Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về (5): Chờ có tiền mới bảo tồn thì sắc phong “về trời” và di sản “tan hoang” rồi!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trở lại cuộc đấu giá mang tên “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” của Công ty “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” (Trung Quốc), câu chuyện này đã khiến các cơ quan quản lý văn hóa thực sự “giật mình” và vội vàng “chữa cháy” bằng cách rà soát lại hiện trạng sắc phong trong di tích đã mất đến đâu và còn những gì...
Người dân thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ngắm nhìn “báu vật” là sắc phong thời Nguyễn trở về với di tích Quán Vật (Ảnh: Trần Quân)

Người dân thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ngắm nhìn “báu vật” là sắc phong thời Nguyễn trở về với di tích Quán Vật (Ảnh: Trần Quân)

Thực tế kiểm tra và số lượng báo mất… đáng kinh ngạc

Theo văn bản của một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội gửi đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì số lượng sắc phong mất rất nhiều, mất ở mọi thời điểm và đáng buồn hơn là địa phương cũng không… trình báo. Từ đó dẫn đến thực trạng hiện nay chuyện “vườn không, nhà trống” là có thật, bởi trong hồ sơ di tích cũng không còn lưu giữ gì dù chỉ là một bản sao nội dung hoặc vài bức ảnh, trong khi di tích đã được xếp hạng… quốc gia.

Khẩn trương vào cuộc với mục đích đưa những sắc phong khả năng có nguồn gốc từ Việt Nam trở về theo tinh thần Công ước UNESCO 1970. Trong các ngày 12-4-2023, 27-4-2023 và 28-4-2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch liên tiếp có công văn gửi các tỉnh, thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương (những địa danh có tên trên các đạo sắc thuộc phiên đấu giá “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm”) yêu cầu kiểm tra tính xác thực, thu thập thông tin pháp lý về sắc phong và việc mất cắp sắc phong. Đồng thời, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, các địa điểm liên quan ở địa phương theo hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970.

Ngày 13-4-2023, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc số 1237/SVHTT-QLDSVN đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát thông tin bán đấu giá sắc phong theo Văn bản số 309 của Cục Di sản Văn hóa. Do hình ảnh đăng trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” có nhiều bức hình không thực sự rõ nét, ngoài việc nhận diện chữ có các địa danh và niên đại nêu trên, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề nghị khẩn trương rà soát, xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” có nguồn gốc tại các di tích, các địa điểm liên quan ở địa phương. Thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này). Ngoài ra, kiểm tra, kiểm kê hiện vật, đồ thờ tự trong di tích và tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ an toàn hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại các di tích, trong đó có sắc phong. Giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp, đối chiếu hồ sơ xếp hạng di tích được lưu trữ tại cơ quan để cung cấp thông tin và tư liệu liên quan cho các quận, huyện, thị xã khi cần.

Cho tới thời điểm này, chỉ có 14/30 quận, huyện, thị xã gửi báo cáo hỏa tốc về tình trạng sắc phong trong di tích tới Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Theo đó, số lượng báo mất (mà chưa xuất hiện trên các cuộc đấu giá công khai ở nước ngoài) cũng ở mức… đáng kinh ngạc. Do số lượng là vô cùng nhiều (chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội) nên trong khuôn khổ loạt bài viết này, chúng tôi không thể thống kê hết. Tuy nhiên, cũng có một vài ví dụ về các vụ mất trộm trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19.

Tháng 10-2020, đình Đồng Trữ (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mất 3 đạo sắc phong. Cũng ở địa phương này, báo cáo cho thấy còn mất ở các di tích như miếu Mục Thanh, đình Tinh Mỹ, đình Thọ An, đình Yên Lạc, đình Tiên Trượng, đình Trí Thủy… Thời gian mất rải rác từ năm 1954 cho tới 2020. Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 19-4-2023 của UBND huyện Chương Mỹ gửi Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội không có hình ảnh, biên bản liên quan đến các vụ mất trộm sắc phong.

Tại huyện Gia Lâm, tháng 6-2021 đình Tế Xuyên (xã Đình Xuyên) mất 9 đạo sắc phong (1 đạo sắc xuất hiện trong lịch sử giao dịch của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”). Huyện Phú Xuyên, tháng 12-2020, đình Thường Xuyên (xã Đại Xuyên) mất 6 đạo sắc phong (4 đạo sắc xuất hiện trong lịch sử giao dịch của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”). Trước đó, năm 2006, đình Đa Chất mất 9 đạo sắc (1 đạo xuất hiện trong lịch sử giao dịch của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”). Huyện Thạch Thất, tháng 3-2021, đình Hữu Bằng mất 25 đạo sắc phong (trong đó có tới 10 đạo sắc đã xuất hiện trong lịch sử giao dịch của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”)...

Một số hình ảnh sắc phong hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Một số hình ảnh sắc phong hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Sự im lặng khó hiểu và “đụng vào đâu cũng không có”

Cho đến thời điểm này, trong 14 quận, huyện “chịu khó” làm báo cáo thì chỉ có quận Ba Đình khẳng định là không bị mất sắc phong (Văn bản số 624/UBND-VHTT về việc Báo cáo kết quả rà soát thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam); quận Thanh Xuân báo cáo chung chung hiện có 38 sắc phong trên địa bàn 4 phường, nhưng không rõ lịch sử có bao nhiêu sắc phong, có xảy ra tình trạng mất cắp hay không; 16 quận, huyện, thị xã còn lại thì “im lặng” dù quá thời hạn (?). Phải chăng, do các địa phương này không có tên, sắc phong không liên quan đến danh sách đấu giá ở Thượng Hải nên… không cần báo cáo (?). Nhưng, không có tên trong danh sách đấu giá thì không có nghĩa là quận, huyện đó tuyệt đối an toàn, không (hoặc chưa) xảy ra mất cắp cổ vật trong di tích nói chung và mất cắp sắc phong nói riêng. Sở dĩ phải đưa ra một vài ví dụ ở quận, huyện và những con số cụ thể để thấy, tình trạng mất cắp sắc phong thực sự rất đáng báo động. Và lo ngại hơn, khi sắc phong mất đi cũng không còn bất cứ hồ sơ, hiện vật hay bản sao nào được lưu giữ cả.

Trong khoảng thời gian từ 18 đến 24-5-2023, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phối hợp cùng Phòng Văn hóa - Thông tin các quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra thực tế, rà soát hồ sơ xếp hạng, hồ sơ kiểm kê di tích, xác minh tính xác thực của các sắc phong được rao bán. Trong báo cáo kết quả của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội thì một số tài liệu lưu theo hồ sơ xếp hạng, hồ sơ kiểm kê không thể sử dụng, không có các thông tin liên quan theo hướng dẫn của UNESCO 1970. Một số địa phương bị mất sắc phong nhưng không xác định được thời điểm, không có các tài liệu chứng minh kèm theo, có địa phương mất nhưng không trình báo… Lý do của việc “đụng vào đâu cũng không có” này là gì? Di tích đã được xếp hạng nhưng chỉ có danh sách thống kê niên đại hiện vật, không có ảnh chụp, không miêu tả kích thước, mỹ thuật, nội dung từng sắc phong. Hoặc di tích đã nằm trong danh mục kiểm kê nhưng chưa xếp hạng nên không có hồ sơ đối chiếu. Nhưng rất may vẫn còn một số ít quận, huyện có lưu hồ sơ, miêu tả kích thước, ảnh khảo tả trong hồ sơ. Cùng với đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, Sở Nội vụ Hà Nội đã triển khai Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội”, rất nhiều sắc phong đã được công nhận trong thời gian này và có hồ sơ lưu trữ đầy đủ, tiêu biểu là 25 sắc phong (đã mất) của đình Hữu Bằng (huyện Thạch Thất).

Mặc dù trong quá trình triển khai, Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020” được cho là “dẫm chân” lên lĩnh vực quản lý di sản, tuy nhiên đến thời điểm này mới thấy, đề án của Sở Nội vụ Hà Nội đã thực sự phát huy tác dụng.


Không gian trưng bày các đạo sắc phong tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Ảnh: Bùi Văn Quang)

Không gian trưng bày các đạo sắc phong tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Ảnh: Bùi Văn Quang)

Giữ sắc phong bằng cách nào?

