Phố còn những hàng cây

ANTD.VN - Người Hà Nội đi xa trở về, người Hà Nội sắp sửa chia xa, nếu hỏi những điều quen thuộc mà họ nhớ về thành phố này, tôi tin trong vô vàn những điều để nhớ thì ai cũng sẽ nhớ về một hàng cây, bóng cội của riêng mình.

Bây giờ, nếu bảo chỉ ra điều gì là bản sắc của một thành phố như Hà Nội thì e rằng rất khó, bởi khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin đã quá dễ dàng khiến cho từ con người, đến đường phố đều mất đi rất nhiều những riêng tư. Có chăng, chỉ còn đó những hàng cây trên phố, những sinh vật sống, lặng thầm sinh sôi, giữ mùa cho phố.

Cây thì ở đâu cũng có. Nhưng cây ở mỗi thành phố là sự phản chiếu tinh tế tâm hồn của con người nơi mà nó lớn lên. Con người có thể thay đổi những thói quen bề ngoài theo các trào lưu.

Thời trang của họ có thể thay đổi, kiến trúc nhà cửa cũng có thể đổi thay, được đập bỏ, sửa chữa dễ dàng. Cây thì không, nó lưu giữ trong những vòng vân gỗ cổ thụ những ký ức đô thị và nhắc nhớ con người ta vào những khoảnh khắc thường không ngờ đến. 

Mà sẽ là những ký ức riêng tư, chứ không phải những nỗi nhớ cộng đồng mòn sáo như hàng sấu lá vàng bay mê mải cùng nắng sớm mùa xuân, hay ban tím ban hồng bên bóng nước hồ Tây, hoặc bằng lăng phố nhỏ…

Có một thời gian, tôi hay uống cà phê nơi quán nhỏ gần ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo. Mỗi tháng hai âm, có một cội sưa già thường nở hoa trắng xóa. Quán với dăm bộ ghế mây rẻ tiền, mấy bức tranh chép, bà chủ trung niên, khách không sành điệu.

Cây thì ở đâu cũng có. Nhưng cây ở mỗi thành phố là sự phản chiếu tinh tế tâm hồn của con người nơi mà nó lớn lên.

Thường ngày, quán là nơi buôn chuyện của đám nhân viên vài văn phòng gần đấy. Còn khi hoa sưa nở, tôi hay gặp những vị khách vừa lạ vừa quen. Có người đàn ông tóc bạc thỉnh thoảng đến một mình.

Có đôi tình nhân kẻ trước người sau đến ngồi vào chỗ mà không gọi đồ uống, bà chủ chỉ gật đầu bưng ra cà phê đen không đường cho người đàn ông, cà phê nâu cho người phụ nữ. Khách nhìn ra đường, bà chủ nhìn ra đường, phố mưa phùn tả tơi hoa trắng.

Lại có một buổi sáng mùa đông năm nào bạn tôi định chia tay thành phố. Bạn hẹn tôi nơi một góc phố buồn mảnh khảnh bằng lăng lay lắt lá vàng. Bạn sôi nổi chia sẻ cùng tôi bao dự định ở nơi sống mới, với những nỗi buồn đau để lại thành phố này… cho đến khi một chiếc lá vàng gió đưa trước mặt khiến chúng tôi lặng im cho đến lúc hết cuộc hẹn hò. Buổi chiều, bạn nhắn tin “Tao ở lại thôi, nỗi buồn đi đâu vẫn thế!”.

Có thể tôi nhầm, có thể là một điều gì khác, nhưng chiếc lá vàng ngày mùa đông từ cành bằng lăng mảnh khảnh đó luôn là điều đọng lại trong ký ức của tôi như một lý do đã níu giữ bạn mình.

Hà Nội, có những lúc khiến người ta chán nản, thậm chí là giận dữ bởi những điều đáng thất vọng xui ta muốn bỏ đi. Nhưng, để xa được thành phố này, có lẽ người ta không nên tìm cách chia tay nó. Bởi, nếu nghĩ đến việc chia tay mà đi ra phố, những hàng cây kéo kỷ niệm ùa về với rất nhiều xao xuyến.

Cây sẽ chỉ là cây, muôn đời vẫn thế. Người ta có thể dễ dàng lên kế hoạch chặt bỏ hàng ngàn cây xanh trong một cơn hứng chí. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra với những người không từng có ký ức với thành phố này. Mà ký ức, được lưu giữ từ hàng cây, bóng cội, là ký ức sống, là ký ức vẫn tiếp tục được bồi đắp bằng trải nghiệm thời gian qua mỗi mùa cây thay lá ra hoa. Không phải thứ ký ức đóng đinh trên những mảng tường rêu.

Thành phố của mỗi người dù có đổi thay với những trào lưu mới, nhưng sẽ chẳng xa lạ bao giờ khi còn những hàng cây.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến