Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về (2): Giá trị lịch sử, mỹ thuật và trăm cách gìn giữ sắc phong “vô tiền khoáng hậu”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ là một hiện vật có tuổi đời lên tới hàng trăm năm, mỗi đạo sắc phong ngoài giá trị về triều chính, thể chế thì nó còn là một loại hình di vật hàm chứa đầy đủ văn hiến học, văn hóa học cũng như lịch sử học. Dẫu biết giá trị là thế, nhưng cho đến nay, sắc phong hoàn toàn chưa được nhìn nhận và bảo tồn theo cách đúng đắn nhất có thể. Mỗi nơi một kiểu, mỗi phương một cách, mạnh di tích nào di tích ấy bảo quản, thậm chí là cất giấu theo nhiều biện pháp vô cùng… bất ổn.
Sắc phong luôn được đặt ở trên ban thờ, nơi tôn nghiêm nhất trong hậu cung (Ảnh: Trần Quân)

Sắc phong luôn được đặt ở trên ban thờ, nơi tôn nghiêm nhất trong hậu cung (Ảnh: Trần Quân)

Sắc phong dưới góc nhìn mỹ thuật và giá trị lịch sử

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh - Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, dưới góc độ lịch sử, một đạo sắc có nội dung phản ánh về tên làng, xã, tỉnh… nơi có không gian thờ tự gắn với tên vị thần được thờ, niên hiệu đời vua cùng ngày, tháng, năm ban cấp sắc phong cho làng, xã, tổng huyện và vị thần được thờ đó.

Dưới góc độ khoa học, hệ thống lớp lang các đạo sắc từ nội dung đến hình thức sẽ góp phần đưa ra những nhận xét mang tính khoa học như: Việc ban cấp sắc phong cho những vị thần thường vào dịp nào? Mỹ tự được phong ban là gì? Bậc thần nào thì sẽ tương ứng với hình thức của đạo sắc như thế nào?...

Dưới góc độ nghệ thuật, mỹ thuật, mỗi đạo sắc không chỉ dừng lại là một văn bản mang tính pháp lý mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa cũng như giá trị thẩm mỹ sâu sắc. Nếu nội dung sắc phong cùng cách bố cục tạo nên một bức thư pháp hoàn chỉnh, thì đồ án hoa văn tạo thành nền trên mỗi đạo sắc là một bức đồ họa mang đến những cảm nhận thị giác về màu sắc, đường nét, hình khối, mà đề tài của đồ án hoa văn luôn hàm chứa, biểu đạt một ý nghĩa dường như nhất quán - đó là hình rồng trên đạo sắc tượng trưng cho nhà vua. Hình rồng chuyển động từ đầu sắc về đến cuối sắc (theo hướng nhìn của người đọc là từ phải qua trái), đầu ngoái lại “nhả ngọc phun châu” chính là các hàng chữ tạo nên nội dung sắc phong.

Bên cạnh đó, những hoa văn mây, chấm tròn phủ nhũ màu bạc giúp rồng ẩn hiện tạo nên lớp lang, chiều sâu cho bức tranh đồ họa. Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh phân tích, cách thức, kỹ thuật tạo nên những bản phôi sắc có phần tương đồng với kỹ thuật in, vẽ tranh Hàng Trống - đấy là in nét lấy hình và tô vờn màu. Nền giấy đạo sắc thường màu vàng, nhưng sắc độ giấy thì đa dạng. Hình rồng với mắt, vảy, cùng các họa tiết mây, đao lửa thường được phủ nhũ màu trắng bạc tạo nên hiệu quả ánh bạc lấp lánh trên nền giấy vàng. Những đồ án cùng hoa văn dù ở mặt trước hay mặt sau luôn mang đến những cảm nhận về không gian cả về bề rộng và chiều sâu. Nếu mặt trước là hình rồng chuyển động trên bầu trời đầy mây và tinh tú thì mặt sau sắc là sự chuyển động của tứ linh theo ngược chiều kim đồng hồ hay hình chữ vạn.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, xét về văn hiến học, sắc phong là loại hình có văn tự, có ngữ nghĩa trong đó và có thể chế văn học. Sắc có quy cách viết theo từng thời vua và từng giai đoạn của vị vua đó. Nghĩa là, nội dung của sắc phong là một thể loại văn học. Ngoài giá trị về thể chế, triều chính ban cho một vị thần ở một địa phương di tích cụ thể thì nó là một loại hình di vật chứa đầy đủ văn hiến học, văn hóa học và lịch sử học của lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam. Nó thực sự phải được coi là di sản của dân tộc chứ không phải của riêng cá nhân, làng, xã, huyện nào.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng - chuyên viên chính Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết thêm, trên thị trường mua bán sắc phong, nhiều khi người mua sắc không quan tâm đến nội dung mà quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật - tức là giá trị mỹ thuật và niên đại. Người ta mua bản sắc vì con rồng đẹp, hoa văn lạ chứ thường là không thực sự quan tâm tới sắc này là phong cho ai và ở đâu!

Sắc Huệ Trạch Hoằng Hiệp Đông Hải chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Huệ Trạch Hoằng Hiệp Quảng Nhuận chi thần. Nhưng chuẩn Phú Xuyên huyện, Tri Chỉ xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai! Triệu Trị lục niên thập nhị nguyệt nhị thập lục nhật (Dịch nghĩa: Sắc cho Huệ Trạch Hoằng Hiệp Đông Hải chi thần, giữ nước che chở cho dân, lâu nay tỏ rõ linh ứng. Nay Trẫm cả nhận mệnh trời, nhớ tới phúc thần, nên gia tặng là Huệ Trạch Hoằng Hiệp Quảng Nhuận chi thần. Vẫn cho xã Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên thờ phụng như cũ. Thần hãy phù hộ, che chở cho dân ta. Kính đấy! Ngày 26 tháng 12 năm Triệu Trị thứ 6 (1846) (Ảnh: Trần Quân)

Sắc Huệ Trạch Hoằng Hiệp Đông Hải chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Huệ Trạch Hoằng Hiệp Quảng Nhuận chi thần. Nhưng chuẩn Phú Xuyên huyện, Tri Chỉ xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai! Triệu Trị lục niên thập nhị nguyệt nhị thập lục nhật (Dịch nghĩa: Sắc cho Huệ Trạch Hoằng Hiệp Đông Hải chi thần, giữ nước che chở cho dân, lâu nay tỏ rõ linh ứng. Nay Trẫm cả nhận mệnh trời, nhớ tới phúc thần, nên gia tặng là Huệ Trạch Hoằng Hiệp Quảng Nhuận chi thần. Vẫn cho xã Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên thờ phụng như cũ. Thần hãy phù hộ, che chở cho dân ta. Kính đấy! Ngày 26 tháng 12 năm Triệu Trị thứ 6 (1846)

(Ảnh: Trần Quân)

Sắc phong bị trộm cắp khủng khiếp nhất là sau đổi mới

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - PGS.TS Phạm Lan Oanh cho biết, gần 30 năm trước, khi bà mới tốt nghiệp đại học, đi làm, từ những buổi đầu đã có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại sắc phong trong di tích. Có những địa phương, sắc phong được để trong đền, trong đình hay nghè nhưng thông thường nhất vẫn là cất giữ ở hậu cung trong đình. Với quan niệm “kính thần như thần tại” thì sắc phong thực sự là hiện vật thiêng liêng. Chính vì thế, không phải người nào trong làng cũng được xem sắc phong, không phải ai cũng biết đình làng quê mình chính xác có bao nhiêu đạo sắc phong, nếu có biết thì cũng không hay sắc phong ấy ở thời nào, được vị vua nào ban, ban cho ai… Thường là chỉ có vài người có trách nhiệm trong việc thờ cúng ở di tích mới được “tận mục sở thị” sắc phong, bởi lẽ, bất cứ hiện vật nào liên quan đến thần thánh, đến sự linh thiêng nơi thờ tự đều được xếp vào diện “kỵ húy” hay “hèm”.

Thời điểm sắc phong bị trộm cắp khủng khiếp nhất là sau đổi mới, khoảng những năm 1990 thế kỷ trước trở đi. Khi đó, đời sống người dân bắt đầu khấm khá hơn. Chiến tranh đã lùi xa, kinh tế đất nước bắt đầu phục hồi trở lại. Các lễ hội sau bao năm chiến tranh, nghèo khó, bao cấp “thắt lưng buộc bụng” thì nay bỗng được “bung ra”, phục hồi theo cấp số nhân. Mặt trái của cuộc sống kinh tế thị trường lúc này là niềm tin tâm linh suy giảm ở một bộ phận người dân, thôi thì của thánh của thần nhưng mà thiếu cảnh giác, cửa giả mở toang, trông coi di tích toàn người già cả, mắt mờ chân chậm, thế là… “vô tư đi”. Có nơi, lợi dụng đêm tối hay giữa trưa vắng vẻ, tiện đường sá thì có khi đánh cả xe tải vào cửa đình, sân chùa hay đền phủ mà khuân đồ lên xe… rồi chạy.

Đình Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội

Đình Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội

Muôn phương ngàn cách cất giữ sắc phong

Trước thực trạng đó, để chống chọi với nạn trộm cắp cổ vật “nhanh như chảo chớp” thì rất nhiều người trông coi di tích đã nghĩ ra những cách bảo quản, cất giấu sắc phong nói riêng và di vật quý trong di tích nói chung theo những cách “vô tiền khoáng hậu”.

“Sắc có quy cách viết theo từng thời vua và từng giai đoạn của vị vua đó. Nghĩa là, nội dung của sắc phong là một thể loại văn học. Ngoài giá trị về thể chế, triều chính ban cho một vị thần ở một địa phương di tích cụ thể thì nó là một loại hình di vật chứa đầy đủ văn hiến học, văn hóa học và lịch sử học của lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam. Nó thực sự phải được coi là di sản của dân tộc chứ không phải của riêng cá nhân, làng, xã, huyện nào”.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

“Với quan niệm “kính thần như thần tại” thì sắc phong thực sự là hiện vật thiêng liêng. Chính vì thế, không phải người nào trong làng cũng được xem sắc phong, không phải ai cũng biết đình làng quê mình chính xác có bao nhiêu đạo sắc phong, nếu có biết thì cũng không hay sắc phong ấy ở thời nào, được vị vua nào ban, ban cho ai… Thường là chỉ có vài người có trách nhiệm trong việc thờ cúng ở di tích mới được “tận mục sở thị” sắc phong, bởi lẽ, bất cứ hiện vật nào liên quan đến thần thánh, đến sự linh thiêng nơi thờ tự đều được xếp vào diện “kỵ húy” hay “hèm”.

PGS.TS Phạm Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam)

“Trong quá trình nghiên cứu về sắc phong, tôi từng có lần tận mắt chứng kiến 22 đạo sắc của một làng được bọc mấy lượt ni lông cất đi. Đến lúc mở ra thì cả 22 đạo sắc đều rơi ra từng mảnh vì ni lông hấp hơi nước. Tất nhiên, chuyện vô tình để mất hay hỏng sắc phong là việc ngoài ý muốn, nhưng đối với những người già, lại là những người có tâm huyết với việc làng, việc thánh… thì “cú sốc” đó thực sự là nỗi buồn đeo đẳng các cụ cho đến tận cuối đời”.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

“Hiện nay, dù dòng họ Lại ở Nghĩa Đô không còn tiếp nối làm giấy sắc nữa, nhưng vẫn có một vài gia đình đang gìn giữ nghề thủ công làm giấy dó truyền thống nhiều đời của tổ tiên. Đó là những người thợ thủ công làng giấy Đông Cao, Võ Cường, Bắc Ninh, làng nghề này đã có thể tạo ra một tờ giấy dó bóc 2-3-4 có độ mịn và thấm màu, khâu giải quyết chất liệu được kiểm chứng từ khi lọc, ngâm vỏ, nấu chín, giã bột, ủ keo pha chế, xeo phơi…”.

Chuyên gia Lê Hồng Vệ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo quản tu sửa tác phẩm mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

“Trên thị trường mua bán sắc phong, nhiều khi người mua sắc không quan tâm đến nội dung mà quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật - tức là giá trị mỹ thuật và niên đại. Người ta mua bản sắc vì con rồng đẹp, hoa văn lạ chứ thường là không thực sự quan tâm tới sắc này là phong cho ai và ở đâu!”.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng (Chuyên viên chính Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch)

Thường thì, các đạo sắc phong được cuộn tròn, để trong một hộp hình trụ rỗng bằng gỗ hoặc tre, thường gọi đó là ống quyển. Ống quyển này được để trong một chiếc hộp dài, sơn son thếp vàng gọi là hộp sắc phong. Cả ống quyển hay hộp sắc phong, nếu còn giữ được (nhiều nơi chỉ giữ được sắc phong còn hộp sắc và ống quyển mất vì đó cũng chính là đồ cổ, được giới sưu tầm cổ vật săn lùng) thì tiếp tục được đặt trong một chiếc hòm sắt hoặc két sắt (sản phẩm của thời đại mới). Hòm sắt, két sắt này được khóa lại, cất trong hậu cung, phân công nhiệm vụ cho hai ba người, người này giữ khóa, người kia nhớ mã...

Vì là “kỵ húy” với “hèm” nên có nhiều nơi, trong quá trình cất giữ, người trông coi di tích sợ không dám mở hộp sắc ra xem bên trong sắc phong còn hay mất, tình trạng thế nào, có ẩm mốc, hưu hại gì không. Cứ thế mà cất đi thôi. Ngày này qua tháng khác, có nơi cất liền cả chục năm. Bỗng một ngày mở ra thì hỡi ôi, bao năm cất giữ cái hộp không, sắc phong đã không cánh mà bay từ đời nào rồi, hoặc cũng có khi là các đạo sắc mủn ra vì ẩm mốc. “Kỵ húy” quá, “hèm” quá lại thành… bất ổn.

Cách thứ hai được nhiều nơi bảo quản một cách đơn giản nhất, đó là bọc ni long… cho sắc phong; hoặc cuộn tròn sắc phong lại nhét vào bên trong ống nhựa PVC; hoặc là treo sắc phong lên trên thượng lương của di tích; hoặc là sắm cái két thật to, thật nặng, cho sắc phong vào, khóa mã đầy đủ rồi khệ nệ bê vào trong hậu cung cất sắc phong… Cẩn thận hơn nữa là đem sắc phong về nhà thủ từ cất, hoặc mang ra két sắt đến Đảng ủy xã cất nhờ. Thực ra, muôn phương ngàn cách thì phương án nào cũng bấp bênh và vô cùng may rủi cả thôi! Chưa kể, việc mang sắc phong đi gửi hoàn toàn không đúng với truyền thống, mất đi giá trị và tính thiêng vì sắc phong phải luôn được đặt ở trên ban thờ, nơi tôn nghiêm nhất trong hậu cung. Chuyện cất giữ sắc phong có muôn vàn kế sách nhưng để đâu cũng “vướng”, mang lại hậu thì sớm muộn gì cũng… mất (!).

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh kể lại, trong quá trình nghiên cứu về sắc phong, anh từng có lần tận mắt chứng kiến 22 đạo sắc của một làng được bọc mấy lượt ni lông cất đi. Đến lúc mở ra thì cả 22 đạo sắc đều rơi ra từng mảnh vì ni lông hấp hơi nước. Thời khắc đó, cụ từ đình nhìn thấy những đạo sắc do chính mình cất giữ cẩn thận đến vậy mà vẫn hỏng đến mức vô phương cứu chữa thì “sốc” đến mức tăng huyết áp. Tất nhiên, chuyện vô tình để mất hay hỏng sắc phong là việc ngoài ý muốn, nhưng đối với những người già, lại là những người có tâm huyết với việc làng, việc thánh… thì “cú sốc” đó thực sự là nỗi buồn đeo đẳng các cụ cho đến tận cuối đời.

Cũng đã từng có nhiều tranh luận, trong lúc chưa tìm được các giải pháp đảm bảo an toàn cho sắc phong, nên chăng các làng cắt cử đại diện, mang sắc phong ra bảo tàng, trung tâm lưu trữ quốc gia để gửi. Ở đó, vừa đảm bảo an toàn lại vừa áp dụng những phương pháp bảo quản hiện đại nhất. Tuy nhiên, ý kiến này không được cộng đồng chấp nhận với suy nghĩ theo dân gian là “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Di vật được ví là “trái tim”, là “linh hồn” của di tích mà mang đi gửi thì còn chuyện gì để nói (?!).

Sắc phong thuộc Di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) (Ảnh: Trần Quân)

Sắc phong thuộc Di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) (Ảnh: Trần Quân)

Bàn chuyện sắc phong thì phải kể việc làm giấy sắc

Hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội đã đưa tri thức làm giấy sắc phong của gia đình dòng họ Lại ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội ở hạng mục tri thức dân gian. Tương truyền, nghề làm giấy sắc phong ở làng Nghè (nay là Tổ dân phố số 13, 14, 15, 16 phường Nghĩa Đô) có từ thời vua Lê - chúa Trịnh do gia đình ông Diệm Châu quận công truyền lại. Hiện nay, chỉ có ông Lại Phú Thạch còn nắm giữ được cách làm nhưng không thực hành. Tri thức làm giấy sắc phong thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ.

Nghệ nhân cuối cùng của nghề làm giấy sắc là cụ Lại Phú Bàn, đời thứ 20 theo nghề làm giấy sắc nhưng nay cụ đã mất. Lần cuối cùng cụ Bàn làm giấy sắc là năm 1944, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 19. Dưới thời phong kiến, dòng họ Lại làm giấy sắc theo sự đặt hàng của Triều đình. Giấy sắc là loại đã được vua, chúa thẩm định kỹ lưỡng và đều thuộc loại quý hiếm. Giấy sắc không chỉ óng mịn như lụa mà còn bền dai như tơ, rất “cắn mực” khi viết, vẽ... Có những sắc phong trải qua gần 400 năm mà nét chữ, màu sắc, họa tiết vẫn tươi nguyên như thuở ban đầu; trong khi loại giấy tốt nhất hiện nay cũng chỉ “thọ” được 50 năm là cùng, dễ bị hỏng nát do mối mọt xông, hoặc bị ố nhòe, bay mực.

Xưa kia giấy sắc là “Quốc bảo”, nếu để thất thoát ra ngoài tờ nào thì “phạm thượng”. Chính vì vậy mà cho đến nay họ Lại không lưu được bộ giấy sắc các triều đại. Nay muốn tìm hiểu diện mạo sắc phong các triều đại phải khổ công đến các đình, đền, miếu hoặc các dòng họ “thế gia lệnh tộc” may chăng còn giữ được một số mẫu. Sắc có nhiều loại: nhất gấm, nhất cáo sắc và nhị cáo sắc. Mỗi loại có kích thước và đường nét hoa văn trang trí khác nhau.

Theo một công trình nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Thị Trung được giới thiệu trên website của Bảo tàng Hà Nội, thì nghề làm giấy dó đã công phu, nghề làm giấy sắc còn công phu gấp bội. Muốn có được một tờ giấy sắc phải qua một số công đoạn phức tạp. Chọn dó làm giấy sắc phải chọn loại tốt, nuột, chất lượng cao. Giấy dùng để phong cho hàng nhất phẩm phải có 5 thợ cùng làm một lúc mới xeo nổi một tờ. Giấy dùng để phong sắc cho hàng phẩm trật thấp hơn (từ nhị phẩm xuống đến cửu phẩm) cũng phải ba người xeo một tờ. Khi xeo xong cần phải dùng que dò để cuốn thuận tiện cho việc bóc dời từng tờ giấy ra. Khi xeo xong phải dùng que dò để cuốn, khi can cũng phải có 2 người, phải dùng thép can chát bóng bôi lên tường mới dính được giấy để phơi. Giấy khô, dùng da trâu bò nấu kỹ (nung keo) gọi là nước keo, nước keo phải có phèn chua, dùng thép bồi giấy, thép lên hai mặt, mỗi mặt hai lần.

