Hài hước và cảm động chuyện bố mẹ "tá hỏa" chăm con thi đại học

ANTĐ - Những ngày gần thi, vợ chồng chị Phương bước vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị mọi thứ cho con trai. Giá đỗ, thịt bò là món ăn duy nhất trong bữa cơm ăn kèm với xôi nấu cùng đậu đỏ.

Mùa thi đến. Những nỗi lo kéo về chồng chất nhau. Nỗi lo của các sĩ tử. Nỗi lo của bố mẹ các sĩ tử. Ám ảnh về sự đỗ đại học, các bậc phụ huynh đã làm đủ cách, cho con ăn theo chế độ chuẩn, sống theo chế độ "phải như thế mới đỗ được và kiêng khem đủ thứ. Nhưng hơn hết, đằng sau những kì quái mà bố mẹ bắt con phải làm theo là tình thương bao la cùng những kì vọng của các bố, các mẹ vào các con - những tải sản quý nhất của cuộc đời họ trên nhân gian này...

Chăm con thi đại học theo chế độ "chuẩn"

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa thi là vợ chồng anh Hùng chị Phương lại lo lắng đủ thứ để đưa cậu quý tử lên Hà Nội thi đại học. Mùa thi năm nay đã là năm thứ ba thi đại học của Thắng, quý tử nhà anh chị. 2 năm trước, cậu quý tử thi đại học đều trượt và cả hai lần đều chỉ thiếu 0,5 điểm. Cái sự thiếu quá ít điểm nhưng vẫn trượt ấy của Thắng khiến bố mẹ cậu đứng ngồi không yên. "Thằng Thắng nhà chị thông minh, chăm chỉ. Nó lại là đích tôn của dòng họ nên bằng mọi giá nó phải đỗ đại học. 2 năm trước nhà chị chủ quan, không cúng bái, kiêng cữ gì nên mới bị quở. Năm nay thì khác rồi. Thằng con chị thế nào cũng sẽ đỗ đại học" - Chị Phương vừa kể chuyện vừa nêm thêm đường vào nồi chè đỗ đỏ chị nấu cho cậu quý tử.

Vợ chồng anh chị nhà ở Phú Thọ, lấy nhau tới 8 năm mới sinh được một mụn con. Nhà anh chị thuộc loại khá giả nên cậu con cũng được chiều chuộng và lo lắng đầy đủ mọi thứ. Dòng họ nhà anh Hùng là dòng họ hiếu học, con cháu trong họ đua nhau học hành thế nhưng tới giờ vẫn chưa ai vào được đại học, cao nhất mới chỉ là cao đẳng rồi học liên thông lên đại học. Thế nên điều này làm các cụ bô lão trong họ suy nghĩ lắm. Họ Nguyễn Việt nhà anh Hùng lớn nhất nhì trong làng thế mà lại không có ai đỗ đại học nên khi đi họp làng, các cụ không mạnh mồm phát biểu được.

Vì thế, thằng bé Thắng đương nhiên phải gánh vác mong mỏi của cả dòng họ rằng bằng mọi giá, nhất định Thắng phải đỗ đại học mà phải là đại học danh tiếng chứ mấy thứ đại học lấy điểm chuẩn thấp thì nhất định không được thi vào. Thế nên từ nhỏ, Thẳng đã phải học hành bằng năm, bằng mười bạn bè bình thường. Nhưng việc thi cử đôi khi cũng phải dựa một chút vào yếu tố may mắn. 2 năm liền, Thắng đều bị thiếu điểm. Các cụ bô lão trong họ họp lên họp xuống kiểm điểm vợ chồng anh Hùng chị Phương vì đã tạo điều kiện học tập cho con không tốt và đưa ra nhiệm vụ rằng bằng mọi giá, trưởng tôn của dòng họ Nguyễn Việt nhất định phải đỗ đại học cho dù thi bao nhiêu năm đi chăng nữa.

Sau lần trượt thứ hai của con, anh Hùng và chị Phương lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng không yên. Không muốn làm con cảm thấy nặng nề về những điều các cụ bô lão nói nhưng cũng không thể không thúc ép con học hành, chị Phương lúc nào cũng phải tìm những lời động viên nhẹ nhàng nhất để nói chuyện với con. Trong một năm trời, Thắng chỉ có đúng ba việc để làm: Ăn, ngủ và học. Anh Hùng chị Phương dù không nói ra nhưng anh chị cấm tiệt không cho Thắng chơi bời với bạn bè nào cả.

