Đột phá ba trụ cột

ANTĐ - Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế quý 1-2014, cho thấy GDP tăng trưởng 4,96% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất so với 3 quý gần đây. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, dịch vụ tăng 5,95%; nông, lâm, thủy sản tăng 2,37%. Một trong những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước là nhờ sự tăng mạnh mẽ của một số địa phương, nhất là bứt phá của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Xu hướng phục hồi của nền kinh tế khá rõ nét, nhưng “sức khỏe” kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Tại cuộc hội thảo vừa diễn ra về chủ đề tăng trưởng kinh tế bền vững, ý kiến của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, lãnh đạo một số bộ, ngành cũng như giới chuyên gia đều tập trung xoáy vào 3 nút thắt tăng trưởng hiện nay. Đó là thể chế, chất lượng nguồn lực và kết cấu hạ tầng. Tiến trình công nghiệp hóa vẫn giậm chân tại chỗ, chủ yếu còn nặng về gia công, lắp ráp, giá trị thấp. Công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn triển khai chậm, chưa rõ hướng và chưa thật hiệu quả. Môi trường thể chế yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và kết cấu hạ tầng yếu vẫn là điểm nghẽn, nút thắt cản trở tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã chọn đúng 3 mũi đột phá cho nền kinh tế, song mới chỉ tạo được bước chuyển ban đầu, chưa đủ lực tạo ra bước ngoặt cho toàn bộ hệ thống kinh tế.

Năm 2014 được chọn là năm cải cách thể chế mạnh mẽ, theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các giải pháp mang tính tình thế sẽ không có tác dụng lớn, thay vào đó phải là giải pháp đột phá để xoay chuyển tình thế, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp như hiện nay. Nếu không đổi mới từ thể chế bộ máy Nhà nước đến thể chế thị trường thì khó có hy vọng đưa nền kinh tế thoát khỏi “bệnh trầm cảm”, chứ đừng nói tới đi lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Theo báo cáo “Các chỉ số phát triển thế giới” của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm đáng kể từ mức 7,9% giai đoạn 1990-2000 xuống còn 6,6% giai đoạn 

2000-2012. Nguyên nhân được chỉ ra là bất cập về thể chế đã làm suy giảm hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực, làm cho kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Tăng trưởng suy giảm còn tác động bất lợi đến tạo việc làm có chất lượng trên thị trường lao động, trụ cột chính của tăng trưởng bao trùm.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế nước ta có độ mở rộng, Việt Nam được khuyến cáo cần tạo sự đột phá 3 trụ cột: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần tháo gỡ “điểm nghẽn” và thúc đẩy phát triển các ngành tạo việc làm và kế sinh nhai cho nguồn lao động ít kỹ năng, dễ bị tổn thương. Đột phá ba trụ cột chính là động lực rất mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt qua đáy suy giảm, vươn lên vững vàng.