Sau khi giấy khô thì bắt đầu nhuộm màu bằng nước hoa hòe. Nhuộm sắc phải có hai màu chính là màu da thị và da đồng, nhưng muốn có màu da đồng thì nước trưng hoa hòe phải có thêm hồng đơn, một chút bột điệp. Mỗi mặt thép hai lần nước màu. Nhuộm xong đến công đoạn nghè, nền nghè là một phiến đá lớn có mặt phẳng nhẵn bóng. Đặt giấy lên hai người dùng chày đập đều đặn lên lần lượt khắp mặt giấy, lúc đầu giấy xốp, tiếng chày nghe bình bịch, đập đến khi nghe tiếng chày đanh là được, mặt giấy rất mịn và bền chắc. Sau đó dùng bản in khắc gỗ để in bo viền xung quanh và các chữ triện.

Nam giới chuyên vẽ, phụ nữ chuyên xeo giấy. Vẽ có 2 loại: Vẽ chạy và vẽ đồ. Vẽ chạy nét cần người khéo tay và vẽ đẹp, vẽ đồ chỉ là vẽ để bổ sung và hoàn thiện. Hoa văn trang trí tờ sắc bằng kim nhũ có 2 màu vàng hoặc bạc. Dùng quỳ vàng bạc thật, thấp hơn thì dùng quỳ đồng và quỳ thiếc. Hình rồng uốn lượn trong vân mây có ánh vàng hoặc ánh bạc lấp lánh trên nền da thị, da đồng rất đẹp. Những tờ sắc xưa còn lại cho đến ngày nay đã vài thế kỷ giấy vẫn bền chắc, nét vẽ và chữ viết vẫn mềm mại sắc nét, chỉ có viền sắc phong và màu là chứa đậm nét thời gian, càng tăng thêm vẻ trang trọng và linh thiêng.

Các công đoạn để làm giấy sắc được giữ bí mật và chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái. Từ khâu chọn dó, nấu dó, nghiền lọc thành bột đến khâu xeo giấy, ép giấy và vẽ đều đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm. Cũng do công phu chế tác mà giấy sắc giá rất cao. Từ năm 1945 đến nay nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Đô không còn nữa!

Thế nhưng, theo ông Lê Hồng Vệ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo quản tu sửa tác phẩm mỹ thuật - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì hiện nay, dù dòng họ Lại ở Nghĩa Đô không còn tiếp nối làm giấy sắc nữa, nhưng vẫn có một vài gia đình đang gìn giữ nghề thủ công làm giấy dó truyền thống nhiều đời của tổ tiên. Đó là những người thợ thủ công làng giấy Đông Cao, Võ Cường, Bắc Ninh, làng nghề này đã có thể tạo ra một tờ giấy dó bóc 2-3-4 có độ mịn và thấm màu, khâu giải quyết chất liệu được kiểm chứng từ khi lọc, ngâm vỏ, nấu chín, giã bột, ủ keo pha chế, xeo phơi… Còn lại, màu sắc hoa văn và xử lý độ loang hay thẩm thấu thì phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh - Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Để mất, hỏng sắc phong, chúng ta nên trách chúng ta!

Đạo sắc phong có niên đại 1497 (Dẫn theo Nguyễn Doãn Minh trong bài “Ba đạo sắc phong niên hiệu Hồng Đức”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 427, năm 2020)

Đạo sắc phong có niên đại 1497 (Dẫn theo Nguyễn Doãn Minh trong bài “Ba đạo sắc phong niên hiệu Hồng Đức”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 427, năm 2020)

Hư hỏng, mục nát sắc phong là do bảo quản chưa đúng cách

- Phóng viên: Đã từng nghiên cứu nhiều năm về sắc phong,vậy anh có thể khái quát thực trạng đang diễn ra đối với công tác bảo tồn sắc phong trong giai đoạn hiện nay?

- Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Sắc phong là văn bản mang tính pháp lý do Triều đình ban phong cho nhiều đối tượng trong xã hội, trong đó có hệ thống sắc ban phong cho các đức, thánh thần được lưu giữ trong không gian thiêng của các làng, xã như: đình, đền, miếu, chùa, am, phủ, lăng tẩm… Và cơ bản những văn bản này đều có chất liệu từ giấy dó. Về mặt logic, ai cũng nghĩ đó là loại chất liệu dễ hư hỏng, mục nát , nhất là khi gặp ẩm mốc. Tuy nhiên, cho đến nay những bản sắc phong bằng giấy dó có niên đại từ thế kỷ XV vẫn tồn tại. Đã hơn 600 năm trôi qua với sự tác động khắc nghiệt của cả yếu tố khách quan và chủ quan, sự tồn tại của những văn bản sắc phong đó chứng minh độ bền của giấy dó không hề thấp,dẫu rằng tính nguyên vẹn không còn.Thời gian gần đây, việc mất sắc phong, thất lạc sắc phong trong các di tích đền, miếu, lăng tẩm, đình, đền, nhà thờ họ, thậm chí chùa chiền được thông tin rộng rãi. Thực trạng hoàn toàn có thật. Vì sao? Tôi đã nhiều lần trả lời phỏng vấn, đề cập một cách thẳng thắn, trực diện về vấn đề mất mát, hư hỏng sắc phong.