Hai người đến nhà từng người bạn của con để nhờ "các cháu giúp đỡ, đừng đến rủ thằng Thắng nhà cô đi chơi cho nó còn yên tâm học bài". Những tháng gần thi là giai đoạn nước rút cho việc học của Thắng và việc cúng bái của bố mẹ cậu. Anh Hùng chị Phương đi lễ chùa theo ngày. Số bùa may mắn anh chị xin về cho con nhiều tới mức đựng vừa một chiếc hộp nhỏ. Khi đưa con lên Hà Nội thi, hai người cũng mang theo chiếc hộp ấy vì họ tin rằng bao nhiêu may mắn cho con trai họ đều được chứa đựng trong đó.

Năm nay, vợ chồng chị Phương đưa con lên Hà Nội từ tháng năm, thuê một phòng trọ rộng rãi có đầy đủ nóng lạnh điều hòa để cho Thắng có thể sinh hoạt thoải mái và thoải mái tư tưởng để học. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cũ ở Hà Nội, chị Phương tìm được cho con 3 người làm gia sư ba môn Toán, Lý, Hóa đến tận phòng trọ để giúp Thắng ôn thi: "Đến lò luyện thì vất vả cho con trai chị quá. Trời thì nắng nóng thế này, làm sao mà nó tập trung để học được?" - Chị Phương nói.

Trong suốt những ngày ôn thi của con, vợ chồng chị cấm tuyệt đối không cho con ăn chuối, trứng, thịt vịt, thịt gà, và nhất là kiêng kị không bao giờ được nói đến từ "trượt". Hoa quả thì chỉ được ăn đúng dưa hấu vì chị Phương tin rằng màu đỏ của dưa hấu mang lại may mắn. Những ngày mất điện ở phòng trọ thì anh chị thay nhau ngồi quạt cho con và cho cả gia sư vì "gia sư có thoải mái tinh thần thì mà dạy tốt được".

Những ngày gần thi, vợ chồng chị Phương bước vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị mọi thứ cho con trai. Giá đỗ, thịt bò là món ăn duy nhất trong bữa cơm ăn kèm với xôi nấu cùng đậu đỏ. Cả nhà phát ngán với độc món nhưng vẫn cố gắng an ủi nhau rằng chỉ phải ăn trong một tuần thôi nên tất cả cùng cố gắng. Sáng hôm thi môn đầu, chị Phương lúi húi dậy từ 3 giờ sáng để đồ xôi và chuẩn bị đồ đạc cho con đi thi. Đến 4 giờ sáng thì chị gọi chồng dậy để anh ra ngoài đợi trước vì khi đi xem bói, thầy nói anh và con trai rất hợp mệnh nhau, trước khi đi thi, bước ra cửa, người mà con trai gặp đầu tiên là anh thì con trai sẽ gặp rất nhiều may mắn.

Chuẩn bị đâu vào đấy nhưng đến khi ra khỏi cửa, Thắng lại đụng ngay cô hàng xóm cũng dậy sớm đưa con đi thi còn bố cậu thì đang lúi húi đứng ở tận cuối hành lang để hút thuốc. Khỏi phải nói chị Phương "bực mình đến cỡ nào. Anh chồng đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình lại để cho con trai bước ra khỏi cửa đã gặp vận đen. May mắn là Thắng thông báo làm được bài khi kết thúc môn thi đầu tiên nên chị Phương tạm tha cho chồng tội ban sáng mà không "truy cứu" trách nhiệm.

Rút kinh nghiệm từ buổi thi đầu, đến buổi thi thứ hai, anh Hùng dậy từ 2 giờ sáng, chuẩn bị cho con trai mọi thứ rồi ra ngồi trước cửa. Gặp con, anh tươi cười bắt tay để "truyền may mắn" rồi cả nhà bắt taxi đi thi. Buổi thi thứ ba của Thắng cũng xuôi chèo mát mái. Thi xong, Thắng được bố mẹ áp giải về quê rồi hai anh chị lại tiếp tục lên đường để cầu khấn khắp các chùa chiền từ Bắc vào Nam để xin cho con trai được đỗ đạt kì này.

Chị Phương còn đang mang một nỗi lo canh cánh trong lòng khi nghe bạn bè nói cho con ăn giá đỗ thịt bò khi học thi là sai sách vì ăn thịt bò thì đầu óc không được thông suốt. Dù con trai đã khẳng định là làm được bài nhưng chị Phương mang nỗi hoài nghi rằng thằng cu Thắng nó nói thế cho chị yên tâm chứ chưa chắc nó đã làm được cái gì vì trước lúc thi, nó ăn thịt bò liên tục. Mà ăn thịt bò thì sẽ "ngu như bò", thành ra mấy đêm sau khi biết tin ăn thịt bò là sai sách, chị khóc suốt. Chỉ khổ anh chồng ngày đêm dỗ vợ.

Chờ con thi xong mới li hôn

Cũng có con đi thi đại học nhưng vợ chồng anh Thịnh, chị Hiền không "đồng tâm hiệp lực" cùng nhau để lo từng li từng tí một cho con đi thi như vợ chồng chị Phương. Chị Hiền và chồng vốn có trục trặc từ lâu nhưng chỉ có hai anh chị biết chuyện này. Chị Hiền phát hiện ra chồng mình có bồ từ năm con bé Thảo - con gái của anh chị học lớp 11. Đó là điều chị không bao giờ nghĩ nó lại có thể xảy đến với mình vì trước giờ, chồng chị vẫn được mọi người ca ngợi và ngưỡng mộ vì anh là người đàn ông hết lòng vì vợ, vì con. Anh quan tâm vợ con, ít khi la cà chè chén thế mà đùng một cái, anh có bồ.

Chuyện anh Thịnh có bồ có lẽ rất ít người biết vì anh rất kín đáo. Hẹn hò với bồ, anh cũng chỉ hẹn ở ngoại thành, cách thành phố tới 3 - 40km. Chị Hiền chỉ vô tình phát hiện ra chuyện anh đang "ăn vụng" ở ngoài khi chị có chuyến công tác đột xuất ở ngoại thành. Thấy cảnh chồng mình đang tay trong tay với một người phụ nữ khác mà chị không tin nổi vào mắt mình. Sau khi thuê thám tử theo dõi và khẳng định được mười mươi chồng mình có bồ, chị Hiền làm đơn li hôn. Đau lòng là chồng chị cũng không hề có ý định níu kéo. Anh chỉ bảo chờ cho con bé Thảo thi đại học xong thì hãy ra tòa, không được để chuyện của bố mẹ ảnh hưởng tới việc học hành của con. Chị đồng ý.

Bắt đầu từ khi đó, vợ chồng Hiền bắt đầu đóng kịch trong cuộc hôn nhân của mình. Trước mặt con gái và mọi người, Hiền và Thịnh vẫn là đôi vợ chồng hạnh phúc, quan tâm và chăm sóc nhau. Hai người vẫn dành cho nhau những cử chỉ âu yếm khi có bạn bè và người thân ở cạnh. Nhưng đằng sau đó, mỗi tối, khi đóng cửa phòng ngủ, Thịnh và Hiền có những trận cãi vã dài vô tận. Thường vẫn là Hiền nói. Chị đay nghiến chuyện chồng có bồ và tìm mọi cách để xả tức. Thịnh ít khi nói lại, anh đóng vai trò là người nghe nhiều hơn. Điều này khiến Hiền càng thêm giận dữ vì chị thấy những lời mình nói là vô ích. Con bé Thảo vẫn yên tâm học hành. Đến sát ngày thi, cả hai bố mẹ cùng đưa con gái đi thi. Vở kịch vẫn diễn ra hoàn hảo và Thảo thi khá tốt. Sau khi đối chiếu kết quả với đáp án, Thảo nói con bé phải được trên 20 điểm. Trong niềm hồ hởi của con gái sau khi đã kết thúc kì thi đại học của mình, vợ chồng Hiền đưa đơn ra tòa. Ai cũng ngỡ ngàng vì sự đổ vỡ của cặp vợ chồng hạnh phúc này. Chị Hiền và Thịnh là bình thản đón nhận nó. Mặc cho con bé Thảo khóc hết nước mắt xin bố mẹ nghĩ lại, hai vợ chồng vẫn quyết định chia tay. Họ đã chờ đợi gần 2 năm trời cho ngày đưa đơn này.

Trường hợp hoãn li hôn để con yên tâm học hành và thi đại học như gia đình chị Hiền không phải là chuyện hiếm gặp. Trên thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng đã hoãn chuyện li hôn của mình lại và chỉ đưa đơn sau kì thi đại học của con. Tuy nhiên, việc đưa đơn sau kì thi đại học của con vẫn tạo ra những tổn thương nặng nề cho những đứa trẻ trong gia đình. Hương đã rơi vào tình trang trầm cảm nặng nề sau khi bố mẹ cô bé li thân ngay sau môn thi cuối cùng của Hương. Bác sĩ điều trị tâm lý của cô bé cho biết: "Sau nhiều ngày kiên nhẫn trò chuyện cùng Hương, cháu đã chịu nói chuyện với tôi và chia sẻ suy nghĩ của mình. Hương cho rằng cháu chính là nguyên nhân của việc bố mẹ mình chia tay".

