Hình thức của bệnh và đừng gieo rắc bệnh "hình thức"

ANTD.VN - Nếu coi “hình thức” là một loại bệnh theo định nghĩa của ngành Y tế, thì đây hẳn là một căn bệnh nan y khó chữa. Bệnh này đôi khi âm ỉ như một mạch ngầm không dễ phát hiện, đôi khi lại lộ thiên một cách sinh động, nhưng dù biểu hiện kiểu kín hay hở, thì dù nhiều người biết nhưng không phải ai cũng dễ nói ra.

Hình thức của bệnh và đừng gieo rắc bệnh "hình thức" ảnh 1Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức khen thưởng cho học sinh tiêu biểu là hộp quà mà bên trong chỉ có một tờ giấy màu xanh

Bệnh “hình thức” nghiễm nhiên đi vào cuộc sống của nhiều cộng đồng, nhiều đơn vị cho đến cá nhân, lâu dần thành một sự chung sống từ miễn cưỡng đến âm thầm chấp nhận.

Một ví dụ điển hình cho bệnh hình thức phải kể đến vụ việc đình đám vừa qua mà chủ thể là một đơn vị quản lý Nhà nước về giáo dục cấp quận. Cụ thể, ngày 21-5, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận Cầu Giấy đã tổ chức khen thưởng cho hơn 300 học sinh bậc Tiểu học và THCS tiêu biểu có thành tích xuất sắc của quận trong năm học 2018-2019. Sau khi về nhà, học sinh phát hiện gói quà nhận được bên trong chỉ có một tờ giấy màu xanh.

Trước những bức xúc của dư luận, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, ngày 23-5 Phòng đã gửi thư ngỏ tới các bậc phụ huynh có con em học Tiểu học và THCS trên địa bàn quận. Trong thư, đơn vị này cho hay Phòng GD-ĐT có trao thưởng tượng trưng trên sân khấu cho các em học sinh tiêu biểu. Tiền thưởng của học sinh Phòng đã gửi về cho các trường để trao cho các em trước buổi lễ nhằm tránh việc học sinh làm mất.

Dù gửi đến phụ huynh và các em học sinh lời xin lỗi cũng như thừa nhận đây là bài học kinh nghiệm, thì thư ngỏ của Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy vẫn chưa giải đáp được băn khoăn của dư luận. Đó là sự liên quan của việc trao cho các em học sinh một hộp quà to thật to chỉ để chứa một tờ giấy nhỏ thật nhỏ.

Phải chăng hộp càng to thì càng khó mất hơn chăng. Tuy nhiên ở một góc độ khác, rất nhiều người cũng có thể tự trả lời cho câu hỏi của mình đặt ra, chiếc hộp to kia chỉ là phương tiện của bệnh hình thức, hay thực tế hơn đó là dấu hiệu nhận biết của bệnh hình thức.

Căn bệnh này cũng có rất nhiều hình thức biểu hiện, không chỉ diễn ra ở các sự kiện có tính chất đông người, nó còn diễn ra ở nhiều phong trào, nhiều sự kiện thường niên liên tục vẫn thường diễn ra.

Anh bạn tôi là nhân viên một công ty chuyên tổ chức du lịch và sự kiện rất đình đám ở Hà Nội. Trong một cuộc trà dư tửu hậu, anh kể lại mình mới phải đi nhặt rác mệt nghỉ tại một địa điểm gần bãi biển. Chúng tôi cả trai lẫn gái đều nhìn anh tràn trề ngưỡng mộ, phải chăng anh đã tham gia vào thử thách dọn rác, một thử thách rất đáng ngợi ca và thực tế với môi trường.

Nhưng không, câu chuyện nhặt rác của anh lại là giai đoạn đầu của một chiến dịch do khách hàng yêu cầu. Theo đó, một công ty nhà nước trong một chuyến nghỉ dưỡng đã thuê công ty anh bạn tôi bao thầu hậu cần.

Để cho việc nghỉ dưỡng  đậm chất bung xõa nhuốm màu xã hội, khách hàng đặt ra một yêu cầu, buổi sáng đầu tiên khi đoàn đặt chân đến bãi biển, sẽ có một hoạt động gọi là nhặt rác vì môi trường. Hoạt động này sẽ được truyền thông mạnh mẽ trên trang web của công ty, thậm chí được đăng tải rầm rộ trên mặt báo nếu thực sự ấn tượng và hấp dẫn.

Tuy nhiên, mong muốn này lại trở thành một thử thách với đơn vị tổ chức sự kiện. Bởi lẽ vùng biển đó là một địa điểm du lịch nổi tiếng, rác thải đã được dọn sạch mỗi ngày, hay nói cách khác số lượng rác không đáng kể.

Sau khi trao đổi với khách hàng về sự khó khăn này, đại diện khách hàng trả lời rất điểm nhiên: “Không có rác thì các anh đưa rác tới, nhặt đâu đó rồi bày ra một đoạn thôi, chúng em nhặt tượng trưng mấy cái chụp ảnh xong là thôi mà”.

Khách hàng là trên hết, đơn vị tổ chức sự kiện buộc phải lùa nhân viên đi thu gom rác ở các vùng lân cận, chọn lấy một nơi hẻo lánh ít người, khoanh vùng lại rồi tiến hành “xả rác có chủ đích”. Sau khi đơn vị khách hàng đã có được những hình ảnh mong muốn, toàn bộ nhân viên lại tiếp tục được huy động để nhặt lại rác mình đã xả ra.

Bệnh “hình thức” cũng có nhiều bạn bè và họ hàng, đôi khi nó lại chêm xen lẫn nhau với bệnh háo danh, bệnh thích phô trương, thích thể hiện.

Cũng gần đây thôi, một cán bộ hội, tương đương cấp Trưởng ban khi được mời tham gia sự kiện của một đơn vị. Vị cán bộ này sau khi ngồi xong phần giới thiệu đại biểu, nghe đồn lên tới 30 người nhưng không thấy tên mình được xướng lên đã bức xúc lên trang cá nhân kể lại sự việc và cho rằng mình cảm thấy xấu hổ vì không được nhắc đến.

Ở ta, việc xướng tên đại biểu cũng là một việc cần hết sức lưu ý. Nhất là đối với những sự kiện hoành tráng, bởi đọc nhiều không sợ bằng đọc thiếu. Suy cho cùng, đã là bệnh nan y thì vô cùng khó chữa, chỉ có thể hạn chế sự phô trương của nó ra cộng đồng, nhất là với sự kiện khen thưởng cho trẻ em ở quận kể trên, đừng nên gieo bệnh “hình thức” vào trẻ con ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bệnh “hình thức” nghiễm nhiên đi vào cuộc sống của nhiều cộng đồng, nhiều đơn vị cho đến cá nhân, lâu dần thành một sự chung sống từ miễn cưỡng đến âm thầm chấp nhận”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh