Giải quyết nạn chạy trường

ANTĐ - Điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Thủ đô là vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo… rất được coi trọng. 

Theo Dự thảo này, Hà Nội có thẩm quyền quyết định chương trình giáo dục, đào tạo nâng cao cho các trường phổ thông đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế đồng thời vẫn thực hiện theo chương trình khung do Bộ  GD-ĐT quy định. Nghĩa là, Hà Nội được bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện theo chương trình chất lượng cao. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm quy định cụ thể các tiêu chí, chương trình giảng dạy cho các cơ sở giáo dục này. Quy định trên phù hợp với chức năng quản lý ngành của Bộ GD-ĐT và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục chất lượng cao còn được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Trước quy định mới này, không ít người dân tỏ ra băn khoăn vì chương trình học hiện nay đã khá nặng nề, nay lại thực hiện một chương trình bổ sung cao hơn chương trình hiện có thì liệu có gây thêm sức ép cho các em học sinh?

Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo đã đưa ra giải pháp: Chương trình nâng cao không được áp dụng một cách rộng rãi mà chỉ tiến hành trong các cơ sở thực hiện chương trình chất lượng cao, thầy cô có trình độ chuyên môn tốt, đối với một bộ phận học sinh có điều kiện, có trình độ nhất định. Ngoài ra, chương trình chất lượng cao là một dịch vụ giáo dục với các điều kiện tổ chức và phương pháp giảng dạy tốt hơn, với dịch vụ chăm sóc học sinh tốt hơn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện cả về sức khỏe và trí tuệ. Như vậy, việc đưa chương trình nâng cao vào không có nghĩa là tăng cường, “nhồi” thêm kiến thức, làm tăng thêm độ khó của chương trình giảng dạy mà là việc nâng cao chất lượng dạy và học cũng như đầu tư thêm về cơ sở vật chất trong một số trường học.

Việc áp dụng quy định này dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Nghĩa là khi học sinh được học chương trình chất lượng cao với điều kiện học tập tốt hơn, thì cũng phải chịu mức chi phí đào tạo cao hơn. Điều này có thể thực hiện dễ dàng hơn ở hệ thống trường tư thục, tạo ra sự công bằng trong xã hội.

Theo lẽ thông thường, không phụ huynh nào lại không muốn chọn cho con em mình được học ở một trường có chất lượng, điều kiện tốt hơn mà học phí bằng các trường khác. Nếu hệ thống các trường công lập vẫn trong tình trạng chênh lệch về chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất như hiện nay thì nạn chạy trường sẽ còn tiếp diễn. Nếu Luật Thủ đô được thông qua, phụ huynh nào muốn con em mình được học ở ngôi trường chất lượng cao hơn hẳn, họ phải chấp nhận mức chi phí cao để bù đắp cho chi phí chênh lệch do chính việc được nhận dịch vụ chất lượng cao đó.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước sẽ tập trung, phân bổ vào các trường công lập để bảo đảm chất lượng tối thiểu cho đông đảo các cơ sở giáo dục đại trà và con em người dân bất kể có điều kiện thuận lợi hay khó khăn đều có thể được thụ hưởng chất lượng giáo dục ở mức độ đại trà tương đương nhau mà không có sự phân biệt trường này tốt hay trường kia yếu kém. Khi đó nạn chạy trường sẽ không còn đất sống.