Sau hơn 3 tháng điều trị tâm lý, Hương về ở với mẹ. Năm đó Hương đỗ đại học nhưng do tình hình sức khỏe không ổn định nên cô bé phải bảo lưu kết quả. Tưởng rằng sau đợt điều trị tâm lý, con gái mình đã trở lại bình thường, mẹ Hương cũng không cẩn thận trông chừng cháu nữa. Việc Hương tự tử nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người. Không một ai nghĩ con bé lại làm một việc dại dột thế và cũng chẳng ai ngờ rằng con bé Hương lại bị tổn thương tâm lý nặng nề đến thế. May mắn là mẹ Hương đã phát hiện kịp và đưa con vào bệnh viện. Ai cũng nói bố mẹ Hương nên quay lại với nhau vì con nhưng bố Hương đã có tình yêu mới và sắp sửa làm đám cưới nên chuyện quay lại trở thành không tưởng.

Nhiều phụ huynh cho rằng, khoảng thời gian sau khi con mình kết thúc kì thi đại học là khoảng thời gian tốt nhất cho việc chia tay của họ. Nhưng thực tế, không bao giờ có thời gian tốt nhất và con cái chẳng bao giờ có thể tránh khỏi cú sốc tinh thần khi bố mẹ mình li hôn.

Tuyển người đưa con đi thi

Nếu như đa phần các sĩ tử đều được bố hoặc mẹ hoặc ít nhất là người thân trong gia đình đưa đi thi nhưng Nam thì lại khác. Cậu được một người xa lạ đưa đi thi và công đưa đi thi mà gia đình cậu trả cho người này là 20 triệu đồng. Chị Vân, mẹ Nam, là một người rất mê tín. Sau khi "đấu tranh" với chồng, Vân đã được chồng đồng ý cho chị tìm người hợp mệnh, hợp vía với con trai để đưa con đi thi. Sau 3 tháng trời ròng rã tìm kiếm, chị Vân cũng tìm được người mình cần tìm. Đó là người mà theo lời thầy bói là "người có tướng làm quan, có mụn ruồi đỏ ở giữa nhân trung, mà sáng tinh anh và luôn cười nửa miệng". Những yêu cầu kì quái của thầy đã gây rất nhiều khó khăn cho chị Vân trong việc tìm người. Người mà chị tìm được để đưa con mình đi thi sau 3 tháng lại là một gã nát rượu.

Nhìn anh ta, anh Minh có cảm giác không an tâm và sợ chính anh ta sẽ phá hỏng kì thi đại học của con trai mình nhưng Vân một mực quả quyết rằng: "Thầy đã phán, chẳng có gì phải sợ. Thầy đã nói thì tất nhiên là phải đúng". Sau hơn bốn ngày thuyết phục và đợi anh ta tỉnh táo để bàn chuyện, Vân cũng đã đạt được thỏa thuận rằng anh ta sẽ đưa Nam đi thi thay vợ chồng chị và khi kì thi kết thúc, anh ta sẽ nhận được 20 triệu tiền công nếu không có điều bất trắc gì xảy ra.

Anh Minh, chồng chị, ca thán vợ cả ngày vì chuyện mê tín của chị. Một cuộc "đấu đá" ngầm giữa hai vợ chồng Vân diễn ra. Vân nghiêm cấm không cho con trai ăn chuối, ăn trứng. Trong suốt những ngày cận ngày thi, Nam chỉ được ăn mỗi xôi đỗ và giá đỗ trần nước nóng. Vì ăn ít và thiếu chất nên Nam thường trực trong tình trạng mệt mỏi. Minh cằn nhằn với vợ cho con ăn như thế thì con không có sức để học. Vân thì khăng khăng 12 năm học chỉ thi có mấy ngày thôi, ráng chịu rồi sau thi chị sẽ cho Nam ăn tất cả những gì Nam thích.

Nhưng Vân không biết, đằng sau lưng vợ, Minh dấm dúi cho con trai ăn đủ thứ: trứng vịt lộn, chuối, tất cả mọi thứ mà con trai thích ăn. Ăn uống kiêng khem là một chuyện, giờ giấc học bài của con, Vân cũng nhờ thầy can thiệp. Theo lời thầy, giờ học tốt nhất là từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng, thời gian còn lại trong ngày dùng để nghỉ ngơi và ăn uống. Bị thay đổi lịch sinh học, Nam đâm ra mệt mỏi, học không tập trung vào khó vào nhưng mẹ cậu vẫn luôn miệng động viên: "Cố lên con. Chỉ mấy ngày thôi rồi con muốn làm gì mẹ cũng chiều".

