Giải mã bức tranh triệu đô thời Trần

ANTĐ - Tại bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) hiện đang lưu giữ bức tranh thư họa “Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn chi đồ” đề cập trực tiếp đến ông vua Việt Nam, sư tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi, khởi sự giáo hóa chúng sinh từ động Vũ Lâm (Ninh Bình) ra Thăng Long. Ngay khi phiên bản của bức tranh được bán đấu giá 1,8 triệu USD vào tháng 4-2012, giới nghiên cứu trong nước đã có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm qua ảnh chụp và xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều về nguồn gốc và tác giả của bức tranh.

Chân dung Phật hoàng Trần Nhân Tông được tiết lộ qua bức tranh

Có thể từng thuộc về Việt Nam

Sự kỳ thú ở đây là bức tranh của Trung Quốc nhưng lại vẽ về một trong những ông vua nổi tiếng nhất của Việt Nam-vua Trần Nhân Tông đã gây nhiều hứng thú cho giới nghiên cứu khoa học. Bức tranh có chiều dài lên đến 9,61m trong đó có 3,1m là phần lòng tranh còn lại là triện đầu tranh và các bài tựa phía sau đã cho thế hệ hôm này được biết nhiều hơn về quá khứ với trang phục người Việt thời Trần và đặc biệt chân dung vua Trần Nhân Tông.

So với những bức di ảnh và tượng còn lưu giữ không nhiều tại Việt Nam về Phật hoàng Trần Nhân Tông thì bức thư họa này đã vẽ vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm trong dáng vẻ và hình hài hoàn toàn khác. Ông được ngồi cáng, tay lần tràng hạt, cằm để râu, sống mũi thẳng và nhỏ, phong thái ung dung tự tại. Để đi tìm chân dung vua Trần Nhân Tông thì có thể coi đây là bức chân dung rõ nét và sinh động nhất về ông. Vì thế, bức tranh này có ý nghĩa lịch sử trong việc tìm hiểu và giải mã thông điệp của quá khứ. 

Do phần tựa của bức tranh có một đoạn ghi rằng “Bức tranh được vẽ tại Việt Nam và mọi người dân Việt Nam đã vui vẻ chuyền tay nhau xem” đã dấy lên những nghi vấn khoa học về việc tác phẩm này từng thuộc về Việt Nam sau đó mới lưu lạc sang Trung Quốc. Họa sỹ Nguyễn Đức Hòa lý giải “Bức tranh được ra đời vào năm 1363 tương ứng với thời nhà Nguyên của Trung Quốc. Triều đại lúc đó khá loạn lạc trong khi đó nhà Trần (Việt Nam) lại rất thái bình. Rất có thể tác giả của bức tranh đã chạy loạn sang Việt Nam để vẽ bức tranh này nên người Việt Nam mới có dịp được xem và chuyền tay nhau như trong lời tựa được ghi. Sau đó, đến thời nhà Minh sang xâm lược Việt Nam đã vơ vét tất cả những gì tinh túy của nước ta về phương Bắc. Vì thế, một nghi vấn cho rằng bức tranh này từng thuộc Việt Nam là có khả năng xảy ra”.  

Bí ẩn tác giả

Liên quan đến tác giả của bức tranh - Trần Giám Như, cũng có những ý kiến trái chiều nhau trong việc tìm hiểu ông là người Việt Nam hay Trung Quốc. Các nhà mỹ thuật, văn hóa khi nhìn vào bức tranh và thấy Trần Giám Như vẽ con người , con vật, tỉ lệ, không gian của người Việt rất thật đã đôi phần cho rằng ông là người Việt Nam. Hơn thế, Trần Giám Như sinh cách thời của Phật hoàng Trần Nhân Tông một thời gian đáng kể sao có thể vẽ chi tiết cảnh Trần Nhân Tông xuống núi đẹp và chuyên nghiệp đến vậy? Có lẽ phải là người Việt Nam, sống ở Việt Nam, được truyền tai nhau nghe sự tích Trần Nhân Tông xuống núi mới có thể vẽ cận cảnh như thế. 

Tuy vậy, nhà nghiên cứu văn hóa Xuân Bình, chuyên gia nghiên cứu về mỹ thuật cổ Việt Nam lại không đồng ý. Ông cho rằng, “Với những nét vẽ rất khéo từ những nét phẩy cho đến xoay dáng nhân vật, tôi có thể khẳng định bức tranh này đặc trưng cho cách vẽ của người Trung Quốc. Còn nhà nghiên cứu Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lại tiết lộ “Tôi đã được đọc nhiều tài liệu nghiên cứu về bức tranh này cũng như đọc được các thông tin ghi trực tiếp trên bức tranh bằng chữ Trung Quốc nhưng tôi thấy việc khẳng định Trần Giám Như là tác giả người Việt Nam là khó xảy ra. Ngay giới sử học Trung Quốc còn đang nghi ngờ về tác giả thật của bức tranh có phải là Trần Giám Như hay không?”.

Trong khi nhiều nghi vấn khoa học đặt ra đối với bức tranh triệu đô có liên quan trực tiếp tới lịch sử và văn hóa Việt Nam chưa đến hồi ngã ngũ thì nhà nghiên cứu Phạm Văn Tuấn tiết lộ “Chúng ta đang nghiên cứu trên phiên bản. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) để một lần được nhìn thấy bức tranh thật đều bị từ chối. Vì thế, các nhà nghiên cứu lịch sử của Việt Nam cũng cần hết sức tỉnh táo trước những thông tin được tung ra. Các văn bản tài liệu từ thời Trần để lại còn rất hiếm hoi. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang sở hữu một bức thư họa của thời kỳ đó. Phiên bản là 1,8 triệu đô la thì bản thật sẽ là bao nhiêu?”. Cho dù là vậy,  bức tranh “Trúc lâm đại sỹ xuất sơn chi đồ” vẫn có ý nghĩa lịch sử thật lớn đối với giới nghiên cứu khoa học trong việc tìm kiếm và giải mã nhiều bí ẩn của quá khứ.