Khi chúng tôi trò chuyện với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và bảo tồn di sản, hầu hết đều khẳng định “sắc phong mất từ lâu rồi” hoặc “chuyện không có gì mới”. Thời điểm sắc phong, cổ vật mất nhiều nhất là từ những năm sau đổi mới, rồi cứ thế nay một vụ, mai vài vụ. Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, kẻ gian phá khóa trộm cắp đồ thờ trong di tích cũng không phải là ít, nhiều vụ công an bắt được thủ phạm, trả lại hiện vật cho di tích. Nhưng cũng có vụ phá cả đường dây buôn lậu cổ vật ra nước ngoài mà “chịu” không biết hiện vật nguồn gốc ở đâu để trả, cuối cùng đành phải gửi chúng “tá túc” trong bảo tàng .

Khi viết những lời kết cho loạt bài “Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về”, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của Trần Ngọc Đông (ảnh) - một người trẻ phát đi thông tin đầu tiên về phiên đấu giá “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” mà chúng tôi đã nhắc đến trong kỳ đầu tiên. Đông bảo: “Đất nước này đã mất mát quá nhiều rồi!”...

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng - chuyên viên chính Cục Di sản văn hóa, chỉ có sắc phong thời Nguyễn mới ghi rõ niên đại, tên tuổi người được phong thần, tên di tích, địa danh. Còn sắc phong thời Lê và Tây Sơn thường chỉ có một nhãn nhỏ phía sau ghi thông tin địa danh, tên thần… Để giấu vị trí, cái nhãn ấy đa phần bị cắt (thuật ngữ của dân buôn đồ cổ gọi là “cắt tai”). Cho nên, đi tìm sắc phong thời Nguyễn còn dễ, chứ sắc thời Lê và Tây Sơn thì vô cùng khó. Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng, nếu nói về sắc phong thì nói cả ngày và không biết phải bắt đầu từ đâu. Về nguyên tắc, sắc phong phải ở trong di tích, phải được bảo vệ ngay trong chính di tích đó. Thêm nữa, một di tích đã xếp hạng phải có bảng thống kê, ảnh hiện vật (khi chụp phải được đặt thước tỉ lệ), sơ đồ hiện vật, đủ 3 yêu cầu đó mới tạo thành hồ sơ hiện vật. Nhưng vì sao các di tích dù đã được xếp hạng, nhưng đến nay rà lại hồ sơ đều không có gì? Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng lý giải, đợt xếp hạng “Di tích quốc gia” đầu tiên ở Việt Nam là năm 1962, nhưng phải đến năm 2011 mới có Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL quy định nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Cho nên, những di tích đã được xếp hạng từ năm 2011 trở về trước thành phần hồ sơ thường không đầy đủ, khi có điều kiện kiểm đếm thì mới thấy mất mát nhiều.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng than thở: “Quá trình rà soát lại sắc phong trong phiên đấu giá của Công ty “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”, chỉ có Hải Dương là địa phương có hồ sơ kiểm kê tốt nhất. Bởi lẽ, tỉnh này đã cho chụp lại từng sắc phong, hầu như tất cả hình ảnh đều còn lưu. Còn hồ sơ kiểm kê của Hà Nội thiếu nhiều. Khi anh mất của và đi tìm thì anh phải chứng minh những thứ quý giá kia là của mình thì mới đòi được. Đằng này đụng đến đâu thiếu đến đó, thậm chí là không có gì. Chục năm trở lại đây, không thấy địa phương nào báo cáo lên Cục Di sản văn hóa về việc mất cắp trong di tích. Có nơi, mất chỉ báo công an, thậm chí có nơi còn “ỉm đi” vì sợ trách nhiệm. Địa phương thì “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”, mất rồi chẳng nhẽ bắt tội người trông coi, quản lý?”.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thì cho rằng, hiện vật mất, thất lạc… là vấn đề mà cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý triệt để. Để đưa ra tư vấn thì phải hiểu được giá trị (trong trường hợp cụ thể là sắc phong), phải thảo luận và đưa ra chính sách. Việc Công ty “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” bán đấu giá 672 món đồ, trong đó có các đạo sắc phong (khả năng là hiện vật gốc) có nguồn gốc từ các di tích Việt Nam là “chấn động ngành Di sản”. Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn khẳng định: “Lâu nay nghe tin di tích này, di tích kia mất trộm thì chỉ thấy gờn gợn. Bây giờ tận mắt thấy hiện vật được rao bán ở nước ngoài mới đau xót bội phần. Sách cổ, sắc phong được người ta đi thu gom từ nhiều năm nay. Đừng nói các nhà quản lý không biết, họ biết nhưng không thể khống chế được. Đã đến lúc sắc phong cần phải đưa vào danh mục cấm mua bán, trao đổi. Bất kỳ cái gì gây bất lợi cho văn hóa nước nhà thì đều khải khống chế. Rất cần Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa. Cũng cần phải xét xử công khai một số vụ điển hình về buôn bán cổ vật hay trộm cắp cổ vật trong di tích, coi đó là “án điểm” để ai có tà tâm nhìn vào mà biết sợ. Có luật rồi thì phải theo luật. Xã hội dân trí cao là xã hội thượng tôn pháp luật”.