Trước ngày thi, Vân phải đưa người đưa con mình đi thi về nhà và "cách li" anh ta khỏi rượu để đảm bảo rằng ngày hôm sau, anh ta sẽ tỉnh táo để đưa Nam đi thi. Tính trước tính sau đầy đủ mọi chuyện nhưng Vân quên một chuyện rằng người chị thuê để đưa con trai mình đi thi là anh ta hoàn toàn không biết đường Hà Nội. Thành ra, ngày đầu tiên đi thi, suýt nữa Nam bị muộn giờ thi. Đến môn thi thứ hai, Vân phải thuê thêm một bác xe ôm đi kèm để dẫn đường vì thầy nói anh chị nhất thiết không được đưa Nam đi thi. Chuyện thi cử của Nam kết thúc khá tốt đẹp và giờ thì Vân lại theo thầy làm lễ để xin Ngài cho Nam điểm cao và đỗ đạt.

Không thuê người đưa đi thi nhưng chị Bình cũng không thân chinh đưa con mình đi thi được vì đúng đến ngày gần thi của con, bệnh ung thư của chị bất ngờ có chuyển biến xấu. Chị Bình góa chồng đã hơn 10 năm nay. Một mình chị tự làm thuê nuôi con ăn học. Tiền làm thuê của chị hàng tháng chỉ vừa đủ để mẹ con trang trải các nhu cầu hàng ngày. Con bé Lan nhà chị không đi ôn thi ở đâu hết mà chỉ tự ôn ở nhà. Hơn 3 tháng trước, chị phát hiện ra mình bị ung thư trong một lần đi khám vì bị ho quá nhiều. Không có tiền chạy chữa, cũng không muốn con gái phải lo lắng cho bệnh tình của mình, chị Bình giữ kín mọi chuyện.

Ban ngày chị đi làm nên con gái không biết chị đau và ho nhiều. Đến ban đêm, dù đã cố chịu đau và nhịn ho nhưng Lan vẫn phát hiện ra sức khỏe của mẹ mình đang có vấn đề. Tuy nhiên, chị Bình chỉ nhận với con là mình đang ốm chứ không cho Lan biết rằng mẹ đang bị bệnh nặng. Trước ngày con đi thi, chị Bình bán chỉ vàng mà chị đã dành dụm hơn chục năm mới có được để làm lộ phí cho hai mẹ con. Ai ngờ, bệnh tình lại chuyển biến theo hướng xấu, không muốn con phải lo lắng, chị gắng gượng nói chỗ làm thuê không cho nghỉ làm nên chị không đưa con đi được.

Chị nhờ người hàng xóm có con cùng thi cùng trường với trường của Lan để mắt trông nom dùng con bé rồi gửi biếu hàng xóm 500 ngàn. "500 ngàn đối với mẹ con tôi mà nói đó là số tiền lớn. Đủ để cả hai me con ăn cả tháng. Nhưng giờ nhờ người ta giúp chẳng nhẽ tôi lại không có gì trả ơn người ta" - Chị Bình tâm sự. Mong muốn con đỗ đại học để kiếm được một nghề có thể nuôi sống bản thân, chị Bình còn đi vay lãi thêm hai triệu để con mang đi thi, chi tiêu tiền ăn uống, tàu xe. Mong mỏi con đỗ đại học là thế nhưng chị Bình cũng nói rằng nếu con chị đỗ thì chị cũng chưa biết làm cách nào để nuôi con ăn học và nhất là, chị không biết mình có thể sống được thêm bao lâu nữa.

Có hàng trăm câu chuyện về các sĩ tử vào mùa thi, ước mơ đỗ vào đại học trở thành ước mơ của tất cả các sĩ tử và tất cả các phụ huynh. Mới đây, câu chuyện về cậu học sinh Ngô Văn Thuận (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đạp xe 300 cây số ra Hà Nội để thi đại học với hành trang mang theo là một chai nước và vài cái bánh mì cùng 30 nghìn đồng đã khiến nhiều người cảm động. Tinh thần ham học, ý chí và quyết tâm, ước mơ về giảng đường đại học của Thành và những người đã giúp đỡ cậu trong suốt quãng đường dài là một câu chuyện đẹp về lòng yêu thương. Đại học là con đường dẫn đến thành công nhưng nó không phải là con đường duy nhất. Thành công do bạn tạo nên và hãy đến với nó bằng mọi giá với nỗ lực của bản thân. Và nhớ rằng, cuộc đời luôn công bằng với tất cả.