Không có chuyện một học sinh ho ra hiệu, các em khác đánh dấu theo

ANTD.VN - Tham gia chất vấn về đổi mới phương thức thi tốt nghiệp PTTH và ĐH trong thời gian qua, ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông) đặt câu hỏi: “Việc tổ chức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia 2017 có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi trong khi phương án thi cũ đã được chuẩn bị từ lâu”? 

Về nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục đích kỳ thi là kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh phổ thông, đảm bảo tính toàn diện, minh bạch khách quan, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng thi trắc nghiệm đạt được mục đích trên. Hiện nhiều nước tiên tiến trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản…đã sử dụng hình thức thi này. “Mỗi cách thi có ưu và nhược điểm khác nhau nhưng phải đáp ứng tiêu chí khách quan giảm áp lực, đỡ tốn kém. Với phương thức thi trắc nghiệm, Bộ sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc đổi mới phương thức thi cử nhằm đảm bảo tính toàn diện, minh bạch, khách quan

Cũng theo Bộ trưởng, trước đây, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc coi thi, chấm thi... rất tốn kém nên đây là phương thức quá độ trong việc tiến tới một phương thức tối ưu nhất.”Chúng tôi đã cân nhắc rất kĩ, phải lắng nghe rất nhiều ý kiến khác nhau. Hiện ở các trường phổ thông, đa phần đều thấy kết quả rất tốt” – Bộ trưởng nói.

Không nhất trí hoàn toàn với câu trả lời trên, một số đại biểu đã tiếp tục tranh luận: Đầu tháng 8-2016, Bộ mới công bố đề án đổi mới. Điều này có thể hiện sự lúng túng trong tổ chức thi THPT quốc gia 2017? Bộ trưởng Nhạ cho rằng, quá trình đổi mới thi cử đã trải qua thời gian dài. Trước năm 2015 chủ yếu thi “ba chung”, nhưng theo Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục, thi tốt nghiệp, thi ĐH, CĐ phải nhẹ nhàng, đỡ áp lực, đỡ tốn kém...Năm 2015, việc đổi mới phương thức thi đã khá thành công. Trong đó, chỉ có việc rút hồ sơ nộp hồ sơ vào hơi rối loạn nhưng không làm cho kì thi bị ảnh hưởng nhiều. Đến năm 2016 có bước chuyển rất lớn là thi trắc nghiệm. Do đó, đề thi cũng dần hoàn thiện theo.

Tiếp tục chất vấn về nội dung trên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) hỏi, thực tế tại một số nơi khi triển khai thi trắc nghiệm học sinh rất thích, vì với hình thức thi này, cả phòng chỉ cần chọn ra bạn học giỏi nhất, sau đó với từng câu hỏi bạn này chỉ cần ho 1 tiếng là chọn phương án 1, ho 2 tiếng thì là phương án 2, các học sinh khác cứ theo số tiếng ho của học sinh này mà đánh dấu. Như vậy, theo Bộ trưởng, cách thi này có đảm bảo chất lượng, tính khách quan, minh bạch?

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỹ thuật đề thi trắc nghiệm rất khoa học. Câu hỏi không đơn thuần mang tính đố biết hay không mà cần suy luận, tư duy. Việc đổi mới cách thi phải tiến tới phương án ổn định nhưng vẫn phải đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với khoa học công nghệ, linh hoạt nhằm hạn chế bức xúc trong xã hội. “Tôi tin rằng, thời gian tới công tác đổi mới sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Bộ cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, truyền thông. Số môn thi so với số môn phải học chưa phải nhiều nên dù có gây áp lực  cho học sinh nhưng áp lực này có thể chấp nhận được vì kiến thức tập trung vào lớp 12, các câu hỏi thi đã được cân nhắc độ khó phù hợp với trình độ học sinh” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, do mỗi em một đề thi riêng, chấm thi bằng máy nên không có chuyện một người ho ra hiệu, các học sinh khác đánh dấu theo.