Dẹp bạo lực học đường, không chỉ dựa vào môn Giáo dục công dân

ANTD.VN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng để giảm bạo lực học đường phải đồng bộ nhiều giải pháp, chứ chỉ dựa vào việc đưa môn Giáo dục công dân (GDCD) vào thi tốt nghiệp.

Trong phần trả lời chất vấn sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trách nhiệm của Bộ trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây, đồng thời để giải quyết vấn đề này, vừa qua Bộ đã đưa môn GDCD vào làm môn thi tốt nghiệp.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng tình trạng bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, nhức nhối. Trước đây bạo lực trong nhà trường thường rơi vào nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ giới, không phải một hai người mà đánh nhau tập thể.

Ông Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí

"Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hóa của học sinh. Tất nhiên môn GDCD là môn học tốt nhưng không phải là môn học quyết định, phải là giáo dục nhân cách con người đi từ mẫu giáo tới các cấp học, được chuyển biến thông qua rèn luyện của thầy, cô giáo cùng sự quan tâm theo dõi chăm sóc của gia đình", ông Lợi nêu quan điểm.

Theo ông Lợi, cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như game, phim bạo lực... đồng bộ nhiều giải pháp chứ đưa môn GDCD vào môn thi tốt nghiệp là giảm áp lực bạo lực học đường thì không phải.

"Quan điểm cá nhân của tôi là phải giáo dục các cháu từ gia đình, nhà trường, đạo đức xã hội con người không phải từ môn học này. Hình thành nhân cách đi cùng với hình thành phát triển kiến thức", ông Lợi nhấn mạnh.

Cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội 

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hòa Bình, cho rằng từ trước đến nay, môn GDCD trong các cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa được như mong muốn. 

“Nếu đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp với mục đích như Bộ trưởng GD-ĐT nói là để tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh thì công tác giảng dạy môn này ở phổ thông phải thực sự hiệu quả không mang tính hình thức như trước đây. Khi nó thực sự hiệu quả, xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, bà Nguyễn Thanh Hải nói. 

Theo bà Hải, đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp là phù hợp, "song cần có lộ trình chứ không phải nay thấy đạo đức xuống cấp thì đưa môn GDCD vào thi, mai thấy tai nạn giao thông nhiều thì lại đưa môn khác vào thi".