Thứ nhất, vấn đề mất sắc phong, thường do đối tượng trộm cắp. Những đối tượng này thì không từ thủ đoạn nào, mục đích cuối cùng là quy đổi ra được tiền là sẵn sàng trộm. Chưa kể đến việc đối tượng trộm cắp hiểu biết địa bàn, manh động, tinh vi, có đầu mối buôn bán, trao đổi cổ vật. Người bảo quản trông coi di tích thường cao tuổi, và cũng chỉ có một mình. Dù di tích có kiên cố đến đâu thì suy cho cùng sự an toàn của di vật, cổ vật đều do con người, máy mọc chỉ là công cụ hỗ trợ giúp con người xử lý tình huống tốt hơn, không có thiết bị nào giữ được sự an toàn tuyệt đối. Chuyện mất cắp sẽ trở thành đương nhiên, khi trong xã hội luôn tồn tại hai yếu tố biện chứng có cầu ắt có cung và ngược lại.

Đình Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội (Ảnh: Trần Quân)

Đình Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội (Ảnh: Trần Quân)

Thứ hai, về vấn đề hư hỏng, mục nát sắc phong, hầu hết là do nhận thức về bảo quản chưa đúng cách. Một số nơi có ý thức, bảo quản trong két, lưu giữ tại gia đình, người cầm khóa, người nhớ mã. Tuy nhiên, đó đơn thuần là chuyện bảo quản về mặt cơ học, không hề có “trị liệu” về tính chất của sắc phong. Cất giữ trong két không phải là giải pháp an toàn nhất. Ngày xưa, các cụ chỉ đơn giản bảo quản trong ống quyển bằng tre, nứa, đặt trong hòm gỗ mà vẫn tồn tại đến ngày nay. Điều này cho thấy các ống quyển bằng tre, nứa đấy được xử lý chống mối mọt rất tốt. Bên cạnh đó, vào mùa hanh khô, sắc phong vẫn được các cụ mang hong khô, nhưng không trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Và cũng vào dịp sinh hay hóa của các vị thánh, thần cũng là dịp lễ hội của làng, những bản sắc phong lại được đưa ra kiểm tra, dâng đọc nội dung. Nhân đó, sắc phong cũng được kiểm tra định kỳ. Ngày nay, đa phần sắc phong được cất giữ nghiêm cẩn, không được động đến. Có nhiều lý do trong đó, có việc không biết chữ Hán, để đọc trực tiếp nội dung sắc phong, vô tình làm cho sắc phong dần trở thành vật báu, vật kỷ niệm. Tôi biết có trường hợp các cụ cụ bọc sắc phong trong áo mưa. Tính chất áo mưa kín, khi thời tiết nóng lên, áo mưa hấp thụ hơi nước, sau một thời gian mấy chục đạo sắc phong mủn nát hết. Thật là đáng tiếc, đau xót vô cùng! Cũng có trường hợp bảo quản bằng cách cho vào ống nhựa PVC bịt kín hai đầu mà không biết rằng đó cũng là vật liệu có đặc tính hấp hơi nước như túi ni lông ở trên, nhiều trường hợp thì đi ép plastic cả bản sắc phong… Những cách bảo quản không đúng trên đều vô tình hủy hoại sắc phong.

Sắc phong thường được cất giữ trong két sắt có khóa mã

Sắc phong thường được cất giữ trong két sắt có khóa mã

Bản thân tôi khi đi tư vấn cho các cụ về cách bảo quản sắc phong đều lưu ý rất kỹ là không được bọc trong áo mưa, không được cho vào ống nước nhựa (nếu có phải định kỳ kiểm tra và có hạt chống ẩm, và không cho sắc không tiếp xúc trực tiếp với lớp nhựa hấp hơi), sau mùa mưa nồm đầu xuân cần kiểm tra nấm mốc, đến mùa hanh phải hong ra, tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng. Còn đề xuất đưa sắc phong vào bảo tàng để gìn giữ, bảo quản là vạn bất đắc dĩ, bởi tính thiêng lẫn giá trị tâm linh bị giảm sút, vì đó là bằng sắc gắn liền với một không gian thiêng cụ thể. Khi vào các di tích, thấy chữ Hán đề trên hoành, biển, câu đối... cùng các mảng chạm trổ mang tính điển lễ đã thấy di tích có hồn và thiêng rồi. Huống chi trên những bản sắc phong ngoài chữ nó còn có yếu tố hình họa, màu sắc mang tính quan phương tượng trưng cho Triều đình, cho nhà vua (hình rồng 5 móng)… nó càng làm tăng giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là tính thiêng cho không gian di tích.

- Như anh phân tích, mất cắp và hư hỏng sắc phong - hai thực trạng đang tồn tại, và nghe qua thấy cả sự “bất lực” mà nguyên do chính xuất phát từ yếu tố con người?

- Đã đề cập đến thực trạng thì phải “mổ xẻ” cho đến cùng, nói cho bằng hết. Về trường hợp mất cắp là do nhận thức bảo quản không đúng dẫn đến đã mất cắp là mất hẳn. Thời gian gần đây báo chí, truyền thông “nóng lên” việc sắc phong được đem đấu giá trên thị trường đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Chắc chắn những sắc phong được đem đấu giá là đồ trộm cắp. Vậy sắc phong mất cắp thì bán đi đâu? Phải có thị trường tiêu thụ thì mới bán được chứ! Từ đó dẫn đến thực trạng tất cả những gì có trong di tích đều có thể bị trộm cắp.