Sắc phong cần được bảo vệ bằng Luật

Quan điểm thống nhất giữa các nhà nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa là, để hạn chế nạn mất trộm cổ vật nói chung, sắc phong nói riêng, nhất định là phải kiểm kê hiện vật trong di tích. Ngay trong Luật Di sản văn hóa có điều khoản về việc các di tích “5 năm kiểm đếm một lần”. Hiện nay, việc phân cấp quản lý đã được thực hiện, vì thế kiểm kê hiện vật trong di tích phải được chính các quận, huyện chủ trì thực hiện.

Việc kiểm kê hiện vật trong di tích vốn không mới mẻ, cách đây hơn 20 năm ngành Văn hóa Thủ đô đã triển khai và được xem là đột phá trong công tác quản lý di tích. Nói nôm na, đó là làm “chứng minh thư” cho từng hiện vật với các phần việc giám định về chất liệu, niên đại, phân loại giá trị, hiện trạng bảo quản, miêu tả hình dáng, kích thước, đặc điểm trang trí, màu sắc dễ nhận dạng. Mỗi hiện vật sau khi giám định đều được lập một phiếu khoa học, được bổ sung phần kỹ thuật chế tác, vị trí trong di tích, các thông tin để tra cứu, ảnh, đánh số chính xác trên bản vẽ mặt bằng kiến trúc... Việc kiểm kê, phân loại hiện vật này được xem như căn cứ để quản lý và bảo vệ, kịp thời phát hiện các di vật, hiện vật có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Nếu không may xảy ra mất mát, phiếu khoa học đóng vai trò như một “chứng minh thư” giúp cơ quan công an làm cơ sở điều tra và trả hiện vật về đúng nơi, đúng chỗ. Thời điểm đó, không nhiều nơi triển khai thành công, duy chỉ có quận Tây Hồ, Đông Anh, Long Biên là thực hiện hiệu quả.

Hơn 20 năm sau, khi đâu đâu cũng nói về công nghệ 4.0 thì các vấn đề của kiểm kê hiện vật trong di tích được yêu cầu hiện đại lên, tức là trước kia làm “chứng minh thư” cho di vật thì nay là làm “căn cước có gắn chíp” và số hóa là con đường tất yếu để có thể bảo quản di vật, bảo tồn di sản, cụ thể ở đây là sắc phong một cách tốt nhất. Theo nguyên tắc, trước khi triển khai, đầu tiên các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị ngân sách, thành lập Hội đồng thẩm định là các chuyên gia đầu ngành về di sản văn hóa. Các phiếu hiện vật được lập dưới sự thông qua của Hội đồng thẩm định và hồ sơ kiểm kê hiện vật, sau đó phải được Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố ký. Nguyên tắc là như vậy, nhưng triển khai thế nào và có thực hiện không, có ngân sách chi cho việc kiểm kê hiện vật hay không lại là “câu chuyện khó nói” của từng quận, huyện. Có nơi làm luôn, làm tốt và làm thực sự bài bản, khoa học. Nhưng cũng có nơi mãi không làm hoặc làm mãi không xong vì “không có kinh phí”. Phải nói rõ rằng, việc quản lý di sản trên địa bàn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của những người đứng đầu. Nếu người đứng đầu thực sự coi trọng văn hóa, coi trọng di sản, thì việc kiểm kê, nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ, chỉ “phút mốt” là xong. Nhưng nếu người đứng đầu chỉ mải mê với các vấn đề kinh tế, còn văn hóa là việc “cứ từ từ” thì... cũng chịu. Di sản mất mát thì cũng đau xót đấy, nhưng đau xong thì… thôi (!).

