Giao lưu “Những trang viết từ chiến trường” nhân kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2023), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giao lưu “Những trang viết từ chiến trường” vào 9h ngày 6-5, tại Trung tâm Sách quốc gia (24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại buổi giao lưu với chủ đề“Những trang viết từ chiến trường”, bạn đọc sẽ được nghe các diễn giả chia sẻ những thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư của những người lính (tập hợp qua cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”). Qua đó, bạn đọc sẽ có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có cuộc chiến đấu 55 ngày đêm kiên cường, quả cảm của quân và dân ta làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.

Không phải từ những con số, số liệu khô khan, mà toàn cảnh các cuộc chiến được tái hiện từ chính những con người trong cuộc, đang ở giữa mưa bom bão đạn chiến đấu hết mình với niềm tin vào sự toàn thắng. Điều đặc biệt ở chỗ, những trang thư được những người lính viết cho những người thân yêu nhất và cả cho chính mình, chứ không phải viết với tâm thế dành cho công chúng đọc, như nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã chia sẻ: “Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả”.

Cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam"

Cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam"

Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa những chặng hành quân, trước khi vào trận chiến, có những lá thư viết bằng thơ, có những lá thư được viết hộ vì người đứng tên không biết chữ... nhưng đó là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, bởi vậy mà nó rất thật, rất “đời”, rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ.

Hầu hết tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, song, từng cánh thư tay mong manh, nhỏ bé với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ.

Do vậy, việc tổ chức hoạt động giao lưu hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những điều thật ý nghĩa, thông qua đó mỗi người trong chúng ta sẽ được bồi đắp, dung dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, nhân văn, luôn biết ơn và tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương, đã ngã xuống vì non sông, vì nền độc lập của dân tộc.

Ngoài giao lưu với nhà văn Đặng Vương Hưng, bạn đọc còn được nghe bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” chia sẻ những kỷ niệm xúc động của hàng trăm chuyến đi về chiến trường xưa và tình cảm của các cựu chiến binh đến với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các sự kiện được tổ chức cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Bạn đọc cũng được nghe Đại tá, nhà văn Trần Trọng Giá, Thường trực Hội đồng quản lý câu lạc bộ “Trái tim người lính” tâm sự về những kỷ niệm đầy xúc động tại chiến trường và những hoạt động của CLB “Trái tim người lính”.

Nhân buổi giao lưu “Những trang viết từ chiến trường”, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng - tác giả cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ ký tặng sách cho bạn đọc tại sự kiện.

Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” ra đời từ năm 2005 (tiền thân là “Quỹ Mãi mãi tuổi 20”) và câu lạc bộ “Trái tim Người lính” ra đời năm 2020 là những tổ chức tự nguyện, phi lợi nhuận của các cựu chiến binh và những người đã đi qua chiến tranh, nhằm kết nối tất cả những ai đang mang trong mình “Trái tim người lính”, cùng tri ân thân nhân những gia đình liệt sĩ, thương binh. Đồng thời tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.