sạn... vài sao cũng trang trí bằng tranh chép. Tự lúc nào giá trị nghệ thuật của tranh chỉ mang tính trang trí thuần tuý. Và rõ ràng, vấn đề không nằm ở điều kiện kinh tế mà nằm ở chính ý thức của người mua tranh.

Tranh của họa sỹ Đào Hải Phong bị nhái
Tranh của họa sỹ Đào Hải Phong bị nhái

Tuy nhiên, không thể phủ nhận có một bộ phận đam mê hội họa thực thụ, có trình độ thưởng thức mỹ thuật lại bị những gallery lừa gạt. Nhiều cửa hiệu cam kết với khách hàng chỉ bán tranh nguyên bản nhưng lại treo lẫn lộn tranh thật với giả khiến người mua rất khó phân biệt. Thậm chí các gallery này có có trang web riêng bằng tiếng nước ngoài, bán tranh qua mạng, mang tranh đi nước ngoài triển lãm và dĩ nhiên tranh giả tính bằng giá của tranh thật.

Trong khi đó không phải người yêu tranh nào cũng có đủ trình độ để nhận biết những bản copy tinh vi của các thợ vẽ chuyên nghiệp. Một câu chuyện đau lòng của mỹ thuật Việt Nam mới xảy ra gần đây tại buổi đấu giá dành cho nghệ thuật Đông Nam á ở Singapore. Mặc dù có cả một đội ngũ chuyên gia thẩm định giỏi song một số bức tranh nhái theo tranh Bùi Xuân Phái vẫn lọt qua vòng kiểm tra, cho đến tận lúc đấu giá mới có khách hàng phát hiện. Sự việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của họa sỹ, cũng như uy tín của mỹ thuật Việt Nam trên thị trường quốc tế. Niềm tin của khách hàng đã bị tổn thương và giảm sút nghiêm trọng.

Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời đã được gần 2 năm mà dường như vẫn không có tác dụng. Nạn chép tranh không hề thuyên giảm. Thậm chí còn tinh vi hơn, đáng sợ hơn với chiêu nhái phong cách. Không có chế tài nào xử phạt cho hành vi này.

Nỗi lòng biết tỏ cùng ai

Khi phóng viên ANTĐ liên hệ với  hoạ sỹ Đào Hải Phong -  người bị chép tranh nhiều nhất Việt Nam theo kết quả của đợt thanh tra đầu tiên về sao chép tác phẩm tạo hình trên toàn quốc năm 2006 - thì nhận được cái lắc đầu chán nản của anh. Đào Hải Phong cho biết: “Vấn đề này tôi đã nói mãi rồi mà cũng chẳng có kết quả gì. Nói nữa sợ người ta lại bảo tôi thích nổi tiếng”. Rõ ràng các họa sỹ có tên tuổi đều biết tranh của mình bị sao chép, bị ăn cắp hàng ngày nhưng “lực bất tòng tâm” phải bó tay đứng nhìn.

Thậm chí có nhiều hoạ sỹ đi theo trường phái lập thể, trừu tượng tự tin là tranh mình khó chép cũng không thoát khỏi tay các thợ chép tranh chuyên nghiệp. Việc vừa sáng tác lại vừa nghĩ cách làm thế nào để không ai bắt chước được tranh của mình đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của các hoạ sĩ và đương nhiên như vậy thì “những đứa con tinh thần” của họ cũng khó mà hoàn hảo. Nhưng chẳng biết kêu ai...

Họa sỹ Lê Thiết Cương khẳng định nếu có bắt gặp gallery nào đó sao chép tranh của anh thì anh cũng không kiện. Duyên do là đã vài lần “bắt quả tang” kẻ chép tranh của mình, anh cũng khiếu nại, cũng trình bày, cũng báo cáo nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu: “Nếu các cơ quan chức năng trong đó có các nhà quản lý văn hóa vẫn tiếp tục để cho nạn chép tranh tồn tại ngang nhiên như vậy thì giới họa sỹ chúng tôi cũng không còn lòng tin đối với luật pháp” – họa sĩ Lê Thiết Giang bức xúc.

Vấn đề nằm ở chỗ xã hội phải nhìn nhận như thế nào với hành vi chép tranh. Thực chất đây chính là một thứ hàng giả, hàng lậu, hàng kém phẩm chất. Phàm đã là những thứ hàng giả thì ở mọi khía cạnh đều là độc hại và gây tổn thương cho người tiêu dùng. Sự tồn tại và lấn lượt của tranh nhái, tranh chép đã làm tổn hại nghiêm trọng đến thị trường mỹ thuật Việt Nam vốn đã nhỏ bé lại càng mất uy tín trên thị trường thế giới. Nguy hại hơn, mỗi ngày một chút, nó đang “gặm nhấm” dần khả năng cảm thụ mỹ thuật của công chúng. Đó mới là điều các họa sỹ đích thực lo lắng nhất và cũng là điều đáng sợ nhất.

Hoàng Hồng