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn khẳng định: “Cũng như hầu hết các vấn đề nan giải của di sản văn hóa, vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu?”. Trường hợp này cần phải lấy trách nhiệm quản lý Nhà nước, quản lý văn hóa ra làm đầu chứ đừng ngồi đợi đến lúc… có tiền. Đợi có tiền thì di sản “tan hoang” rồi. Một trong những tín hiệu tích cực nữa được xem là “phao cứu sinh” cho sắc phong khi nó là loại hình vừa vật thể vừa phi vật thể. Dự kiến, lần sửa đổi Luật Di sản văn hóa tới đây sẽ đưa sắc phong vào một chương riêng về Di sản tư liệu. Nếu được Quốc hội thông qua thì sắc phong, với tư cách là một trong những di sản tư liệu, sẽ chính thức được bảo vệ bằng Luật.

Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, dự kiến Luật sửa đổi sẽ dành một chương về nội dung Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, với các quy định cụ thể: Loại hình di sản tư liệu; tiêu chí nhận diện; danh mục; quy trình kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu; quy trình thay đổi quyền sở hữu, thu hồi và hủy bỏ quyết định ghi danh; trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; bản sao di sản tư liệu; chính sách Nhà nước về di sản tư liệu…

Thay cho lời kết

Cũng giống như các di sản văn hóa khác, sắc phong nói riêng và di sản tư liệu nói chung vốn mong manh và nhạy cảm dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Chính vì vậy, khi đã xác định được giá trị của sắc phong thì phải bảo vệ giá trị đó một cách tối ưu nhất có thể. Khi viết những dòng cuối của loạt bài này, chúng tôi lại nhớ câu nói của anh Trần Ngọc Đông - người phát đi thông tin đầu tiên về phiên đấu giá “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”. Anh Trần Ngọc Đông bảo: “Đất nước này đã mất mát quá nhiều rồi!”. Đúng vậy! Trải qua bao cuộc chiến từ ngày dựng nước, giữ nước, giành độc lập dân tộc, chúng ta đã hy sinh, mất mát quá nhiều. Hòa bình, đất nước phát triển phồn vinh, xã hội tươi đẹp, nhân dân hạnh phúc thì tuyệt đối chúng ta không được thờ ơ, vô cảm để mất mát thêm nữa, đặc biệt là để mất di sản vô giá do cha ông để lại. Mọi nỗ lực đưa di sản “hồi hương” mà các cơ quan chức năng đang thực hiện cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy”, tình thế. Trong khi, để bảo vệ di sản văn hóa chính xác nhất, ổn định nhất, bền vững nhất buộc phải “chủ động”. Nếu không, tất cả sẽ diễn ra theo cách mà giới trẻ bây giờ hay nói: “Có không giữ, mất đừng tìm”.

Sắc phong thật sự là báu vật, là giá trị lịch sử, là bằng chứng sống động về những mối liên hệ tinh thần của người Việt. Mỗi sắc phong là một câu chuyện, là gạch nối giữa hiện tại, quá khứ và tương lai mà chúng ta phải tuyệt đối giữ gìn.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền (Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch): “Hồi hương” sắc phong để nâng cao tự tôn dân tộc trên trường quốc tế

* Hồi chuông báo động khẩn cấp về tình trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài

* Sắc phong được bảo vệ và quản lý theo pháp luật về di sản văn hóa

* Bảo tồn sắc phong đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa

* Xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp

* Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

* Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 1970 để bảo vệ di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu

- Phóng viên: Nhìn lại hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, bà nhận định ra sao về vấn đề bảo tồn di sản, cổ vật ở Việt Nam hiện nay?