Chưa “thổi hồn”, “truyền lửa” được vào câu chuyện bảo tồn sắc phong

- Vậy chúng ta phải nhận thức rõ việc bảo quản vật chất và bảo quản tinh thần sắc phong như thế nào cho đúng?Câu chuyện phải hiểu sắc phong có giá trị gì?

- Tôi hiện đang có nguồn tư liệu ảnh chụp sắc phong có dung lượng khá lớn, lên đến hàng vạn ảnh. Một phần trực tiếp do tôi đi chụp, một phần do bạn bè yêu quý chia sẻ. Đa phần trong số đó là ảnh chụp những bản sắc gốc, số ít là những bản sắc sao… Tôi cho rằng, muốn bảo vệ được những giá trị tinh thần của sắc phong thì phải ưu tiên bảo vệ những giá trị vật chất trước. Nhưng bản sắc mà ta sờ, cầm, nắm được thì những giá trị văn hóa, tinh thần của sắc mới có chỗ nương vào để tồn tại. Tinh thần là “phần hồn”, là nội dung câu chữ, đường nét và hình họa lưu trên mỗi đạo sắc. Bởi bản thân mỗi đạo sắc phong là một tác phẩm mỹ thuật đẹp với sắc vàng, nhũ bạc kết hợp với các thể chữ trở thành một bức tranh thư pháp tuyệt mỹ. Người viết chữ phải được chọn lựa kỹ, theo với quy định của xã hội đương thời. Đương nhiên, dùng chữ Hán trong bối cảnh xã hội phong kiến thì có phần dễ chọn lựa được nhiều người viết chữ đẹp hơn. Trước khi văn bản được viết, phôi sắc đã được hoàn thiện theo một quy trình nghiêm cẩn và hết sức cầu kỳ. Bản thân phôi sắc khi chưa có chữ đã là một bức tranh rất đẹp, với mặt trước - chính là hình rồng,có thêm nhiều loại hoa văn họa tiết phân định khác như là mây như ý, hình hồi văn, quy bối, thủy ba, văn gấm…; đường diềm vẽ hình hoa chanh, văn gấm quy bối…; với mặt sau - phụ là hình tứ linh, nhị linh, hình bầu rượu, quạt tiêu… Mỗi thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn… hình rồng sẽ có một dáng vẻ khác nhau.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu với phóng viên các đạo sắc phong đang lưu giữ (Ảnh: Trần Quân)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu với phóng viên các đạo sắc phong đang lưu giữ (Ảnh: Trần Quân)

Khi bảo tồn được vật chất sẽ gìn giữ được hoa văn trên sắc phong. Ở một giác độ khác, khi bảo tồn, tôn tạo di tích trong bối cảnh hiện nay, thì việc đi tìm những họa tiết hoa văn, đồ án hình họa, không phải tìm đâu xa, tìm ngay hoa văn trên những đạo sắc phong mà di tích lưu giữ, hoặc có thể tham khảo ở những di tích khác có để trang trí cho công trình. Làm được như vậy đã rất thành công, bởi hoa văn trên những đạo sắc phong nó đã hàm chứa những giá trị mang tính truyền thống cũng như chuẩn mực về mặt thẩm mỹ nên chúng đủ sức “thổi hồn” vào cho di tích.

Nghiên cứu một cách kỹ lưỡng sẽ thấy, với các đạo sắc thời Nguyễn, nếu là người không đọc được nội dung văn bản, thì chỉ cần nhìn vào mặt sau của đạo sắc thời Nguyễn sẽ thấy sắc được vẽ như thế nào về sự phân hạng Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần, mỹ tự trên sắc được ban cho bậc thần nào. Trong văn bản quy định 3 mức Thượng, Trung và Hạ nhưng trên sắc phong, tôi chưa gặp dùng chữ “Hạ đẳng thần” mà chỉ gặp chữ Chi thần, Tôn thần, tức là thần được liệt vào diện được tôn thờ.

- Vậy phương pháp, giải pháp bảo tồn sắc phong thế nào trước tiên cho đúng, sau là khoa học, bài bản?

- Trước tiên, muốn bảo tồn hay phát huy giá trị của sắc phong nói riêng, thì phải đánh giá đúng những giá trị của sắc phong. Nói nôm na là phải biết sắc phong có những giá trị gì, lịch sử, văn hóa hay thẩm mỹ… Từđó mới có giải pháp bảo tồn đúng cách. Chứ không thể cứ hô hào bảo tồn bằng được, bảo tồn thế này, gìn giữ thế kia, vận dụng luật này, biện pháp kia một cách dễ dàng được. Thực tế, chúng ta chưa “thổi hồn”, “truyền lửa” được vào câu chuyện gìn giữ, bảo tồn sắc phong nói riêng được bao nhiêu. Phần lớn những sự việc liên quan đến sắc phong bị hư hỏng, đều do người không phải làm trong công tác bảo tồn phát hiện ra. Các cơ quan chuyên môn, chức năng khi biết được thì phần lớn là việc đã rồi. Tức là số phận của những đạo sắc nói riêng, các cổ vật nói chung đã được cấp “hộ chiếu” mới, ngoài sự điều chỉnh của luật pháp của Việt Nam.Vì vậy, giải pháp bảo tồn sắc phong đầu tiên chính là các cơ quan quản lý Nhà nước kết hợp với cán bộ có chuyên môn về sắc phong, về bảo quản sắc phong có những buổi tập huấn chung nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của những đạo sắc phong, cũng như nhận thức về cách thức bảo quản gìn giữ sắc phong được tốt nhất.

