Hàng rong phố thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng rong là văn hóa của người Kẻ Chợ. Hàng rong có từ xa xưa. Cũng không biết từ bao giờ, nhưng ngay từ những năm Pháp thuộc, hàng rong đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cư dân 36 phố phường. Cho đến khi hòa bình lập lại năm 1954, Chính phủ tiếp quản Thủ đô, hàng rong bỗng vắng hẳn do nhiều lý do thời cuộc.
Hàng rong ngày nay

Hàng rong ngày nay

Dấu ấn ngày xưa

Những ký ức về hàng rong từ thuở ấu thơ vẫn còn hằn sâu. Khi chuông leng keng tàu điện cùng tiếng rít bánh xe trên đường ray từ xa vọng lại đánh thức tôi dậy thì cũng là lúc tiếng rao hàng quà buổi sáng ập tới “Ai xôi xéo, xôi lạc vừng, bánh mỳ pa tê nào…”, “Ai bánh khúc nóng, bánh cuốn, bánh rán đê…”. Cảnh nhộn nhịp buổi sáng bỗng đâu như một cuốn phim quay chậm. Những gánh hàng rau đầy ắp từ ngoại thành đi vào phố. Các bà, các chị đội trên đầu thúng xôi, bánh khúc, bánh cuốn tất tưởi đi trên hè cùng tiếng rao quen thuộc vọng xa. Cánh cửa một nhà hé mở, đứa nhỏ mang đĩa bát chờ sẵn. Thúng bánh cuốn trên đầu từ từ hạ xuống. Người phụ nữ chân quê mở chiếc mẹt để lộ những lớp bánh trắng ngần, bên cạnh là mấy thanh chả quế vàng ươm. Bàn tay chị bóc những lớp bánh mỏng tang như tờ giấy lên chiếc đĩa, rồi nước mắm, dấm ớt đựng trong chai dốc ra chiếc bát con của cô bé khách hàng. Trên đường lác đác người đi làm ca sáng, vài chiếc xích lô chất đầy hàng đến chợ.

Ngày ấy dân số Hà Nội còn ít, chỉ khoảng hơn 400.000 người, nên hàng bán rong cũng không nhiều, chủ yếu là hàng quà sáng hoặc quà đêm. Đặc biệt vào những đêm mùa đông, tiếng rao hàng quà như những nốt nhạc trầm bổng, da diết của những chú Tàu như: “Lạp xường lồ mai phàn ê…” (xôi lạp xường), “Chê gì chê…” (bánh cuốn nóng), “Cấy chúc à…” (cháo gà), “Xịch tắc ơ…” (mì vằn thắn), “Phá sang húng lừu à…” (lạc rang), “Lốc bểu ê…” (mía hấp), “Bát bảo lường xà ê…” (trà thuốc Bắc), “Phớ…” (phở). Quà đêm ấy chủ yếu phục vụ cánh cô đầu, những bác xe kéo, xích lô và cả những hội tổ tôm, tài bàn thâu đêm suốt sáng.

Năm 1954, Hà Nội vẫn tồn tại một số chợ truyền thống lâu đời nằm ở những vị trí khác nhau. Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội, tập trung nhiều hàng hóa, của ngon vật lạ từ bốn phương đổ về. Đây cũng là khu chợ dành cho những người giàu có, những người có cửa hàng cửa hiệu tập trung ở khu vực 36 phố phường (ngày nay thuộc khu Hoàn Kiếm). Ngoài ra còn chợ Đức Viên (chợ Hôm), ngoại thành có chợ Mơ ở đường Bạch Mai, chợ Bưởi ở Thụy Khuê. Ngoài mấy chợ truyền thống lâu đời thì còn những chợ ở khu đông dân cư như chợ Khâm Thiên nằm trong con hẻm quận Đống Đa, rồi chợ Giám, chợ Hàng Bè hay chợ Ô Đông Mác. Đây là những chợ nhỏ tiện lợi cho người dân mua bán nhu yếu phẩm hàng ngày. Hồi ấy không có chợ “cóc” và cũng không hề có những gánh hàng rong gánh rau, củ, quả bán trên đường phố. Ấy vậy nhưng vẫn có những gia đình mua quen mối hàng nên được giao đến tận nhà các sản phẩm như nước mắm, tương, dầu hỏa, thịt lợn, thịt bò...

