- Một vòng chợ hoa Hàng Lược trước thềm Tết Đinh Dậu
- Người dân ngoại thành hào hứng với Hội chợ phục vụ Tết
- Tìm lại nét xưa trong chợ phiên Hà Nội
Những phiên chợ Bưởi xưa mang đậm bản sắc văn hóa người Việt
Một số cụ cao niên kể rằng, ngày xưa không hiểu vì sao mà bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi. Chợ phiên Kẻ Bưởi đã thay đổi rất nhiều theo thời gian nhưng đây vẫn là nơi mà mỗi người Hà thành tìm đến, nhất là khi Tết đến, xuân về.
Chợ phiên trong tiềm thức...
Không biết tự thuở nào, chợ Bưởi đã được định vị ở nơi đây, trên đất làng Yên Thái, bờ Tây Nam của Hồ Tây. Chợ nằm ở trung tâm của vùng Kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng làng nghề thủ công làm giấy, dệt lụa, dệt lĩnh, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu...
Chợ Bưởi cổ chỉ là những dãy lán bằng phên nứa và chỉ có 1-2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây gọi là cầu chợ. Trước những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng hai bên cầu chợ bằng bê tông kiên cố che mưa, nắng.
Chợ Bưởi nằm bên chốn hợp lưu giữa 2 con sông tự nhiên Tô Lịch và Thiên Phù, nên thuận lợi trong việc giao thương buôn bán trên bến dưới thuyền. Chợ lại nằm kề vòng tường thành bao quanh kinh đô Thăng Long nên dân cư tập trung qua lại khá đông đúc.
Phiên chợ Bưởi ngày xưa là nơi hội tụ hàng hóa của bà con các làng nghề quanh vùng. Một trong những mặt hàng đặc sắc ở chợ Bưởi là cây giống các loại từ các làng trồng hoa, cây cảnh cổ truyền ven hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã vùng rau, hoa như Tây Tựu, Phú Thượng…
Ngoài ra, còn có hàng trăm loại hoa như hoa cúc, hoa cẩm tú cầu, hoa trinh nữ... tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc. Dường như đã ăn sâu vào tiềm thức nên khi mua hoa, cây cảnh, người Hà Nội chỉ tìm đến đây thì mới thấy an tâm. Các cụ cao niên còn kể rằng, khi xưa vào phiên chợ 19 tháng Chạp âm lịch hàng năm, chợ Bưởi còn có bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa...
Hàng trăm loại hoa tụ về chợ Kẻ Bưởi tạo nên bức tranh xuân tràn ngập sắc màu
Nét văn hóa Hà thành
Chợ Bưởi là một trong số ít chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội vào các ngày 4 và 9 Âm lịch, tổng cộng 1 tháng 6 phiên. Cùng với sự thay đổi của thời gian và nhu cầu của nhân dân, chợ Kẻ Bưởi nay gần như họp quanh năm, nhưng vẫn đông đúc hơn trong những ngày phiên.
Người bán không chỉ bó hẹp ở các vùng lân cận mà còn từ các nơi xa hơn như tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, với đa dạng các mặt hàng từ cây cảnh, tượng gỗ, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa.
Bạt ngàn hoa: nào là sắc đỏ của râm bụt, thược dược, trạng nguyên, mào gà, hồng, lựu; màu trắng của bó cúc trà mi, hoa hồng, thủy tiên, hoa nhài; màu tím của những chậu dã yên thảo, đinh tử hương, cẩm tú cầu, thạch thảo và điểm thêm vài sắc hồng phai của những cành đào và ánh vàng từ bông mai…
Những ngày cuối năm, một số loại cây cảnh cầu kỳ hơn là những cây trúc quan âm, phật thủ, khế uốn hình gà, bưởi hồ lô được đánh cả bầu cho vào chậu lớn hết sức kỳ công mang đầy không khí Tết.
Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chợ Bưởi, người con của làng Yên Thái cho biết: “Dù chợ Bưởi đã được xây dựng khang trang nhưng chúng tôi vẫn duy trì chợ phiên bằng cách quy hoạch riêng một khu vực để người dân buôn bán, giữ lại hồn cốt xưa cho con cháu”.
Theo mẹ đi chợ từ thuở lên 9, 10, cụ Nguyễn Thị Bẽm ở Tứ Liên, Tây Hồ nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen đến chợ vào những ngày giáp Tết. “Trước đây cứ tầm 15 tháng Chạp là tôi mang lá dong, vài củ gừng ra đây bán. Mấy năm nay già rồi nên không bán gì nữa nhưng cứ gần Tết là lại ra cho thỏa nỗi nhớ”.
Bà Nguyễn Thị Nụ, ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm có thâm niên gắn bó với chợ gần 50 năm chia sẻ: “Chợ nay giờ khác xưa nhiều, mặt hàng không còn phong phú như xưa. Tôi bán cũng chẳng lời lãi nhiều nhưng vì đã quen nên không muốn đi chợ khác”.
Lặn lội đi từ Hưng Yên lên đây, chiếc xe máy của anh Vũ Thành Tú chất đầy cam canh cảnh, quả sai lúc lỉu. Chỉ tầm 2 tiếng, số hàng của anh đã vơi đi già nửa. “Tôi đi xa nhưng lên đây bán được giá hơn. Người dân bây giờ hay thích chơi các loại cây ăn trái dạng cảnh, vừa đẹp, gọn, dễ chăm sóc, lại cho quả ngọt”.
Những xe hoa từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định vượt sông Đáy về phiên chợ Bưởi
Và dù xưa hay nay thì người bán, người mua ở đây đều thong dong, điềm đạm, không có thói tranh giành, bon chen…
Người mua dạo quanh các hàng, nhìn ngắm, suy tư, có khi phải đi lại vài ngày mới tìm ra được chậu cây ưng ý. Người bán và khách như những người tâm giao, tỉ tê trò chuyện. Thế nên dù chợ Tết đông đúc thật nhưng không có cảnh mua nhanh, bán vội, mặc cả thêm bớt.
Vậy mới biết, giữa cuộc sống xô bồ, vẫn còn đó chợ Kẻ Bưởi với sự thanh lịch, những nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội.