Du Xuân với hội làng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ra Giêng, giữ đúng lời hẹn với ông Vũ Huy Nhan, người trông coi đền thờ thủy tổ họ Vũ, tôi về lại làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang, Hải Dương). Con đường dẫn vào làng hôm nay đông vui nhộn nhịp. Nhớ hồi cuối năm ông Nhan đã nói: “Trước khi mất, cụ thủy tổ Vũ Hồn còn dặn dò: Không lấy ngày mất của ta để cúng giỗ mà lấy ngày sinh của ta, đó là ngày để làng vui hội”.

Đệ nhất khoa cử

Nghe theo lời cụ nên người làng Mộ Trạch (người họ Vũ) đã lấy ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm để mở hội làng. Ngày trước hội làng suốt cả tháng Giêng, nhưng sau này nhớ lời cụ đã nói “Đừng dông dài lãng phí thời gian” nên hội chỉ làm từ mùng 7 đến 9 tháng Giêng hàng năm”.

Hội làng Mộ Trạch năm nay có thêm niềm phấn khởi, số là sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, hội phải tạm hoãn để cùng cả nước chống dịch. Nay các cụ mở lại hội để con cháu xa gần, khách thập phương về với ngôi làng được mệnh danh là “Đệ nhất khoa cử” nước Việt. Từ nhiều đời, người ta đã có câu hát về làng Mộ Trạch: “Mạch từ lòng đất chảy ra/ Như nguồn sữa mẹ nuôi ta tháng ngày/ Truyền rằng ở mạch giếng này/ Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi”.

Những hồi trống thúc rộn rã, dòng người mỗi lúc mỗi đông. Tôi hòa vào dòng người trẩy hội với tâm trạng vừa háo hức vừa say sưa. Háo hức là bởi đây là lần đầu tiên tôi được dự một lễ hội, mà lại lễ hội của một làng nức tiếng học hành. Say sưa là bởi không khí xuân còn nhiều phơi phới, nhất là khi đưa mắt sang 2 bên con đường dẫn vào làng ngợp màu xanh của lúa. Nhớ cũng là ông Vũ Huy Nhan đã thật thà nói rằng: “Làng tôi kể từ khi cụ Vũ Hồn về đây lập làng chẳng có gì ngoài lúa, ngoài học”. Câu giới thiệu nghe khiêm tốn vậy thôi chứ làng Mộ Trạch từ lâu đã nức tiếng gần xa, là niềm tự hào của người dân quê lúa. Theo như lời ông Vũ Huy Nhan thì “Từ năm 1428 - 1789, làng Mộ Trạch đã có đến 36 vị đỗ Tiến sĩ, hàng trăm người đỗ Hương cống, Sinh đồ, Tú tài. Nhiều người trong số các đại khoa đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình. Mộ Trạch cũng là nơi xuất thân của 5 trạng gồm: Trạng chữ Lê Nại, Trạng toán Vũ Hữu, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng vật Vũ Phong và Trạng chạy Vũ Cương Trực.

Được biết, đền thờ thủy tổ họ Vũ - Võ được xây dựng vào năm 1685 dưới triều vua Lê Thần Tông. Đền xây theo kiểu truyền thống, có 3 gian hình chữ Đinh, xây dựng trên chính phần đất mà trước khi mất cụ Vũ Hồn đã dặn dò con cháu. Cụ cho rằng, vị trí này có hình dáng đầu rồng đang ngẩng cao trông về hướng Đông, hướng ấy mặt trời mọc sẽ rọi soi cho con cháu. Ở sát 2 bên phía trong cổng đền có 2 ao nhỏ. Phía bắc là ao Tam Thai, thể hiện 3 quả trứng với ý nghĩa sẽ sinh sôi đời đời con cháu. Phía Nam là ao Mực thể hiện sự dồi dào nguồn chữ nghĩa không bao giờ hết.

Làng Mộ Trạch còn có tên khác là làng Chằm, có nghĩa là làng đất trũng. Khi cụ Vũ Hồn về đây lập làng thì đặt tên cho làng là làng Khả Mộ với suy nghĩ là vùng đất tuy còn cằn cỗi nghèo nàn nhưng có thể sau này sẽ trở nên trù phú hơn và sẽ được mến mộ. Mãi đến sau này, vào khoảng triều nhà Trần làng mới đổi tên là Mộ Trạch, nghĩa là vùng đất được mến mộ.

Như để chứng minh cho sự ngẫm của cụ Vũ Hồn năm xưa, ông Vũ Huy Nhan dẫn chúng tôi ra đứng trước cửa đền và cho hay: “Nguồn nước chảy mãi được trong câu ca chính là giếng làng Mộ Trạch vốn không bao giờ cạn hay vẩn đục”. Giếng làng có đường kính là 36m, vừa khớp với con số 36 vị Trạng nguyên, Tiến sĩ của làng. Trước đây những năm đại hạn, trong khi giếng làng khác đã cạn, thì giếng làng Mộ Trạch vẫn như vậy. Sự trùng hợp này khiến người dân tin rằng con em mình thông minh học giỏi là nhờ giếng làng hội tụ được tinh hoa của trời đất.

Hiện nhà bia Tiến sĩ làng Mộ Trạch có đủ 36 tấm bia Tiến sĩ là người của làng

Hiện nhà bia Tiến sĩ làng Mộ Trạch có đủ 36 tấm bia Tiến sĩ là người của làng

“Ngọc bất trác bất thành khí…”

Dòng người bắt đầu đổ về đền thờ thủy tổ. Tôi ngước mắt nhìn vào, dòng người đông đến ngỡ chen chân, ấy vậy mà vẫn rất nghiêm cẩn và trật tự. Cứ theo cung cách ấy tôi đoán rằng con cháu người họ Vũ - Võ từ khắp nơi trên cả nước tìm về nguồn cội đang bày tỏ lòng tri ân của mình đối với người có công lập làng, người có công đưa Mộ Trạch vốn nghèo khó trở thành một làng vinh danh khoa cử. Nhận ra người quen, ông Vũ Huy Nhan vui vẻ ra đón và mời chúng tôi vào đền. Sau khi thỉnh một hồi chiêng kính cáo, ông Nhan hướng dẫn mọi người thắp hương. Rồi ông cho hay: “Tượng cụ Vũ Hồn được đúc năm 2008, bằng đồng, nặng 490kg. Điều lý thú là số cân nặng của tượng ứng với tuổi hưởng dương 49 của cụ”. Khi tiến hành đúc tượng, dòng họ Vũ ở làng và những người có trách nhiệm đã thực hiện khảo sát để tìm mẫu tượng. Theo đó có 3 căn cứ để xác định mẫu. Một là tra cứu theo gia phả. Hai là tham khảo ý kiến của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ba là dựa vào truyền tụng trong dân với lời đồn cụ Vũ Hồn có khuôn mặt giống Vua Thang, vua Vũ ở bên Trung Quốc. Có 5 mẫu được đúc thử để lựa chọn. Việc lựa chọn cũng thật tâm linh, đó là lập đàn khẩn cầu cụ hiển linh chỉ giáo. Sau khi được nghe “lời chỉ giáo của cụ Vũ Hồn” các nhà điêu khắc đã điều chỉnh và cuối cùng tìm được một mẫu mà “cụ” chấp nhận.

Hội làng Mộ Trạch bắt đầu bằng lễ rước kiệu từ đền thờ ra đình làng để các chức sắc, bô lão làm lễ tế Thành hoàng. Tám trai làng áo chẽn đỏ, đầu chít khăn đỏ cùng khiêng kiệu, trên ngai cao có mũ, áo, hia màu vàng tượng trưng cho ông tổ Vũ Hồn. Trên long ngai có che tán 2 bên, đi đầu có bát bửu lộ bộ, cờ, quạt. Tách khỏi đoàn rước kiệu, tôi rảo bước về phía sau đền, ở đó có một ngôi nhà khá cao, rộng và thoáng. Nhà không có tường bao xung quanh, lại cộng với mái nhà kiểu 2 tầng nên như tô thêm vẻ uy nghi. Đó là nhà bia Tiến sĩ ở ngay trong khuôn viên của đền. Nhà bia Tiến sĩ của làng Mộ Trạch được xây dựng năm 2008.

Nhớ lần trước ông Nhan đã giới thiệu: “Khi tiến hành làm bia, chúng tôi đã cử người ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để xin được sao chép 28 vị Tiến sĩ là người làng để về khắc bia lưu danh. Lý do sao Văn Miếu - Quốc Tử Giám không có đủ 36 vị Tiến sĩ là bởi Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là người đề xướng dựng bia để tôn vinh các trí thức Nho học đỗ đạt nên chỉ khắc tên Tiến sĩ tính từ thời điểm đó. Hiện nhà bia Tiến sĩ làng Mộ Trạch có đủ 36 tấm bia Tiến sĩ là người của làng. Mỗi vị một bia, bia được khắc mặt trước chữ Hán, mặt sau chữ Việt đặt trên lưng rùa, xếp thứ tự từ vị đầu tiên đến vị cuối cùng theo chiều kim đồng hồ. Ở chính giữa nhà bia là một bia đá lớn ghi công lao thủy tổ họ Vũ - Võ.

Từ ngoài đồng, gió xuân đưa tới mùi thơm của lúa, dòng người vẫn nườm nượp nối nhau. Tôi nhớ lại câu nói của ông Nhan: “Làng tôi không có gì ngoài học cả”. Chao ôi! Câu nói giản dị ấy mà chứa đựng bao điều khiến chúng ta phải suy ngẫm. Sự học sẽ đem lại ấm no, phồn thịnh. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.