\Một gánh tiết canh lòng lợn được bày bán trên đường phố

\Một gánh tiết canh lòng lợn được bày bán trên đường phố

Linh hồn phố cũ

Mẹ tôi cứ vào những ngày đầu tháng là có người mang tương đến tận nhà, chẳng là cha tôi đã quen ăn thứ tương Cự Đà vừa thơm vừa ngọt. Vào những ngày hè, mâm cơm nhà thế nào cũng có chén tương Cự Đà vàng ươm chấm rau muống với bát nước rau sấu dầm. Thi thoảng mẹ tôi lại kho tương với cá quả cùng trám xanh. Do nhiều năm mua tương của một người bán rong mang đến nên tôi còn nhớ nguyên chân dung của người bán. Bà chạc trung tuần, dáng người hiền lành, mặc bộ quần áo nâu ta, đầu đội nón lá, vai gánh đôi thùng gỗ đựng tương. Lại có thêm chiếc duộc tre để đong tương bán sỉ cho khách.

Hàng rong đường phố ngày ấy rất hiếm gặp, trừ những tháng chuyển mình, đổi mùa. Người ta có thể nhìn thấy phố thị đang chuyển mùa dựa trên những thanh âm và mùi thơm phát ra từ những gánh hàng dọc ngang ngõ phố. Như vào tháng 9 Âm lịch thì sẽ văng vẳng tiếng rao “Ai mua rươi… ra mua…”. Ấy là một người phụ nữ gánh hai thúng rươi đi như chạy, một đứa bé theo sau tay cầm chiếc mẹt, vai khoác bị cói bên trong đựng chiếc bát sứ và môi múc rươi. Sở dĩ người bán rươi phải vừa đi vừa chạy là vì con rươi nếu không bán nhanh sẽ bị ươn.

Chợ Đồng Xuân vào dịp giáp Tết năm 1955

Chợ Đồng Xuân vào dịp giáp Tết năm 1955

Rồi khi gió heo may về, những tia nắng hanh trải dài trên phố là lúc gánh hàng cốm xuất hiện. Có một đặc biệt, người bán cốm ngày ấy chỉ đi rong qua các cửa hàng, cửa hiệu 36 phố phường mà không hề cất tiếng rao. Người Hà Nội đã quen với thứ quà quê tinh khiết của những cô gái áo nâu sồng có chiếc đòn gánh một đầu cong vút như sừng trâu - đặc trưng của làng Vòng. Các cô gái làng Vòng bán cốm dọc những con phố, đầu đội nón lá mỏng, áo tứ thân thắt vạt quả củ, chân đi dép lá đa có lỗ xâu quai. Cốm được ủ bằng thứ lá dáy, đặt trong đôi mủng đan bằng nan rất chuốt. Khách hàng là những bà, những cô chủ tiệm đang đợi sẵn từ bao giờ. Cô hàng gói cốm bằng những chiếc lá sen xanh mướt và buộc sợi rơm tươi. Đi sau lưng gánh cốm thế nào cũng là những gánh na chín tới, gánh hồng đỏ au…

Hàng rong Hà Nội mùa nào thức nấy. Những tiếng rao đi cùng gánh hàng rong không chỉ đơn thuần là sự mời gọi. Trong tiếng rao ấy gợi lên một thứ rất đỗi đời thường, bụi bặm và lặng lẽ. Đó không chỉ là gánh hàng phục vụ đời sống, mà là gánh theo bao mưu sinh, trăn trở, gánh cả nỗi niềm mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Gánh phở rong bên hồ Hoàn Kiếm

Gánh phở rong bên hồ Hoàn Kiếm

Mấy chục năm trở lại đây, hàng rong càng lúc càng rộn ràng dù siêu thị Aeon, Big C, Mega Mart đã ê hề ra đấy. Người ta có thể thấy từ sáng tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, trên phố dài, hẻm sâu, hàng rong như một cái chợ di động mang theo đủ loại mặt hàng rau củ, cá thịt, hoa trái. Người trong nhà chỉ cần bước ra khỏi cửa là có thể mua được những thứ mình cần, khỏi phải ra chợ. Rồi chợ cóc tự phát khu phố nào cũng có. Hàng rong và chợ cóc, vì thế có bị đuổi hoài mà vẫn còn nguyên đấy. Cũng bởi dân ta thích thế, ưa thế, cái cách mua hàng nhất cử lưỡng tiện ấy.