Hà Nội tăng kết nối tuyến du lịch “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều năm tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” của Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức khởi công, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành 2 nước.

Khởi công tuyến du lịch “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đứng đầu trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam, đạt 5,8 triệu lượt trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Do vậy, việc Chính phủ Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch cho công dân Trung Quốc sang theo đoàn đợt 2 từ ngày 15-3, mang ý nghĩa tích cực và mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành 2 nước.

Hà Nội là một trong những điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc

Hà Nội là một trong những điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc

Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy cho biết, việc mở cửa đón khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp thị trường Việt Nam, chuỗi cung ứng của ngành du lịch Việt Nam không bị đứt gãy và phát triển mạnh mẽ. Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tàu, thuyền... nhân sự ngành du lịch sẽ được cân bằng hơn và kết nối tốt hơn. Theo ông Tuyên, những địa điểm khách Trung Quốc muốn ghé thăm nhất tại Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Bình Thuận, Mũi Né, Phú Quốc và Đà Lạt.

Nắm bắt được nhu cầu này của khách du lịch Trung Quốc, vừa qua Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tổ chức khởi công tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” của Việt Nam và Trung Quốc.

Chương trình này là sáng kiến do ngành du lịch tỉnh Lào Cai và châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đề xuất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 21-6-2019 tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), được chính thức khai trương, vận hành ngày 14-1-2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình này gián đoạn.

Được xúc tiến trở lại, chương trình sẽ mở ra 6 địa điểm du lịch dành cho công dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Đó là Côn Minh - châu Hồng Hà - Sa Pa - Hà Nội - Hải Phòng - vịnh Hạ Long. Là một địa phương có điểm đến trong tuyến du lịch này, bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, sau thời gian củng cố, rà soát về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tái cấu trúc nhằm tăng tính hấp dẫn của các điểm đến (nhất là các điểm đến trong tour du lịch “vàng”, kiểu mẫu). Đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch Lào Cai đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, với tâm thế sẵn sàng nhất, luôn nồng nhiệt chào đón các du khách đến từ Trung Quốc với những dịch vụ du lịch đảm bảo chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.

Bà Giàng Thị Dung cho rằng, để chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” tiến tới trở thành sản phẩm du lịch chính của doanh nghiệp mỗi bên, chính quyền tỉnh Vân Nam, châu Hồng Hà và các địa phương của Việt Nam tham gia chương trình đón khách trên, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, hỗ trợ giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh thuận lợi nhất để sẵn sàng đón khách du lịch. Đồng thời phối hợp nghiên cứu, khảo sát, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực thi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết, nhằm sớm khai thác tuyến xe chở khách du lịch đến 2 quốc gia và các địa phương. Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm triển khai hình thức du lịch bằng xe tự lái với các điều kiện kèm theo của các tuyến “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”.

Ruộng bậc thang nhiều màu sắc của người Hà Nhì (Vân Nam, Trung Quốc)

Ruộng bậc thang nhiều màu sắc của người Hà Nhì (Vân Nam, Trung Quốc)

Cần có sản phẩm du lịch chất lượng

Cũng giống như Lào Cai, Hà Nội luôn xác định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu, đồng thời du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam như Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác. Việt Nam là điểm đến lý tưởng của khách du lịch Trung Quốc ưa thích loại hình du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch golf…

Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Thủ đô sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch... làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có khách du lịch Trung Quốc theo tuyến du lịch: Côn Minh - châu Hồng Hà - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Hà Nội sẽ tăng cường kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Thủ đô, rất phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch Trung Quốc như: Tour Hoàng thành Thăng Long, tour Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hoàng thành Thăng Long và nghỉ dưỡng tại Khu du lịch đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội, tour du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sóc Sơn…

Bên cạnh đó, Thủ đô còn tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và thương hiệu du lịch Thủ đô để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch. Ngoài ra, Hà Nội chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), với hành lang kinh tế 5 tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mê Kông - Lan Thương và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác. Sở Du lịch Hà Nội sẽ nghiên cứu để báo cáo UBND TP tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại các thị trường trọng điểm trong đó có tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Chương trình du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm hình mẫu trong hợp tác phát triển du lịch của các địa phương, đáp ứng kỳ vọng của chính quyền, doanh nghiệp đôi bên và kết nối khách du lịch, thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước. Ông Triệu Thụy Quân - Bí thư châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cho biết, việc mở rộng thông thương giữa 2 quốc gia sau dịch Covid-19 tạo điều kiện thuận lợi lớn cho nhân dân 2 quốc gia phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa.

