Giữ lấy ruộng đất!
(ANTĐ) - Nếu như bản dự thảo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trở thành nghị định, thì giá đền bù đất nông nghiệp, có nơi sẽ cao gấp hai lần giá đất thổ cư. Mục đích của việc nâng giá là để hạn chế đất ruộng bị chuyển đổi mục đích, kể cả việc “nhường” đất cho công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chỉ cần khảo sát quanh vùng ngoại ô Hà Nội mở rộng bao trùm hàng vạn hộ nông dân sẽ nhận thấy bà con không muốn bị thu hồi ruộng đất của mình để giao cho các chủ đầu tư. Đừng tưởng nhầm là họ sẵn sàng bán đất bằng mọi giá.
Có lẽ các tác giả của dự thảo nghị định này cho rằng, khi giá đất nông nghiệp cao gấp đôi đất thổ cư sẽ khiến các nhà đầu tư “chùn bước” nản lòng. Nhìn bề ngoài, việc tăng giá đất đền bù là “đánh” vào túi tiền nhưng bản chất vẫn là một công cụ hành chính. Nó cũng là bản “photo” cung cách mà chính quyền vẫn áp dụng trước nay: Phê duyệt dự án cho nhà đầu tư, thu hồi đất của dân làm dự án và áp đặt một mức giá đền bù. Thực tế cho thấy, không ít nơi phải cưỡng chế nông dân mới chịu chuyển nhượng đất.
Lý do là họ không chỉ “ngậm đắng” vì phải nhận một mức đền bù quá thấp, mà còn vì không hề muốn bán đứt mảnh đất của ông cha để lại. Nếu quyền sử dụng đất mà Nhà nước trao cho nông dân được tôn trọng, nhà đầu tư nào muốn sang nhượng thì phải “gõ cửa” gặp họ thương lượng. Công bằng mà nói, đã có không ít nông dân quen kiểu “ăn xổi”, không có cách gì xoay xở được xe máy, nhà tầng và tiện nghi nên đành cắt từng mảnh đất “hương hỏa” đi mà bán.
Dự thảo Nghị định dựa trên căn cứ: Vào năm 2030 dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 110 triệu người; tổng nhu cầu thóc là 37,3 triệu tấn; lượng gạo xuất khẩu hàng năm là 8-9 triệu tấn. Đó là những con số cần được nghiên cứu, cân nhắc, sau khi chỉ trong vòng 7 năm từ 2000-2007, diện tích đất trồng lúa trên cả nước đã bị mất trắng hơn nửa triệu héc-ta.
Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là ưu tiên hàng đầu “tích cốc phòng cơ”. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ở phía Bắc, Hải Dương là tỉnh có tỷ lệ đất nông nghiệp giảm lớn nhất, bình quân 1.569 ha/năm. Hưng Yên: 939 ha/năm. Hà Nội (cũ) là 653 ha/năm... Hải Dương và Hưng Yên cũng là một trong những địa phương ruộng đất của nông dân được chia cắt phân tán và manh mún nhất. Hiện cả nước ta có tới 70 triệu thửa ruộng manh mún, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7-0,8 ha mà nằm phân tán trên năm sáu thửa.
Với thực trạng đất ruộng như vậy, tương lai sản xuất nông nghiệp không thể “tươi sáng”. Trong khi đó, chính các địa phương ở đồng bằng Bắc bộ, những hộ tích tụ được 4-5 héc-ta đều sản xuất có hiệu quả hơn nhiều so với những hộ có năm bảy sào mà ruộng đất vụn nát. ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ những “Hai Lúa” có mức tích tụ ruộng đất từ hàng chục tới hàng trăm héc-ta mới có thể áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa quy trình sản xuất, trở thành triệu phú, tỷ phú “chân đất”.
Đặc biệt, xung quanh nhiều trang trại trồng lúa của nông dân còn xuất hiện các loại dịch vụ mua bán vật tư nông nghiệp, xăng dầu, sửa chữa máy móc. Khá nhiều thanh niên nông thôn tìm kiếm được thu nhập khấm khá nhờ những việc làm “ly nông” mà không phải “ly hương”.
Giữ lấy ruộng đất tức là giữ an ninh lương thực quốc gia. Giữ không có nghĩa “ôm khư khư” đất, cũng không chỉ là tăng giá đất mà là một chính sách để người nông dân được quyền “suy nghĩ”, quyết định và làm giàu từ ruộng đất.
Đan Thanh