Độc đáo hát xoan

(ANTĐ) - Xoan là đọc chệch đi từ chữ “xuân” để khỏi phạm húy tên một nữ tướng thời Hai Bà Trưng, là loại hình ca hát “đặc sản” của Phú Thọ. Hồ sơ hát xoan đề nghị UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” đã lên đường sang Paris.

Độc đáo hát xoan

(ANTĐ) - Xoan là đọc chệch đi từ chữ “xuân” để khỏi phạm húy tên một nữ tướng thời Hai Bà Trưng, là loại hình ca hát “đặc sản” của Phú Thọ. Hồ sơ hát xoan đề nghị UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” đã lên đường sang Paris.

Sự sống của hát xoan phụ thuộc vào thế hệ trẻ ( Ảnh: Thúy Hằng)
Sự sống của hát xoan phụ thuộc vào thế hệ trẻ
( Ảnh: Thúy Hằng)

Hát xoan có từ thời nào?

Bao phủ quanh hát xoan là cả một bức màn huyền thoại đan kết giữa cái ảo với cái thực, thêu dệt những tình tiết hư cấu hoang đường quanh những tên tuổi có thật trong lịch sử. Từ những truyền thuyết mang màu sắc cổ tích hé lộ vài điểm mốc cho các nhà “khảo cổ” phi vật thể bám giữ, từ những di tích đình miếu ở vùng xoan có thêm chút chứng cứ vật thể cho các nhà sưu tầm nghiên cứ. Phần lớn những dấu tích đó liên quan tới vua Hùng hoặc vợ và các con gái vua Hùng, từ đó dẫn đến suy đoán hát xoan sinh ra từ thời các vua Hùng.

Nếu càng cổ thì càng thêm tự hào cho ta và càng dễ gây ấn tượng với người, song không vì thế mà thiếu thận trọng trong ước tính tuổi đời của hát xoan. Từ cách nhìn khác, hát xoan không thuộc tầng văn hóa cổ nhất Việt Nam, mà định hình vào giữa thời trung đại với những yếu tố “di truyền” của những thể loại ca nhạc lễ nghi tín ngưỡng đã có từ thời cổ đại. Thành thử năm sinh của hát xoan đang “du di” trong khoảng thời gian mười mấy thế kỷ, với cái mốc cuối liên quan tới không gian diễn xướng của nó là đình làng.

Vùng xoan giới hạn đến đâu?

Bốn làng xoan gốc vốn được biết đến là Phù Đức, Kim Đới, An Thái và Thét. Từ cái nôi đó, hát xoan đã phát tích trên vùng đất từng thuộc Văn Lang. Không gian hát xoan vượt sông Lô, sông Thao, tạo nên “một vùng văn hóa hát xoan” thuộc 18 làng xã xung quanh đền Hùng.

Chuỗi điền dã của Viện Âm nhạc từ những năm trước đây cho đến chuyến đi mới nhất nhân “vụ” làm hồ sơ đã quét dọc theo vùng “phủ sóng” của hát xoan cho thấy mặc dù tổ chức phường xoan rộng mở, mặc dù bất kỳ ai không thuộc họ xoan nếu thích đều có thể đến cụ trùm xin học hát để sau đó nhập cuộc chơi xoan, thì xoan vẫn là đặc sản của riêng Phú Thọ chứ không “vượt biên” ra ngoài lãnh thổ Văn Lang xưa.

Đặc trưng của xoan là gì?

Cách tổ chức và quản lý nghệ thuật trong họ xoan, phường xoan không nghiêm ngặt như quan họ. Vai trò và mối quan hệ đào - kép trong xoan cũng đơn giản hơn ca trù. Xoan mộc mạc, hồn nhiên và dễ hòa đồng hơn.

Tính đa dạng trong bài bản của xoan hình thành từ chương trình diễn xướng bao gồm hai phần lễ và hội. Những yếu tố tín ngưỡng kết nối với tính chất phồn thực, tạo nên một không gian rộng mở, vừa tâm linh vừa thế tục. Hát nghi lễ trang nghiêm thành kính bao nhiêu, thì hát giao duyên tình tứ dân dã bấy nhiêu. Trong các tiết mục giao duyên, sự đối đáp không còn bó hẹp trong phường xoan mà diễn ra giữa các đào xoan với đám trai làng sở tại, đấy là lúc người xem nhập vào vai người chơi xoan, người thưởng thức hóa thành người diễn xướng.

Có thể hình dung một “bữa tiệc” xoan kéo dài từ phần “đạo” đến phần “đời”, bắt đầu từ lối hát hàng dọc với các lễ ca nhập tịch, nghênh thần và 14 bài quả cách, rồi chuyển sang hát hàng ngang đối đáp trao duyên. Nếu hát hàng dọc thuộc “độc quyền” trình diễn của phường xoan, thì hát hàng ngang đem lại cơ hội kết nối thâm giao giữa phường xoan với các làng bạn và đưa xoan vượt ra không gian đình thờ để hân hoan bừng nở trong đời sống dân dã.