Châu Hồng Hà được xem là hình ảnh thu nhỏ của tỉnh Vân Nam nói riêng và Trung Quốc nói chung. Khách du lịch Việt Nam đến châu Hồng Hà có thể được khám phá những di sản hấp dẫn như thửa ruộng bậc thang có tuổi đời nghìn năm, ẩm thực đặc sắc như bún qua cầu, đậu hũ rang thơm cùng những nét văn hóa của dân tộc Hà Nhì tại đây.

Năm 2023, du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đón được trên 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Sự chuẩn bị của các địa phương, các đơn vị lữ hành, các hiệp hội du lịch nắm bắt cơ hội Trung Quốc thí điểm đưa khách đoàn đến Việt Nam từ ngày 15-3 sẽ từng bước giúp du lịch Việt Nam đạt mục đích đề ra. Tuy nhiên, con số lượt khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam không đồng nghĩa với lượng tiền thu về từ hoạt động du lịch. Chất lượng các sản phẩm du lịch phải song hành với lượng khách tới mới mong mang về cho ngân sách các khoản tiền tương xứng. Vấn đề này đã từng được bàn bạc, song chưa đưa ra giải pháp cụ thể và mang tính khả thi cao.

Ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Tạo ra các sản phẩm du lịch theo nhu cầu du khách

Về giải pháp thu hút, giữ chân du khách quốc tế và để họ chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam, theo tôi, nhu cầu của khách du lịch đến đâu thì trách nhiệm, nhiệm vụ của ngành du lịch phải đáp ứng tới đó. Nhu cầu của khách cần cái này thì chúng ta phải lo cái này, cần cái kia phải lo cái kia. Tinh thần là tạo ra các sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách chứ không phải tạo sản phẩm du lịch theo nhu cầu của chúng ta.

Yên Minh (ghi)

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Tăng cường quản lý, đảm bảo chấm dứt “tour 0 đồng”

So với năm 2022, hiển nhiên du lịch Việt năm 2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng lên thì đã rõ, thị trường khách quốc tế cũng sẽ mở rộng ra so với trước. Năm ngoái, mới chỉ có một số ít nước đến Việt Nam, nhưng năm nay lượng khách vào bắt đầu nhiều, đặc biệt là khách châu Âu và Mỹ tăng khá cao. Sự chuyển đổi thị trường sau dịch Covid-19 khác hẳn so với trước. Các chính sách mới của Chính phủ ban hành cũng sẽ là cầu nối cho việc thị trường mở rộng hơn.

Ngày 15-3 vừa qua, chúng ta đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19 qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Mở cửa thị trường khách quốc tế trở lại, những người làm du lịch chúng tôi đều nhận được câu hỏi là phải làm gì tốt nhất cho du khách, nhưng cũng đồng thời phải quản lý thế nào chặt chẽ, nhất là với du khách Trung Quốc? Cách đây chưa lâu, để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đón khách quốc tế, đã từng có cả một hội nghị lớn về du lịch bàn về vấn đề đón khách Trung Quốc ở Móng Cái. Nhiều vấn đề, nhiều ý kiến đóng góp cũng đã được đưa ra bàn thảo ở đó, trong đó có cả vấn đề về “tour 0 đồng”.

Thực ra làm gì có cái gọi là 0 đồng. Các hoạt động quảng bá với tên gọi “tour 0 đồng” thì lừa đảo là chính, cho nên tại hội nghị ở Móng Cái chúng tôi đã làm rõ chuyện đó. Chúng ta làm điều này không phải vì chúng ta mà vì khách du lịch Trung Quốc. Khách du lịch phải được đối xử tốt nhất. Muốn làm được điều đó phải chi phí sao cho hợp lý nhất. Làm gì có chuyện giá rẻ? Cái rẻ đó rơi vào túi người nào? Vấn đề ở đây là tăng cường công tác quản lý, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các hoạt động, không vì lợi ích của mình mà phá hủy cái chung được. Đó là tất cả những gì chúng ta phải cố gắng thay đổi. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những cam kết xử lý chặt chẽ, mạnh tay đối với các sai phạm, để khách Trung Quốc nói riêng và khách du lịch quốc tế nói chung được hưởng thụ đúng giá trị thật.

Yên Vân (ghi)