Giải thưởng điện ảnh "Cánh Diều Vàng 2015": Không có phim "thảm họa"

ANTĐ - Đến hẹn lại lên, sân chơi điện ảnh được mong đợi nhất trong năm 2016 - Cánh Diều Vàng vừa chính thức khởi động với nhiều nét mới và sẽ khép lại bằng lễ trao giải diễn ra vào tối 20-4 tại Hà Nội.

Giải thưởng điện ảnh "Cánh Diều Vàng 2015": Không có phim "thảm họa"  ảnh 1“Em là bà nội của anh” không được mời tranh giải Cánh Diều Vàng
vì là phim Việt hóa kịch bản nước ngoài

Hai lý do lùi thời điểm tổ chức lễ trao giải

So với các lần tổ chức trước, lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2015 sẽ lùi lại hơn 1 tháng, diễn ra vào tối 20-4 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Theo thông lệ, lễ trao giải Cánh Diều Vàng sẽ diễn ra vào đúng Ngày Điện ảnh Việt Nam 15-3 (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam). Lý do của sự thay đổi này theo NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam là bởi Hội nhận thấy nếu tiếp tục tổ chức vào ngày 15-3 thì có nhiều bất cập.

Cụ thể đây là thời điểm chỉ sau dịp Tết cổ truyền khoảng hơn 1 tháng, trong khi Ban giám khảo hạng mục phim truyền hình dài tập thường phải dành từ 1 đến 1 tháng rưỡi để xem hết các phim dự thi. Đó là lý do việc mời các thành viên tham gia chấm chọn trong hạng mục này tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, cũng theo NSND Đặng Xuân Hải, có khá nhiều phim ra rạp trong và sau dịp Tết Nguyên đán nên trong thời gian đang hoạt động kinh doanh, các đơn vị sản xuất ngại đăng ký dự thi với lý do: “Nếu được giải thì tốt, không được lại ảnh hưởng đến kinh doanh”. Vì vậy các năm trước, nhà sản xuất các phim ra rạp trong thời gian này thường chọn phương án để sang năm sau, mùa giải lần sau mới gửi phim tham dự. 

Đại diện lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho biết, Ban Chấp hành Hội đã họp bàn và nhất trí, những năm kỷ niệm chẵn Ngày Điện ảnh Việt Nam 15-3 thì lễ trao giải Cánh Diều Vàng mới được tổ chức vào đúng ngày này. Các năm còn lại lễ trao giải sẽ được tổ chức vào thời điểm khác, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. 

Giải thưởng điện ảnh "Cánh Diều Vàng 2015": Không có phim "thảm họa"  ảnh 2

“Hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ tranh giải Cánh Diều Vàng 2015

Vắng phim độc lập, phim có yếu tố nước ngoài 

Có 18 trên tổng số hơn 40 phim truyện điện ảnh được sản xuất trong năm 2015 đăng ký tranh giải Cánh Diều Vàng năm nay. Con số này tuy không nhiều nhưng không có phim nào bị xếp vào hàng “thảm họa” nên chất lượng phim dự thi lần này được đánh giá là có độ “tinh”. Trong số này có 6 phim Nhà nước (Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Người trở về), 11 phim do các đơn vị tư nhân sản xuất (Quyên, Siêu trộm, Trúng số, Ngày nảy ngày nay, Bộ ba rắc rối, 49 ngày, Trót yêu, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh) và 1 phim do Nhà nước hợp tác với tư nhân sản xuất là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. 

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách phim kể trên có thể nhận thấy sự thiếu vắng của các phim độc lập từng được đánh giá cao tại các liên hoan phim quốc tế, trong đó phải kể đến “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và bộ phim mới nhất của đạo diễn Phan Đăng Di là “Cha và con và…”. Về điều này, đại diện Hội Điện ảnh cho biết, Ban tổ chức rất quan tâm đến việc mời các đạo diễn phim độc lập gửi tác phẩm tham gia tranh giải. Như giấy mời cũng đã được gửi đến đạo diễn Phan Đăng Di, thậm chí Ban tổ chức còn gọi điện thoại cho đạo diễn này dù anh đang ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc có gửi phim dự thi hay không là do các đạo diễn quyết định.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định, Cánh Diều Vàng luôn sẵn sàng đón nhận chứ chưa bao giờ đóng cửa hay không mời tác phẩm thuộc các dòng phim độc lập hoặc bất kỳ dòng phim nào.

Liên quan đến việc “Em là bà nội của anh” - bộ phim tư nhân gây “bão” doanh thu và được đánh giá cao cả về chất lượng nghệ thuật song không được mời tranh giải Cánh Diều Vàng năm nay, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết do bộ phim này Việt hóa kịch bản của nước ngoài, chưa kể đến việc dập khuôn nhiều yếu tố nên không đáp ứng được tính sáng tạo như tiêu chí đề ra. Cũng theo đại diện Hội Điện ảnh, việc không mời các phim Việt hóa kịch bản nước ngoài cũng là để đảm bảo vinh danh đúng những sáng tạo thuần Việt, mang đậm tính dân tộc.  

Đến thời điểm này, danh sách Ban giám khảo của các hạng mục dự thi cũng đã được Ban tổ chức công bố. Theo đó, chủ khảo của hạng mục phim truyện điện ảnh là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Đại diện Hội Điện ảnh khẳng định việc chấm chọn và quyết định trao giải cho phim nào hoàn toàn là quyền của Ban giám khảo và kết quả này sẽ được Ban tổ chức tôn trọng tuyệt đối.