Nghệ nhân ưu tú Lương Trọng Quỳnh:

Giữ nghề hát văn, hát bóng trong dòng chảy văn hóa cổ truyền dân tộc

ANTD.VN - Gắn bó với nghề hát văn gần 30 năm, tiếng đàn, tiếng phách cùng những câu hát đã ngấm vào con người nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh rồi cứ thế cuốn anh đi từ khi nào không hay. Cho tới bây giờ, niềm đam mê với hát văn vẫn không ngừng chảy trong anh và đang được trao truyền cho thế hệ trẻ.

Giữ nghề hát văn, hát bóng trong dòng chảy văn hóa cổ truyền dân tộc ảnh 1Gắn bó với nghề hát văn gần 30 năm, tiếng đàn, tiếng phách cùng những câu hát đã ngấm vào con người nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh (ngoài cùng bên phải)

Duyên nghề từ lúc 6 tuổi

Hát “Văn” hay còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Có thể nói, nghệ thuật này mang một phong cách âm nhạc độc đáo có một không hai của nhân loại.

Sinh năm 1967, Lương Trọng Quỳnh chính thức gắn bó với hát chầu văn khi 23 tuổi. Nhưng cái duyên của nghề đã đến với anh ngay từ khi anh còn là một cậu bé 6 tuổi, là những lần được theo mẹ đi hầu đồng tại ngôi đền gần nhà. Mỗi lần được nghe những câu hát chầu văn như thế, anh tò mò tại sao người ta có thể nhớ được lời và hát được những giai điệu khó đến thế.

Cho tới năm 1977, khi gia đình chuyển nhà những tưởng anh sẽ không bao giờ được tiếp xúc với chầu văn nữa. Nhưng có lẽ “duyên” do trời định, nên những năm đầu học tập tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh, anh lại gặp một người chú hát chầu văn. Một lần nữa, mối duyên giữa Lương Trọng Quỳnh và chầu văn được nối tiếp. 

Thường xuyên theo chân chú lên phố cổ để được gặp gỡ và xem các thầy hầu đồng, tình yêu và niềm đam mê với chầu văn của Lương Trọng Quỳnh càng ngày càng được bồi đắp thêm. Sau này khi có dịp được hát cho các thầy trong nghề nghe và nhận được nhiều lời khen, anh quyết định chính thức gắn bó với hát chầu văn chứ không chỉ là dự định hát chơi như ban đầu.

“Điều hạnh phúc nhất với tôi ở nghề đó chính là sự cảm nhận được tâm linh ở đền. Những giá hầu ở đền cho tôi cảm giác được an lành và tâm tính thiện”, nghệ nhân ưu tú Lương Trọng Quỳnh chia sẻ.

Hát văn thu hút anh bởi anh cảm được nét văn học cao quý ẩn chứa trong từng câu chữ. Với anh, văn học trong chầu văn tả cảnh rất đẹp, vừa nôm vừa tự, vừa trừu tượng lại vừa thực tế. Nếu những câu hát chầu văn của miền Nam ngắn gọn tả thực thì của miền Bắc rất sâu sắc, hay những điệu múa uyển chuyển luôn là điều hấp dẫn anh.

Ngần ấy năm theo nghề nên anh nắm rất rõ kỹ thuật chi tiết của từng lề lối hát văn và thực hiện nhuần nhuyễn và am hiểu, sử dụng thành thạo các nhạc cụ dùng trong hát văn. Anh cho rằng để có được điều đó là nhờ những lần được ngồi với các cụ và nghe các cụ dạy. 

Sau những năm gắn bó với nghề, anh biết cách đánh kiều bóng sao cho người ta đảo đồng, khi sử dụng pháp bảo thì cái phách, cái cạch, thanh la hay trống con thì khi nào được dùng, đàn nguyệt sẽ vào khi hết một khổ đàn rồi nghe điểm trống gõ 2 cái là mình bắt đầu hát, hát chầu văn là hát văn vần không phải văn xuôi thì sẽ hát ôm đầu hoặc ôm lưng sẽ vần hơn… Mọi thứ được kết hợp chặt chẽ như thế để có những giá hầu đồng hay. 

Hơn 10 năm kiên trì, anh đã thu được 3 bản hát chầu văn trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, bao gồm: Tản Viên Sơn Thần, Liễu Hạnh Công Chúa, Phù Đổng Thiên Vương và hiện nay anh đang đợi thu âm bản Chử Đồng Tử.

Mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ

Gần 30 năm gắn bó với nghề, đi từ những ngày khó khăn nhất cho đến thành công ở hiện tại, nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh vẫn luôn nhớ từng chặng đường mà anh đi qua. Những ngày mới vào nghề, anh muốn tìm thầy học nhưng không được, tài liệu thì gần như không có. Bởi ngày đó có quan niệm nghề hát chầu văn là nghề cha truyền con nối, các cụ khi cho văn xong sẽ xé đi. Chỉ là một đôi lần gặp gia đình giàu có mở khóa hầu đồng thì mới nghe trộm được một chút. Nếu có cơ hội được nghe anh tranh thủ nghe đến đâu rồi chép giấu đến đó vì sợ các cụ biết. 

Anh còn nhớ những lần đi hát ở Yên Bái phải tháo đàn nguyệt thành hai phần, bọc trong bao khi lên tàu nếu ai hỏi thì nói dối là mua thớt về xuôi, rồi cả những lần đi bộ hàng chục cây số để đến được đền biểu diễn. Thậm chí, có nhiều lần anh và đoàn phải hát trộm vì từng có thời gian hát chầu văn, hầu đồng bị xem là mê tín dị đoan. 

Cho tới gần đây, chầu văn đã được nhìn nhận đúng giá trị, là một tín ngưỡng đặc sắc của văn hóa bản địa, “Tín ngưỡng thờ mẫu” trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những ghi nhận đóng góp của anh với hát chầu văn được thể hiện qua những thành tích: Giấy chứng nhận đã có công gìn giữ và phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của Cục nghệ thuật biểu diễn - Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2016; Giấy chứng nhận đã có công thực hành và truyền dạy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của Cục nghệ thuật biểu diễn - Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2017; năm 2014 được phong tặng Nghệ nhân Dân gian; năm 2019 được phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

Cũng bởi niềm đam mê gắn bó với nghề và tình yêu sâu sắc với hát văn như thế, nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh không khỏi trăn trở làm thế nào để lưu truyền được cho thế hệ sau tình yêu với hát chầu văn. 

Giới trẻ bây giờ ít người quan tâm, theo đuổi và đam mê nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh tâm niệm rằng, nghệ thuật truyền thống chính là tâm hồn của dân tộc, hiểu về nghệ thuật truyền thống cũng là hiểu về dân tộc mình. Anh vẫn đang tiếp tục tìm tòi cách để truyền đạt lại cho thế hệ sau.

Anh mở lớp dạy miễn phí tại nhà và còn tham dự giảng dạy hai lớp khác. Trong số những học viên của anh có cả những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi nhưng đã muốn học hát chầu văn hay có cả học viên bằng tuổi anh nhưng quyết định rẽ ngang sang nghiệp hát văn. 

“Tôi luôn luôn động viên học trò cố gắng gìn giữ tinh hoa của các cụ để lại, bởi hát văn không phải là một loại hình nghệ thuật dễ học vào ngay, nếu không yêu thích và kiên trì sẽ bỏ dở giữa chừng. Cũng vì muốn truyền đạt lại tất cả những gì mình biết nên tôi đặt quy tắc rất nghiêm với học trò”, nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh chia sẻ.

Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh cũng tiết lộ, tới thời điểm hiện tại, anh chưa tìm được học trò phù hợp để có thể trao truyền tất cả những gì anh nắm giữ về nghề hát chầu văn trong suốt 30 năm qua. Với anh, trong chầu văn có những giá trị nghệ thuật cao cả mà không thể dễ dàng cảm nhận và cũng không thể dễ dàng chia sẻ. Bởi vậy, anh vẫn luôn mong muốn có một duyên nào đó đưa mình đến với người học trò đam mê nghề, gắn bó với nghề lâu dài và hành nghề luôn hướng về cộng đồng. 

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa tổ chức vinh danh 44 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lần thứ hai năm 2019. Trong đó, 7 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, 36 nghệ nhân được trao tặng nghệ nhân ưu tú và 1 nghệ nhân được truy tặng nghệ nhân ưu tú. Cùng với 39 nghệ nhân ưu tú được trao tặng năm 2015, hiện Hà Nội dẫn đầu về cả nước số lượng nghệ nhân được trao tặng.

Các nghệ nhân được trao tặng lần này gồm 2 lĩnh vực: nghệ thuật trình diễn dân gian (ca trù, hò cửa đình, múa hát bài bông, múa rối, hát trống quân, múa hát Ải Lao, múa cổ, hát Sa mạc, hát chèo tàu, diều sáo, hát văn, kéo co ngồi), tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ Mẫu).

Lễ trao tặng là sự tôn vinh các nghệ nhân đã có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội; động viên, khích lệ thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, di sản và phát huy các di sản văn hóa quý báu của cha ông truyền lại. Lễ trao tặng danh hiệu Nhà nước không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của các nghệ nhân mà còn là niềm tự hào của TP Hà Nội, đồng thời cũng là trọng trách của thành phố trong việc quan tâm tới các nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống” để giữ gìn, bảo vệ các di sản vô giá của cha ông.