- PGS.TS Lê Thị Thu Hiền (Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch): Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, những năm gần đây, nhận thức chung của đại đa số cộng đồng, nhân dân địa phương tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cả nước đã được nâng cao, thu được nhiều kết quả. Việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Theo thống kê, những năm gần đây số vụ mất cắp cổ vật tại di tích giảm cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Hầu hết các vụ việc đều được các cơ quan điều tra giải quyết kịp thời, trả lại cổ vật bị mất cắp cho di tích. Số vụ mất cắp cổ vật tại bảo tàng gần như không có. Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (trường hợp khai quật thông thường), của Chủ tịch UBND tỉnh (trường hợp khai quật khẩn cấp). Việc tự ý tìm kiếm, đào bới, làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn.

- Ngoài một số nơi xảy ra việc mất cắp cổ vật, Cục Di sản văn hóa có những thống kê nào về số lượng cổ vật và tình trạng mất cắp cổ vật Việt Nam, thưa bà?

- Ngoài khoảng 4 triệu hiện vật là di vật, cổ vật đã được kiểm kê tại các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, hiện còn rất nhiều cổ vật được lưu giữ tại các di tích đã và chưa được kiểm kê (do thời điểm xếp hạng di tích từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, chưa có Luật Di sản văn hóa), cùng với nhiều cổ vật được gìn giữ trong các sưu tập tư nhân không bắt buộc đăng ký kiểm kê. Do đó, số lượng chính xác cổ vật trên toàn quốc khó có thể xác định con số cụ thể.

- Bà có thể đánh giá một cách khách quan về công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng trên cả nước hiện nay?

- Những năm qua, công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật tại hệ thống bảo tàng trên cả nước luôn được quan tâm, chú trọng, số lượng hiện vật không ngừng được bổ sung. Trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý về lịch sử, văn hóa, khoa học, dân tộc học, mỹ thuật… phản ánh được đặc trưng văn hóa của các địa phương, dân tộc, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bảo tàng. Hiện nay đã có 238 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó 153 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng. Công tác kiểm kê, bảo quản luôn thực hiện đúng quy định, thông qua đó nhằm hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các hiện vật có giá trị, phù hợp với hoạt động của bảo tàng; đảm bảo sự an toàn của hiện vật trước những nguy cơ về an ninh, sự xâm hại của động vật, côn trùng, nấm mốc, sinh vật gây hại, tác động của môi trường… Tuy nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tàng nói chung còn hạn hẹp, nhưng các đơn vị luôn chú trọng, ưu tiên để đầu tư những trang bị thiết yếu phục vụ cho công tác bảo quản, như: điều hòa, máy hút ẩm, máy lọc không khí, camera an ninh, phòng chống cháy nổ, cửa chống trộm, kính cường lực, hệ thống giá kệ, tủ hiện đại…

- Tháng 4-2023, một công ty đấu giá của Trung Quốc đã tổ chức phiên đấu giá, trong đó có 33 đạo sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, đây là hồi chuông báo động khẩn cấp về tình trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài. Quan điểm của Cục Di sản văn hóa thế nào về vấn đề này, thưa bà?

- Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, tiếp đó là những nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế, vươn mình từ một quốc gia còn khó khăn sau chiến tranh thành một nước đang phát triển với sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận. Do vậy, sau chiến tranh, thông tin về cổ vật lưu lạc ở nước ngoài và tìm kiếm giải pháp đưa trở về Việt Nam chưa thực sự được quan tâm. Thực tế, nhiều cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam hiện đang được lưu giữ ở các bảo tàng lớn trên thế giới, hoặc trong các bộ sưu tập tư nhân ở nhiều quốc gia. Trong những năm qua, các học giả quốc tế, các chuyên gia bảo tàng cũng nhiều lần cung cấp danh mục những cổ vật có thể có nguồn gốc từ Việt Nam cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Việc “hồi hương” cổ vật hiện có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là từ sự thông hiểu luật pháp giữa Việt Nam và quốc gia có cổ vật Việt Nam đang lưu lạc, cam kết quốc tế, Công ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, cho đến kinh phí phục vụ thương thảo, đàm phán, đền bù… để có thể chuyển giao, “hồi hương” cổ vật một cách hợp pháp, hạn chế các tranh chấp pháp lý kéo dài, có thể ảnh hưởng quan hệ ngoại giao cấp Nhà nước. Trong định hướng kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia “hồi hương” cổ vật của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm gần đây đã có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích, như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022...

