Đưa kinh tế “vượt dốc”

ANTĐ - Cách đây 6 tháng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nên tính đến kịch bản thứ 3 cùng với hai kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã soạn thảo. Lý do mà Ủy ban này đưa ra là không phải muốn “bàn lùi” mà bởi dự báo nền kinh tế diễn biến theo chiều hướng xấu hơn cả hai kịch bản. Kịch bản 1, GDP năm 2012 tăng khoảng 6% so với năm 2011. Kịch bản 2, GDP dự báo tăng khoảng 6,5%.

Vì sao phải thận trọng đặt thêm kịch bản thứ 3? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích rằng, mặc dù ủy ban nhất trí với Chính phủ chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội những phương án tăng trưởng kèm theo những giải pháp thực hiện trong từng phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý trong từng tình huống phù hợp với diễn biến mới. Việc xác định tốc độ tăng trưởng GDP liên quan đến những cân đối khác của nền kinh tế.

Hơn thế còn là căn cứ quan trọng để xác định các chính sách, phân bổ nguồn lực cũng như để tính toán các chỉ tiêu khác. Gần đúng như dự báo của Ủy ban Kinh tế, tới thời điểm này, cho dù là theo kịch bản tăng trưởng thấp thì cũng hầu như không khả thi. Báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp thứ 3 này cũng đã nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2012 rất khó đạt được. Bởi vì quý I chỉ đạt có 4%, dự báo quý II cố gắng lắm cũng chỉ đạt 4,5%. Như vậy trong 6 tháng cuối năm sức ép tăng trưởng là cực lớn mới có khả năng đạt dưới 6%. Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đã đề ra kịch bản thứ 3 cho phù hợp với tình hình từ nay đến cuối năm.

Phương án tối ưu là giữ GDP tăng từ 5,5-6% để có được chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý tăng khoảng 8-9%. Một phó chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Song trong những tháng qua, lạm phát từng bước được kiềm chế cho nên trong bước đi sắp tới có lẽ cần phải có những điều chỉnh nhanh nhạy. Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát là mục tiêu không thể lơi lỏng, nhưng cũng không thể cứng nhắc không điều chỉnh tăng trưởng hợp lý. Việc ổn định kinh tế vĩ mô mới chỉ là bước đầu, chưa vững chắc. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế lại là nỗi lo trong hoạch định chính sách vĩ mô, điều hành vi mô. Đặc biệt, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng diễn ra ở cả ba nhóm, ngành: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ. Nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, nhiều năm tăng cao hơn tốc độ chung và trở thành động lực đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Song, quý I năm nay nhóm ngành công nghiệp - xây dựng lại rơi vào suy giảm.

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Nền kinh tế đã rơi vào giảm phát. Suy giảm đã rất rõ, giảm phát đã rõ”. Thông điệp hành động của Chính phủ lúc này là chặn đứng đà suy giảm sâu và từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế là điều kiện để ổn định vĩ mô, đưa kinh tế “thoát đáy” vượt dốc đi lên.