"Nâng điểm không trong sáng" và câu chuyện đồng tiền vàng

ANTD.VN - Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, những tỉnh trên đã được gọi tên không phải ở những thành tích về kinh tế hay nâng cao đời sống người dân, oái oăm thay, nơi đó lại là các địa phương liên quan đến những gian lận điểm số trong kỳ thi quốc gia năm 2018. 

Đã có bao nhiêu thí sinh được “nâng điểm không trong sáng” nhờ gia đình có điều kiện (Ảnh minh họa)

1. “Liệu có còn nơi nào nữa không, hay lại phải kính thưa những tỉnh chưa bị lộ?”, nhiều lời như thế đã thốt lên khi những tiêu cực ở từng tỉnh bị đưa ra ánh sáng. 

Nếu như không vì lòng tham, nếu như không phải ôm đồm nhiều số báo danh, hoặc tiện thể ra ân cho những người quen biết, những vụ việc như trên sẽ không trở thành “cú sốc”, lớn về kỳ thi quốc gia năm 2020 cứ tưởng là “an toàn, tiết kiệm, thành công của cải cách giáo dục…”. Các đối tượng liên quan đã trở thành bị cáo trong những vụ án trải dài từ Hà Giang đến Sơn La, nhưng đằng sau câu chuyện đó lại mở ra những vấn đề không hề cũ: “Cánh cửa vào đại học”. 

Rõ ràng, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công của mỗi con người. Ai cũng có thể gõ cụm từ này trên Google và sẽ thấy rất nhiều kết quả về những người thành đạt. Họ không học đại học, nhưng vẫn là doanh nhân hay tỷ phú. Dù vậy, cũng không ai có thể phủ nhận, cánh cửa đại học là con đường phổ biến nhất, gần nhất của không ít người để đạt được thành công trong cuộc đời của mình.

“Không chỉ gian lận, họ còn đẩy con mình lên cao hơn bởi những điểm số trên trời, trở thành Thủ khoa hay Top đầu vào. Thành tích có được của các thí sinh này cũng giống như đồng tiền vàng của mẹ. Khi thành quả không được đánh đổi bằng mồ hôi, trí tuệ và nỗ lực của bản thân thì lúc mất đi cũng chẳng có gì tiếc nuối. Nhưng có một cái mất đi lớn lao hơn, đó là niềm tin của xã hội đối với kỳ thi quốc gia đã từng được nói đến như một thành tích. Ai biết được trước khi “quả bom” tiêu cực điểm thi kia phát nổ, đã có bao nhiêu thí sinh được “nâng điểm không trong sáng” nhờ thế mà chễm chệ bước lên giảng đường?”. 

Cũng chẳng lạ khi trong số những thí sinh được “nâng điểm không trong sáng” thì các trường được chọn vẫn chủ yếu nằm ở khối lực lượng vũ trang, bao gồm các trường công an và quân đội. Nói theo cách của nhiều bậc phụ huynh, đó là những cái nôi để chắc chắn: Ra trường không bao giờ lo thất nghiệp. Nhất lại là với những sinh viên, học viên, có bố mẹ làm quan chức địa phương và nhà “không có gì ngoài điều kiện”. Khi tốt nghiệp thì quê hương đang chờ đón, bố mẹ đã dọn sẵn một chỗ làm đợi con cưng trở về. Vừa được tiếng phục vụ quê hương, lại gần hơn với gia đình. 

2. Trong kho tàng chuyện kể Việt Nam có câu chuyện về một đồng tiền vàng. Chuyện kể rằng, gia đình nọ sinh được một cậu con trai. Cậu con, dĩ nhiên nhận được sự cưng chiều của bố mẹ nên từ khi bú sữa đến lúc trưởng thành chẳng kiếm nổi một đồng tiền. Để thử lòng con, người bố bắt cậu ta phải lăn ra ngoài đời để kiếm tiền. Người mẹ đồng ý nhưng không quên đưa trước cho con 1 đồng tiền vàng của mình.

Hết thời hạn, đứa con mang tiền về giao cho phụ thân, người cha liền ném ngay ra ngoài cửa sổ. Đứa con thấy vậy nhưng dửng dưng không hề tiếc nuối. Người cha kết luận: Đó không phải là tiền mày kiếm ra. Đến một ngày, cậu ta đưa về một đồng tiền khác và người cha lại ném nó vào đống lửa. Nhưng lần này cậu quý tử liền lao vào bới lửa để nhặt lại. Lúc này ông mới kết luận: Đó là tiền của con tự kiếm ra. 

Chuyện bố mẹ đưa con vào đại học không phải bằng thực học của con mình cũng giống như người mẹ nhét đồng tiền vàng vào túi con vậy. Không chỉ gian lận, họ còn đẩy con mình lên cao hơn bởi những điểm số trên trời, trở thành Thủ khoa hay Top đầu vào. Thành tích có được của các thí sinh này cũng giống như đồng tiền vàng của mẹ.

Khi thành quả không được đánh đổi bằng mồ hôi, trí tuệ và nỗ lực của bản thân thì khi mất đi cũng chẳng có gì tiếc nuối. Nhưng có một cái mất đi lớn lao hơn, đó là niềm tin của xã hội đối với kỳ thi quốc gia đã từng được nói đến như một thành tích. Ai biết được trước khi “quả bom” tiêu cực điểm thi kia phát nổ, đã có bao nhiêu thí sinh được “nâng điểm không trong sáng” nhờ thế mà chễm chệ bước lên giảng đường? 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Có thể sau khi kết thúc quá trình học tập, những cử nhân, kỹ sư, sĩ quan ấy lại đi theo một con đường được bố mẹ vạch ra, trở thành công chức hay cán bộ trong bộ máy chính quyền. Lúc đó hậu quả mà chuyện gian lận điểm thi không còn ở cánh cửa đại học mà hiện hữu trong những cơ quan Nhà nước. 

Trong đời sống hiện đại, có rất nhiều minh chứng sinh động về những người con được sinh ra trong những gia đình vừa có địa vị xã hội, vừa có tiềm lực kinh tế. Nhất là những cậu quý tử bố mẹ kiên trì mới có được. Đứa con đó trở thành cục vàng để cưng nựng đủ điều, thế nên thành ngữ ngày nay mới có câu: “Nhà giàu vượt sướng”. Đó là đề cập đến những cô cậu học trò sinh ra trong những gia đình không có gì ngoài điều kiện, không phải làm gì ngoài việc ăn và thở… còn lại có gia đình lo, nhưng vượt qua cám dỗ vật chất và sự bao bọc đó, họ vẫn tự đi lên bằng thực lực của mình… Nhưng e rằng, những tấm gương như thế vẫn còn ít, thậm chí ít hơn những thí sinh được “nâng điểm không trong sáng”.