Đỉnh điểm của chặng hát hội hè đình đám và được trông đợi nhất là tiết mục Mó cá, dẫn đến những khoảnh khắc hiếm hoi cho phép bản năng tự nhiên của con người công khai “vượt rào” đạo lý phong kiến. Chưa thấy lối hát giao duyên nào thấm đẫm tinh thần Nho giáo lại dám bất chấp điều cấm kị “nam nữ thụ thụ bất thân” như thế.

Còn nữa, các nhà nghiên cứu cho biết có tục kết nghĩa trai trong làng vai anh, gái họ xoan vai em và đã là anh em thì không thể lấy nhau. Song lại được biết từ nhân chứng sống là các nghệ nhân rằng “muốn lấy thì lấy chứ ai cấm”, rằng cộng đồng xoan còn khuyến khích trai chưa vợ, gái chưa chồng thả sức hát múa, đụng chạm, đùa bỡn, trêu ghẹo nhau, và những đứa con hình thành vào đêm xoan huyền diệu ấy được coi là những đứa trẻ trời ban thưởng!

Một trong những nét hấp dẫn của xoan là hình thức diễn xướng tổng hợp ba yếu tố: hát - múa - nhạc cụ đệm. Múa là thành tố phụ trợ nhưng giữ vai trò không thể thiếu. Mỗi quả cách không những độc lập về âm nhạc (giai điệu và lời ca), mà còn có điệu múa riêng. Với các chức năng biểu cảm, tượng trưng và minh họa, chính múa đã tôn phần “xướng” bằng phần “diễn” nhiều lớp lang lôi cuốn và kịch tính trong xoan.

Điểm độc đáo nhất về mặt âm nhạc học là lối hát đối đáp ở hai điệu thức cách nhau quãng 4 đúng. Kép xướng đào xô, kẻ hỏi người thưa, chàng tung nàng hứng, cứ thế luân phiên trong lúc mỗi bên luôn trung thành với thang âm của riêng mình.

Bảo tồn sao cho đúng cách?

Hồ sơ hát xoan lên đường sang UNESCO

Hồ sơ quốc gia hát xoan Phú Thọ vừa được gửi sang tổ chức UNESCO có trụ sở tại Paris (Pháp) để xem xét ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ hát xoan bao gồm 1 bản tóm tắt khái quát về di sản hát xoan cùng  1 phóng sự giới thiệu về di sản. Bên cạnh đó là phần phụ lục các công trình nghiên cứu từ trước tới nay về hát xoan Phú Thọ cùng chương trình hành động bảo tồn di sản. Theo lộ trình, trước tháng 9 - 2010, Ban thư ký của UNESCO sẽ xem xét hồ sơ và yêu cầu Việt Nam bổ sung những gì còn thiếu. Tháng 10-2010, hồ sơ sẽ được thẩm định vòng 1. Đến tháng 2-2011 là giai đoạn thẩm định chuyên môn, tại đây các chuyên gia sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu chọn di sản.

Yên Vân

Mang tính quyết định nhất trong phục hồi xoan là vấn đề con người, trước hết là nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Thật may, xoan vẫn còn những “báu vật nhân văn sống”, trong số đó có vài cụ đã trên dưới trăm tuổi, nhưng còn mê xoan đến độ mắt lòa lưng còng chân yếu rồi mà các cựu đào, cựu kép vẫn sẵn lòng dẫn dắt con cháu đến với xoan và làm cố vấn cho đám trẻ biết chơi xoan.

Quyết định cuối cùng cho sự sống còn của xoan thuộc về thế hệ trẻ. Xoan, cũng như mọi thể loại âm nhạc cổ truyền dân tộc chỉ thực sự có tương lai khi được công chúng trẻ cảm nhận và đem lòng yêu mến. Có thể hy vọng vào giới trẻ lắm chứ khi ngắm nhìn phường xoan trong những đêm hát: những gương mặt xinh tươi của các cô đào đang tuổi cắp sách đến trường, giọng hát mượt mà quyến rũ của cậu kép chính tạm gác nhiều ngày công nghề mộc kiếm ra khối tiền để nhập cuộc chơi xoan...

Muốn khuếch tán tình yêu xoan ra khỏi vùng xoan, biến hát xoan thành ngày hội mang ý nghĩa quốc tế, thì trước tiên chính cư dân sở tại - chủ nhân của nghệ thuật có một không hai này phải thật sự yêu thích và tự hào về gia sản của mình.

Nguyễn Thị Minh Châu