- Ngay khi nhận được thông tin sắc phong có nguồn gốc Việt Nam được đem ra đấu giá tại Trung Quốc, được biết Cục Di sản văn hóa đã có Công văn khẩn gửi các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương…?

- Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 (Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa), trong đó các nước thành viên công ước cùng cam kết: “Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hóa nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan”. Đây là khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong phòng chống việc buôn bán trái phép di sản văn hóa, nâng cao nhận thức, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu.

Để tiếp tục triển khai các việc tiếp theo nhằm “hồi hương” các hiện vật, sắc phong có nguồn gốc Việt Nam theo nội dung Công ước UNESCO 1970, ngày 27-4-2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Công văn gửi các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương và Thái Bình đề nghị: Tiếp tục xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán có nguồn gốc tại các di tích và các địa điểm liên quan ở địa phương; thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong, việc mất cắp sắc phong; Xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích và các địa điểm liên quan ở địa phương theo hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970 (theo Phụ lục gửi kèm Công văn) để gửi cơ quan chức năng làm cơ sở thực hiện đàm phán ngoại giao “hồi hương” hiện vật sắc phong; Đề nghị có văn bản của UBND tỉnh, thành phố gửi Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia

UNESCO Việt Nam và bộ, ngành liên quan để đề nghị phối hợp, làm việc, hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp, đàm phán để có thể “hồi hương” hiện vật, sắc phong theo Công ước UNESCO 1970. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong việc “hồi hương” hiện vật, sắc phong nói trên. Đồng thời, Cục Di sản Văn hóa cũng đã có Công văn hướng dẫn các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao triển khai các việc tiếp theo để “hồi hương” hiện vật theo nội dung Công ước UNESCO 1970.

- Thưa Cục trưởng, chuyện mất mát rồi cũ nát dẫn đến không thể phục hồi các đạo sắc phong tại 5 tỉnh, thành phố nói riêng và cả nước nói chung đã “báo động” và “nghiêm trọng” đến mức các tỉnh, thành phố phải báo cáo hiện trạng về sắc phong hay chưa?

- Sắc phong tại các di tích là một trong các loại hình hiện vật thuộc di tích, được bảo vệ và quản lý theo pháp luật về di sản văn hóa. Ngoài ra, sắc phong còn là hiện vật thuộc sở hữu tư nhân tại các gia đình, cộng đồng, nhà thờ dòng họ, có nhân vật lịch sử được các triều đại phong kiến ban tặng. Hiện nay, các tỉnh, thành phố chưa có báo cáo, thống kê một cách hệ thống về các di vật, cổ vật tại các di tích, bị thất thoát, mất mát. Vì vậy, số lượng các sắc phong bị bán đấu giá tại Trung Quốc không thể xác định là tất cả số sắc phong bị mất trong thời gian qua tại các di tích.

Việc quản lý các sắc phong nói riêng và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại các di tích đã được quy định tại hồ sơ khoa học của di tích, bước đầu từ khi di tích được vào danh mục kiểm kê do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố công bố, cho đến khi di tích được địa phương lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng (chi tiết về sơ đồ hiện vật, ảnh hiện vật, bản thống kê hiện vật). Vấn đề quản lý trực tiếp di tích cũng đã được các địa phương phân cấp cụ thể, tùy theo tình hình thực tế, đặc thù của mỗi địa phương, theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Do vậy, việc quản lý di tích và hiện vật của di tích, trong đó có sắc phong thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương có di tích, của tổ chức, cá nhân sở hữu di tích hoặc được giao quản lý di tích. Về cơ bản, các quy định pháp luật về di sản văn hóa liên quan đến việc quản lý hiện vật tại di tích đã đầy đủ, rõ ràng. Các địa phương cũng đã chủ động kiện toàn bộ máy quản lý di tích; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích; tăng cường quản lý di tích cũng như các hiện vật trong di tích; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện đối với nhiệm vụ được giao bằng việc quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích. Các địa phương và Ban quản lý di tích phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị tất cả các hiện vật thuộc di tích, thuộc trách nhiệm đã được phân cấp quản lý, không chỉ phải có trách nhiệm báo cáo riêng về sắc phong. Do đó, Cục Di sản văn hóa cũng không có dự kiến yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố báo cáo về hiện trạng riêng về sắc phong.

- Nhiều người cho rằng, sở dĩ để xảy ra tình trạng hư hỏng, mất cắp cổ vật, di vật trong di tích nói chung và sắc phong nói riêng một phần do phân cấp quản lý. Địa phương chưa nắm rõ được quy trình bảo quản cũng như an ninh, an toàn cho hiện vật. Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại nghĩ đã phân cấp rồi thì đây là trách nhiệm của địa phương. Theo bà thì nguyên nhân do đâu?

- Mặc dù phân cấp cho các địa phương trong quản lý di sản, tuy nhiên công tác này trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, là nguyên nhân gây nên một số tồn tại trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Vấn đề quản lý các di sản còn bất cập. Di sản nước ta đa dạng về loại hình, chủ sở hữu, vì vậy mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng. Các Ban quản lý, Trung tâm bảo tồn di sản là đơn vị sự nghiệp nên di tích được quản lý tốt. Các di tích cấp tỉnh và di tích trong danh mục kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng, nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn thấp. Hàng năm, Cục Di sản văn hóa đều có các văn bản hướng dẫn việc thực hiện trách nhiệm quản lý rủi ro, ứng phó thiên tai nhằm bảo vệ tốt di sản văn hóa. Đồng thời, cũng gửi các tài liệu hướng dẫn chi tiết và phối hợp với UNESCO và một số tổ chức chuyên môn hướng dẫn, tập huấn về ứng phó rủi ro cho các bảo tàng, ban quản lý di tích.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu đạo sắc phong đang lưu giữ để tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của các Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm giám định, dịch, tạo lập hồ sơ để trao trả các địa phương (Ảnh: Vân Quế)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu đạo sắc phong đang lưu giữ để tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của các Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm giám định, dịch, tạo lập hồ sơ để trao trả các địa phương (Ảnh: Vân Quế)

- Vấn đề đưa cổ vật về nước đang rất được dư luận quan tâm. Bên cạnh Nhà nước, các Mạnh Thường Quân cũng khá tích cực tham gia đấu giá để tìm cơ hội đưa cổ vật trở lại Việt Nam. Từ những vụ việc vừa rồi, chúng ta sẽ có những định hướng như thế nào về việc “hồi hương” cổ vật, thưa bà?

- Năm 2005, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. Tuy nhiên, Việt Nam đã ý thức xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban Thư ký Công ước năm 1970 của UNESCO về danh mục này. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng phương án, giải pháp từng bước đưa cổ vật về Việt Nam, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện. Việc đưa cổ vật lưu lạc ở nước ngoài trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài. Điều đó còn khẳng định quan điểm đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần định vị vị thế quốc gia, tinh thần tự tôn dân tộc trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của nhân loại. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa - đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

- Theo bà, các cơ quan chức năng cần làm gì để bảo tồn cổ vật được tốt hơn?

- Chúng ta cần tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục, đưa pháp luật về di sản văn hóa và thực tiễn đời sống; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới; tăng cường mức đầu tư cho hoạt động bảo tàng, kiểm kê, bảo quản cổ vật tại bảo tàng, di tích.

- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng về cuộc trao đổi này!

Việc đưa cổ vật lưu lạc ở nước ngoài trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài. Điều đó còn khẳng định quan điểm đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần định vị vị thế quốc gia, tinh thần tự tôn dân tộc trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của nhân loại”.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền (Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

Cách thức quản lý di sản, cổ vật

Điều 54 - Luật Di sản văn hóa quy định nội dung quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, bao gồm:

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa;

3. Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa;

4. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa;

5. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

6. Tổ chức, chỉ đạo khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

7. Tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

8. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.