Đi thật xa để nhớ về Hà Nội!

ANTD.VN - Từ Hà Nội, chúng tôi đã phải trải qua hàng chục giờ bay để đặt chân đến một quốc gia ở châu Phi. Đó là một nơi mà trước kia, chúng tôi chỉ biết đến qua các bản tin thời sự với đầy rẫy những bất ổn an ninh, chính trị hoặc những địa danh cảnh vật thiên nhiên trong chương trình về thế giới động vật. 

Những địa danh, góc phố thân quen của Hà Nội khiến ai đi xa cũng luôn nhớ về

Chúng tôi đặt chân đến nước bạn sau một hành trình dài và thông tin đầu tiên chúng tôi tiếp nhận lại về số phận của những đồng bào ở một quốc gia khác trong hành trình tìm kiếm cơ hội ở miền đất hứa. Những từ khóa, những thông tin về phận người bấp bênh mưu sinh ấy cứ quấn lấy chúng tôi với dày đặc những bản tin ở quê nhà. Mà không chỉ riêng chúng tôi, những câu chuyện ở xứ người với những người đồng bào khác ở xa Tổ quốc, chủ đề đó lúc nào cũng có mặt trong các cuộc trò chuyện. 

Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là Tanzania, một vùng đất mà hiện tại một tập đoàn viễn thông của Việt Nam đã đánh dấu sự hiện diện của mình thông qua mạng Halotel. Và cũng chính vì thế, tại vùng đất này nhiều người Việt đang mải miết làm một công việc với mục tiêu hoàn thành phủ sóng gần 4.000 làng “trắng sóng”; triển khai và bàn giao đường truyền Internet theo cam kết với Chính phủ Tanzania với gần 1.000 điểm.

Câu chuyện kinh tế quả thật là một câu chuyện dài và sẽ rất khô khan khi diễn đạt. 

Có một câu chuyện khác sinh động với chúng tôi hơn đó là những người Việt ở xa Tổ quốc đến hàng chục giờ bay. Thiếu thốn, dĩ nhiên là một thực tế đồng nhất của những người Việt ở trời Phi và ở nhiều nơi khác. Sự thiếu thốn diễn ra từ những vật dụng thiết yếu thường ngày, những loại rau gia vị cho đến những thiếu thốn không thể đo đếm được: Tình cảm!

“Phải khi có một chuyến đi dài ngày và xa Hà Nội, người xa xứ mới thấm thía nỗi nhớ nơi mảnh đất mình cư trú dài ngày ở tuổi trưởng thành. Thế mới thấm thía câu chuyện của nhạc sĩ Phú Quang, ông đã từng rời xa Hà Nội di cư vào TP.HCM, nhưng nỗi nhớ Hà thành vẫn lôi ông trở lại. “Hà Nội, Hà Nội đây rồi”, cô gái đi cùng chúng tôi réo lên khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Hà Nội đô hội và phát triển, Hà Nội thâm trầm và nhiều kỷ niệm”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Một người Việt tại đây miêu tả cho tôi sự thiếu thốn này bằng một câu chuyện thực tế: Khi tôi ra sân bay, tôi vẫn bế con trên tay và xoa đầu nó. Lần đầu tiên khi tôi trở về, nó đã cao gần bằng bố và muốn xoa đầu con tôi phải kiễng chân. 

Cũng may, xa xứ ở thời công nghệ khoảng cách địa lý đã phần nào được thu hẹp bằng những cuộc gọi có cả hình ảnh lẫn âm thanh. Dù thế đi chăng nữa, nỗi nhớ vẫn là cảm giác thường trực của tất cả những người phải rời xa tổ ấm của mình. Đó không phải là một hành trình đầy trải nghiệm như một chuyến đi du lịch, đó là một hành trình đòi hỏi sự thích nghi và thích ứng. 

Nhưng tất cả điều đó chỉ là những sự khỏa lấp không thể đầy đặn được. Tại chi nhánh ở các tỉnh, cán bộ và nhân viên vẫn kể cho nhau nghe chuyện về những thùng nước mắm do chính tay người Việt tự mày mò làm ra. Bởi ở một nơi xa xăm thế này, dù có nhiều tiền thì cũng không thể mua được những thứ mà mình cần. Hơn hết, cứ chỗ nào có đất mọi người đều cố gắng gieo trồng các loại rau, nhất là rau gia vị. 

Gần 20 ngày cho một hành trình, chúng tôi mới thấm thía câu nói của một chàng trai Hà thành đã đặt chân đến đất nước Burundi được gần 5 năm, trong một bữa ăn cố gắng thuần Việt nhất, anh nói như những lời thủ thỉ: “Mùa này ở Hà Nội se se lạnh rồi nhỉ, lúc này mà có nồi vịt om sấu thì không còn gì bằng”. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Trong những nơi chúng tôi đặt chân đến, tỉ lệ thất nghiệp của người dân khá cao, thứ duy nhất đem lại thu nhập cho họ là những quả mang dấu ấn địa phương. Hễ một chiếc ô tô dừng lại bên đường, lập tức đội quân bán quả hay hạt tràn đến tiếp thị tận cửa kính ô tô. “Họ cũng nói thách như người Việt vậy”, một cán bộ người Việt dặn dò chúng tôi. Mà đúng thật, chúng tôi nói với nhau: Họ nói thách chẳng khác gì chợ Đồng Xuân ở Hà Nội xứ mình. Kiểu như một cách tìm kiếm sự tương đồng cho vơi nỗi nhớ thành thị vậy. 

Phải khi có một chuyến đi dài ngày và xa Hà Nội, người xa xứ mới thấm thía nỗi nhớ nơi mảnh đất mình cư trú dài ngày ở tuổi trưởng thành. Thế mới thấm thía câu chuyện của nhạc sĩ Phú Quang, ông đã từng rời xa Hà Nội di cư vào TP.HCM, nhưng nỗi nhớ Hà thành vẫn lôi ông trở lại.

“Hà Nội, Hà Nội đây rồi”, cô gái đi cùng chúng tôi réo lên khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Hà Nội đô hội và phát triển, Hà Nội thâm trầm và nhiều kỷ niệm. Nhưng ở những miền xa xôi của châu Phi đầy nắng và gió, những người Việt vẫn đang làm được một việc đáng trân trọng: Họ đánh dấu sự hiện diện của Việt Nam với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài làm nên những điều kỳ diệu, đổi thay ở xứ người.