Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Giáo dục đại học: Nhiều trường bỏ chất, lấy lượng!

ANTĐ - Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học - một vấn đề được đại đa số các ĐBQH khẳng định là rất quan trọng trong tình hình hiện nay. 

Nhiều học sinh bị loạn vì các “chiêu” quảng cáo, tiếp thị để thu hút sinh viên

(ảnh minh họa)


Chất lượng giáo dục là then chốt!

Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến tranh luận trong cuộc họp đó là dự thảo Luật Giáo dục đại học chưa có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng. Theo ĐB Đàng Thị Mai Hương, thực tế cho thấy, cứ đến mùa tuyển sinh, để thu hút người học, các cơ sở giáo dục “tung” ra rất nhiều chiêu quảng cáo, tiếp thị. Chi phí quảng cáo này rất lớn nhưng sẽ được tính hết trên học phí của sinh viên. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục thì lại chưa được quan tâm khi nhà trường chỉ quan tâm đầu vào, còn sinh viên ra trường đi đâu, có việc làm hay không là việc của sinh viên! Trước thực trạng này, bà Hương đề nghị, dự thảo luật cần tăng cường các quy định về trách nhiệm quản lý và xử lý đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hoạt động yếu, không hiệu quả, không đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Cùng vấn đề trên, ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) nhận định, chất lượng giáo dục hiện nay chưa đạt yêu cầu khi sinh viên ra trường hầu như phải đào tạo lại. Ông cho rằng, đi đôi với phát triển quy mô phải là chất lượng đào tạo. Theo nhiều ĐB, số lượng trường ĐH-CĐ gia tăng nhanh hiện nay đã dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa quy mô và chất lượng đào tạo, vì vậy cần tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Luật Giáo dục đại học nên dành hẳn một chương về kiểm định, và nhất thiết phải thành lập Hội đồng kiểm định có trách nhiệm. 

“Tự chủ đại học” phải có lộ trình

Trong dự thảo luật, “trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐB. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật.

 

 Tham gia thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH, nhưng theo các ĐB, để tránh “cào bằng” thì phải có một lộ trình thích hợp. Theo ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai), trao quyền tự chủ cần phải dựa trên cơ sở của điều kiện năng lực, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường, nếu trao quyền tự chủ ngay cho các trường mới được thành lập chưa đủ mạnh về quản lý và hoạt động giáo dục thì sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho xã hội. 

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải phân tầng cơ sở GDĐH theo chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học để có chính sách đầu tư giao nhiệm vụ và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí vai trò năng lực, đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH.

Chiều 25-5, ĐBQH thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Đa số các ĐB nhất trí với dự thảo Luật, cho rằng Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài, nhiều ý kiến đồng tình để người nước ngoài gia nhập công đoàn, tuy nhiên nên quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.