Vật chất mất đi rồi thì bảo tồn cái gì, bảo tồn thế nào(?!)

- Theo anh, chuyện bảo tồn bằng được đã thực sự cấp thiết vào thời điểm này chưa vậy?

- Khi thấy mất cắp, hư hỏng rất nhiều thì cơ quan quản lý “nhảy vào” yêu cầu bảo tồn bằng được. Đúng! Đó là bảo tồn vật chất, nhưng nếu giả sử, quay lại việc tôi đã đề cập ở trên, vật chất mất đi rồi thì chúng ta bảo tồn cái gì, bảo tồn thế nào (?!). Để ngăn chặn nó không thể xảy ra, trong thời đại công nghệ số, buộc chúng ta phải số hóa. Sau khi số hóa xong thì làm gì tiếp theo? Quay trở lại nhận thức đầy đủ về chất liệu giấy trên sắc phong để có cách bảo quản chuyên nghiệp - việc này không ai giỏi hơn cơ quan chuyên môn như các trung tâm bảo quản, bảo tàng, trung tâm lưu trữ quốc gia; nhưng có điều không phải tất cả di vật trong di tích đều được đưa về các địa chỉ nêu trên. Từ đó dẫn đến việc phải trang bị kiến thức cơ bản tối thiểu cho địa phương, cơ quan quản lý trực tiếp, phòng văn hóa, ban quản lý di tích, Sở Văn hóa theo ngành dọc. Khi có kiến thức, hiểu giá trị sẽ “bắt đúng bệnh” và bảo quản tốt, lưu giữ đúng cách về mặt vật chất.

- Nếu không có thay đổi từ nhận thức đến hành vi thì bao lâu sắc phong sẽ mai một?

- Tôi cho rằng không có gì là vĩnh viễn, nhưng để kéo dài tuổi thọ cho các đạo sắc phong sẽ có những giải pháp hiệu quả về bảo quản và trị liệu. Điều này liên quan đến kinh phí. Và như vậy thì các cơ sở - nơi các không gian thờ tự không dễ gì có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Do đó, đòi hỏi sự đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chắc mới giải quyết được. Tuy nhiên, kinh phí cho việc bảo tồn, số hóa thì không dễ. Sắc phong có phải là thứ thiết thực để ưu tiên hay không? Trách nhiệm và nghĩa vụ thuộc về ai?... Đối với những người có hiểu biết và yêu di sản văn hóa của cha ông chắc sẽ có câu trả lời dễ dàng.

- Theo anh, sự việc sắc phong có nguồn gốc Việt Nam xuất hiện trên sàn đấu giá nước ngoài đã nghiêm trọng chưa?

- Thực ra, sắc phong chỉ là một trong nhiều cổ vật, bởi nó có chữ viết, bởi nó có cái “duy danh” tên làng, xã cụ thể thì mới có bằng chứng để chúng ta nói ở đây, chứ cổ vật Việt Nam mất quá nhiều rồi! Những cổ vật không có chữ, không có “duy danh” được giao bán công khai trên nhiều trang mạng quốc tế, chỉ dùng một vài thao tác đơn giản là có thể có cả vạn hình ảnh liên quan. Nói thực trạng đáng buồn để thấy cổ vật của chúng ta “chảy máu” quá nhiều! Đấu giá sắc phong là việc chúng ta thấy gần đây, nó diễn ra ngang nhiên, công khai, thách thức. Trước tiên chúng ta phải tự xem lại công tác quản lý của mình, để thấy còn nhiều lỗ hổng. Những văn bản luật liên quan đến di sản được xây dựng rất bài bản và chặt chẽ, nhưng để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Trở lại câu chuyện về sắc phong, tôi được biết, đến giờ vẫn chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện để đánh giá về giá trị của sắc phong, như vậy để thấy, chưa thể nhận thức đầy đủ về sắc phong. Và, như vậy câu chuyện về bảo tồn, phát huy, giá trị của những đạo sắc phong hàm chứa vẫn là do nhận thức của con người, trong đó có cả chúng ta!

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh về cuộc trao đổi này!

(Còn nữa)

Cổ vật “chảy máu” quá nhiều!

Giấy sắc là loại đã được vua, chúa thẩm định kỹ lưỡng và đều thuộc loại quý hiếm

Giấy sắc là loại đã được vua, chúa thẩm định kỹ lưỡng và đều thuộc loại quý hiếm

“Nói thực trạng đáng buồn để thấy cổ vật của chúng ta “chảy máu” quá nhiều! Đấu giá sắc phong là việc chúng ta thấy gần đây, nó diễn ra ngang nhiên, công khai, thách thức. Trước tiên chúng ta phải tự xem lại công tác quản lý của mình, để thấy còn nhiều lỗ hổng. Những văn bản luật liên quan đến di sản được xây dựng rất bài bản và chặt chẽ, nhưng để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống vẫn còn một khoảng cách khá xa”.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)