Bạo lực đẻ ra bạo lực
Vụ án 6 người trong gia đình bị đốt tại thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) khiến cả xã hội chấn động. 6 người gồm ông bà, cha mẹ và hai cháu gái đã bị thiêu trong ngọn lửa. Người ông và một cháu gái đã tử vong, một cháu khác bị bỏng tới 80%, khó qua cơn nguy hiểm. Có 3 người bị bỏng nhẹ hơn là người bà và bố mẹ hai em. Họ sẽ phải sống trong nỗi đau đớn giày vò, hối hận suốt đời.
Lúc đầu, người nhà bên ngoại cho rằng chính người ông vì ghét các cháu gái đã châm mồi lửa, nhưng kết luận mới nhất của cơ quan điều tra cho biết, chính người con trai, vì giận cha thường xuyên bạo lực với vợ mình, đã tưới xăng đốt cả gia đình. Nguyên nhân chính vẫn là sự bế tắc khi bạo lực gia đình không được giải quyết.
Nhiều người nhà cho biết, ông Hậu - tên người ông đã mất từng nhiều lần đánh đập, chửi rủa con dâu vì tội “sinh hai vịt giời”. Thậm chí, ông ta đã dùng dao kề vào cổ con dâu dọa giết, dìm đầu con dâu xuống ao. Tuy mọi người biết, nhưng không ai ngờ đến hậu quả như vậy nên cũng chỉ can thiệp cho có. Thậm chí, cách đây 3 năm, người con dâu đã xin ly hôn vì mâu thuẫn gia đình, vì không chịu nổi cảnh bạo lực, nhưng tổ hòa giải xã đã “hòa giải thành công”, chị lại quay về chịu sống trong cảnh bị đánh đập.
Và trước khi người con trai tưới xăng đốt cả nhà, theo lời kể của anh ta, ông Hậu đã bóp cổ con dâu. Ngọn lửa tội ác đó đã bùng cháy từ trong nỗi hận thù, giận dữ từ tâm can của anh ta.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội) cho biết: “Thành viên trong các gia đình có bạo lực sẽ có hành vi bắt chước nhau, con trai có bố bạo lực, thường xuyên bị đánh chửi, hoặc chứng kiến hành vi đánh chửi của bố với mẹ và vợ mình thì sẽ rất nễ nảy sinh bạo lực nếu không được giúp đỡ”.
Nghiên cứu về BLGĐ quốc gia năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ Việt Nam đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực. 50% các bà vợ bị bạo lực cũng cho biết, các ông chồng đang gây bạo lực lên vợ con cũng đã từng chứng kiến mẹ mình bị bố đánh chửi hoặc bản thân bị bố đánh chửi.
“Vòng tròn bạo lực luôn xoắn ốc, leo thang ngày càng cao nếu không được can thiệp ngay từ đầu. Đầu tiên sẽ chỉ là chửi mắng nhưng người con dâu nín nhịn, thì đến ngày sẽ bị bố chồng tát, chịu đựng tiếp sẽ bị dao kề cổ và tội ác sẽ leo thang thành ngọn lửa oan nghiệt, thiêu cháy cả gia đình. Cho dù ai châm lửa thì cũng đều do bạo lực gia đình không được giải quyết dứt điểm” - ông Quyết cho biết.
Sự can thiệp nửa vời
Về vấn đề người con dâu đã nhiều lần kêu cứu đoàn thể, đã từng xin ly hôn, nhưng lại được chính quyền hoà giải “thành công”, ông Quyết cho biết: “Đáng tiếc là nhiều chính quyền vẫn đặt mục tiêu “toàn vẹn gia đình” lên trên hết mà bỏ qua sự an toàn của trẻ em và phụ nữ”. Theo ông Quyết, vì muốn gia đình không tan vỡ nên người ta thường khuyên nên nín nhịn, nên bỏ qua, nên “chín bỏ làm mười”, cho rằng anh ta vì uống rượu nên mới hành xử bạo lực còn bình thường anh ta vẫn tốt, còn đối với người bị bạo lực, chính quyền cũng chỉ nhắc nhở qua quýt mà thiếu các hình thức nghiêm khắc để họ sợ. Đối với những lời đe dọa tính mạng, cán bộ chính quyền cũng thiếu nhạy cảm về mức độ nguy hiểm, mà thường gạt đi “ông ta chỉ nói thế chứ không dám làm đâu”. Sau khi người gây bạo lực hứa hẹn sẽ yêu thương vợ con, sẽ không đánh đập nữa là cán bộ chính quyền “tin ngay” mà không theo dõi, giám sát nữa. Sau nhiều lần tìm sự giúp đỡ, người phụ nữ sẽ thấy chán nản, thấy đơn độc, nên đành chịu đựng cho xong.
Nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế do BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2012, do Cơ quan liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện đã tiến hành điều tra trên gần 1.100 phụ nữ (50% sống ở nông thôn, 50% ở thành thị). Có đến 64% trong số họ cho biết đã từng chịu bạo lực gia đình (cao hơn cả Điều tra bạo lực quốc gia). Đáng lo ngại là các hành vi bạo lực nghiêm trọng bị lặp lại nhiều lần. Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu BLGĐ trong vòng 12 tháng trở lại đây, có đến 76% thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm.
Theo bà Nguyễn Thu Thúy, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu khoa học giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên CSAGA, hòa giải chỉ mang tính xuê xoa, làm nguội bạo lực chứ không có tính răn đe đối với người gây BLGĐ. Hơn nữa, đội ngũ làm công tác hòa giải cũng chưa có đủ kiến thức kỹ năng. Họ thường mắc lỗi: xuê xoa, cầu hòa, kêu gọi phụ nữ nín nhịn, đổ lỗi cho người bị BLGĐ (chị nói gì quá lời nên anh ấy mới nóng giận…), đổ lỗi do rượu nên mới gây bạo lực. Khi hòa giải xong thường không lập biên bản, yêu cầu người gây bạo lực ký và cam kết không tiếp tục gây bạo lực, nếu có, sẽ xử lý nặng hơn. Như vậy, người gây BL thường nghĩ “lời nói gió bay”, càng không sợ. Mục tiêu cuối cùng của người hòa giải là gia đình “im ắng” không bạo lực, vợ về với chồng, con có bố, nếu như ly hôn là thất bại của hòa giải… “Như thế, BLGĐ càng leo thang nghiêm trọng hơn, còn người chịu bạo lực cũng chán nản, không tìm đến sự giúp đỡ nữa. Hậu quả của BLGĐ sẽ rất khó lường”.
Tuy Luật Phòng chống BLGĐ có điều khoản quy định tất cả những người chứng kiến BLGĐ đều có trách nhiệm trình báo với cơ quan, đoàn thể có thẩm quyền nhưng đối với các vụ việc BLGĐ, 67% do nạn nhân tự trình báo; tỷ lệ người thân trình báo ngang với hàng xóm (19%). Đáng chú ý là tỷ lệ trình báo công an của “tai mắt nhân dân” như cán bộ hội phụ nữ, Tổ dân phố, tổ hòa giải, UBND là rất thấp (khoảng 2-4%).