Gã khùng ở xứ ngàn thông

ANTĐ - Du khách đến Đà Lạt để thưởng thức không gian lãng mạn, thế nào cũng phải tìm đến hồ Than Thở, thác Cam Ly, riêng với giới văn nghệ sỹ, đến Đà Lạt là phải tìm cách gặp MPK. Mà cách dễ nhất là cứ tới cà phê Tùng nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi.

Giọt nhựa thông

Nghệ sĩ lãng tử 

Thế nhưng, lần đầu tôi gặp MPK - Michael Phước Khùng lại không phải ở đó, mà trong căn phòng trọ trên tầng 2 của khu nhà trên đường Thủ Khoa Huân. Ngôi nhà rộng, nhưng căn phòng anh trọ thì hẹp, chưa tới 20m2. Cũng có thể nó trở nên hẹp hơn trong mắt tôi, bởi xung quanh căn phòng bừa bộn những bức ảnh cỡ lớn, những giày dép, sách vở, báo chí, đĩa nhạc các loại và… vỏ chai rượu. 

Nếu có cuộc bình chọn về nghệ sĩ lãng tử nhất ở xứ này, tôi không ngần ngại bầu chọn cho MPK. Anh không có căn nhà ống mặt phố như kiến trúc sư Lữ Trúc Phương để thiết kế thành Café 100 mái. Anh lại càng không có mảnh đất đẹp cùng với số tiền nhiều tỷ đồng như kiến trúc sư Đặng Việt Nga để ấp ủ thành một thương hiệu “Crazy House” (Ngôi nhà điên). MPK chỉ có chiếc máy ảnh cũ kỹ.

MPK vì thế trở thành một “đặc sản” của xứ sở này. MPK dường như vô tình đã tạo ra một hấp lực quyến rũ mọi người. Chẳng phải bởi vẻ bề ngoài đầy chất lãng tử: tóc dài, áo gi-lê, nụ cười thường trực, chỉ quen… đi bộ;  cũng không phải bởi cách nói chuyện quyến rũ rất hấp dẫn đối với các thiếu nữ, mà vì những bộ ảnh cầu kỳ, đẹp một cách lạ lùng ngợi ca đất, người và thiên nhiên Đà Lạt. Hàng chục năm trời sống và thở ở xứ này, MPK thuộc lòng những ngõ ngách, thuộc lòng thời tiết Đà Lạt. Bởi thế, anh không chỉ chụp những bức hình đẹp về phong cảnh. MPK đi sâu vào từng chuyên đề cụ thể. Này là bộ ảnh Sương và Hoa long lanh hàng trăm tấm. Này đây là những bộ ảnh về Nhụy, Mưa, Nắng, và Hoa dại, và Trăng, Mây… Đà Lạt. 

Chồi non

“Người mẫu” lạ lùng

Nhưng ít ai ngờ, tất cả những bộ ảnh đẹp một cách kỳ lạ về Đà Lạt kia lại được ra đời từ chiếc máy ảnh cổ lỗ sĩ (hiệu Nikon SMZ), rồi sau đó được MPK “cấy” thêm từ những vật liệu… bỏ đi, thậm chí từ chiếc ống nước. 

Một lần gặp, MPK vui mừng “tiết lộ” với tôi rằng anh vừa “cải tiến” được một thiết bị hỗ trợ cho việc chụp ảnh từ... chiếc mũ bảo hiểm hỏng. “Lãng tử xứ hoa” MPK lại say sưa kể về chủ đề ảnh anh đang hứng thú theo đuổi, đó là Mủ ngo (tức là những giọt nhựa thông). Thông là biểu tượng của Đà Lạt, nhưng Đà Lạt đang đánh mất rất nhiều hàng thông cổ thụ. Người ta vì những lý do khác nhau đã và đang ngày hủy diệt những dãy thông tuyệt đẹp.

 Và trong một chuyến lang thang, khi chứng kiến những gốc thông bị chặt ứa ra những giọt nhựa, MPK chợt phát hiện ra vẻ đẹp biến đổi của nó. Ở đó, giờ không chỉ là một giọt nhựa với những màu sắc lúc trong veo, lúc vàng vọt, khi đen thẫm nữa. Mà đó chính là những giọt nước mắt, là lời kêu cứu trong nỗi tuyệt vọng của những gốc thông già. Và hơn thế, qua sự phản chiếu của những giọt nhựa, thông là hình ảnh của cả thế giới con người. MPK quỳ xuống dưới những gốc thông và đưa ống kính máy ảnh vào từng giọt mủ li ti ấy, chờ đợi phút giây tuyệt diệu nhất, có ý nghĩa “kể chuyện” nhất để bấm máy. “Mủ ngo là những giọt ngọc, giọt máu, giọt nước mắt của rừng mà thiên nhiên ban tặng. Lúc mới tứa ra nó có màu trắng, dần dần trở thành trắng đục, vàng, cam, nâu sậm, đen… Trong mỗi giọt nhựa thông vẫn chứa đủ 7 màu của quang phổ: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím - ứng với “thất tình” của con người: hỉ, nộ, ái, ố, cụ, ai, lạc và 7 nốt nhạc: Ut (Do), Re, Mi, Fa, Sol, La, Si…”, MPK nói.

Sương qua ống kính của MPK

120 bức ảnh chung góc chụp

Năm nay, Đà Lạt tròn 120 năm tuổi. Để tri ân với thành phố cả đời gắn bó, MPK đã chọn 120 bức ảnh Langbiang để “thết đãi” công chúng. Nhưng anh không lặp lại ai, cũng không lặp lại chính mình. Để có bộ ảnh này, từ mấy năm trước MPK đã kỳ công lựa chọn một điểm để “chôn chân” bấm máy. Chỉ duy nhất một chỗ đứng, một góc chụp, nhưng Langbiang bốn mùa xuân - hạ - thu - đông hiện ra qua 120 tấm ảnh của “Phước khùng” khiến người ta yêu Đà Lạt hơn. Và cũng chỉ có tình yêu mê đắm với xứ này như MPK mới đủ say để cả năm trời đứng bấm máy một chỗ như thế.  

Mấy năm trước MPK lấy vợ. Tin này khiến nhiều người sửng sốt nhưng vui. Vì gã lãng tử nhất xứ ngàn thông cũng chịu dừng lại, để lo về một tổ ấm. Rồi người ta lại nghe đồn, MPK phải bán đi một phần bộ ảnh của mình để lấy tiền… mua nhà riêng. Quyết bán bớt một phần “gia sản” của mình, hẳn MPK cũng phải xót lắm. Như cây thông ứa ra từng giọt nhựa.

Giờ ngồi lại viết những dòng về MPK, tôi vẫn nhớ lắm căn phòng chật, một đêm khuya lạnh, ngoài thềm mưa tí tách. MPK nói nhiều về những dự định của mình. Anh chọn cho mình cái nghệ danh “Phước khùng”, nhưng tôi thấy anh đâu có… khùng. MPK sống tình cảm, thương từng giọng sương, từng đôi mắt côn trùng, từng giọt nhựa thông, từng bông hoa cỏ… Anh vẫn mơ về một tập sách ảnh của mình được in ấn và trình bày cẩn thận. Nhưng điều ấy, vẫn mãi chỉ là một giấc mơ, vì anh không biết làm cách gì để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Vì anh chỉ biết sống thật hồn nhiên, đắm say với thiên nhiên cây cỏ, thi thoảng buồn thì với tay cầm cây đàn hoặc cầm bút viết ra những truyện ngắn về con ve, cái kiến, về chú ếch xanh hay kể những câu chuyện của mây trời...