Toàn cảnh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

ANTD.VN - Tiếp tục chương trình phiên họp, ngày 16-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

- 14h30: Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

- 14h13-14h30: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu bổ sung một số nội dung về: Giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học; tiến hành tự chủ đại học, cao đẳng (về tài chính, chuyên môn, nhân sự); về triết lý giáo dục Việt Nam; đổi mới thi cử... 

- Từ 14h00-14h12: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu về liên kết đào tạo; xử lý vụ việc Hà Tĩnh cử giáo viên đi làm lễ tân; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học (quyết liệt thực hiện giải pháp kiểm định, siết chỉ tiêu, tránh đào tạo nhiều hơn năng lực hiện có; ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ, theo tiêu chuẩn cao, từng bước tiếp cận với thế giới).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Đồng thời, Bộ trưởng cũng trả lời về tiến độ thực hiện đề án chương trình sách giáo khoa; giải pháp phân luồng học sinh; nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ; bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y dược; rà soát, xử lý các trường hợp "ngồi nhầm lớp", ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục;...

Về giải quyết việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp kết nối, tăng cường thông tin giữa doanh nghiệp với các trường đại học; chỉnh sửa các chương trình đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng, nhất là kỹ năng chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động...

Các câu hỏi chưa trả lời trên hội trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời đại biểu bằng văn bản.

- 11h30: Quốc hội nghỉ, sáng 16-11 có 48 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và tranh luận. Từ 14h00, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục trả lời chất vấn.

- 11h11: Các đại biểu Quách Thế Tân (Hòa Bình), Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế), Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng), Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), Trần Văn Mão (Nghệ An), Lò Thị Luyến (Điện Biên), Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Đôn Tuấn Phong (An Giang), Trần Tất Thế (Hà Nam), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)... đặt câu hỏi về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề, đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nhân lực y dược, đào tạo liên thông; vấn đề thay đổi sách giáo khoa, sách tham khảo; hiệu quả và tiến độ triển khai các dự án giáo dục, đào tạo (VNen, đào tạo ngoại ngữ...); tình trạng học sinh tiểu học "ngồi nhầm lớp"; giải pháp ngăn chặt tình trạng học sinh đuối nước; nâng tỷ lệ học sinh tham gia BHYT; tự chủ đại học; cải thiện cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa; chính sách thu hút giáo viên về công tác tại vùng sâu vùng xa; triết lý giáo dục hiện nay của Việt Nam đang theo đuổi...   

- Từ 10h10-11h10: Một số đại biểu (Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đàng Thị Mỹ Hương, Cao Đình Thưởng, Bùi Sỹ Lợi, Nguyễn Văn Chiến, Phạm Thị Minh Hiền,...) nêu ý kiến tranh luận, Bộ trưởng trả lời về hiệu quả của hình thức thi trắc nghiệm, sự thay đổi về cách tổ chức thi; chất lượng công tác đào tạo; giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo; trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý việc dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong xã hội; quản lý các cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài; giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, tội phạm tuổi vị thành niên; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh;.... 

- 10h03:  Các đại biểu Trần Phương Hoa (Hà Nội), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)... chất vấn Bộ trưởng về vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan; quản lý các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài; phương án thi tốt nghiệp; giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu việc làm của thị trường; giải pháp khắc phục lãng phí do dự án đào tạo ngoại ngữ không hiệu quả;... 

- 9h55: Một số đại biểu (Phạm Quang Dũng, Nguyễn Sỹ Cương, Nguyễn Trường Giang, Ngô Thị Minh...) tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về: Chương trình, nội dung sách giáo khoa tiểu học; giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; đào tạo giáo viên; đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải pháp chống dạy thêm, học thêm tràn lan, biến tướng; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, gắn giáo dục với thị trường lao động; tổ chức kỳ thi quốc gia; phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông,...

- 9h50: Về đào tạo luật sư, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới Bộ sẽ sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nhân lực ngành luật; đồng thời đổi mới chương trình theo hướng chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng giáo viên,... 

- 9h30-9h50: Quốc hội nghỉ giải lao

- 9h05 - 9h30: Một số đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu nhân lực của thị trường;...

Về vấn đề chống hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan, "biến tướng", Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp tăng cường kiểm tra của địa phương; rà soát lại chương trình dạy học,...

Về giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, Bộ trưởng nêu những nguyên nhân (gia đình, nhà trường, xã hội), đồng thời nhấn mạnh giải pháp về đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức, pháp luật cho học sinh,... 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp về đổi mới thi cử, đánh giá học sinh...

- 8h30: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng khẳng định, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành đã rất cố gắng và đạt được những kết quả. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cử tri và nhân dân thì ngành vẫn còn nhiều tồn tại. Bộ trưởng mong muốn trong phiên chất vấn sẽ nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để cùng trao đổi, phân tích, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, xây dựng ngành phát triển.

Các đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).... đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ; đào tạo sau đại học; phát triển đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải pháp phân luồng học sinh, khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"; đổi mới kỳ thi quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo, xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường; giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; đổi mới chương trình, sách giáo khoa...

Về vấn đề dạy và học ngoại ngữ, Bộ trưởng cho biết mục tiêu đã nêu trong đề án đào tạo ngoại ngữ 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được. Hiện Bộ đang rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại các mục tiêu đề ra; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; thiết kế lại các chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy, học ngoại ngữ... 

Về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường (theo thống kê có khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp; đối tượng chưa tìm được việc làm chủ yếu ở các trường tốp dưới); điều chỉnh lại mạng lưới các trường đại học; siết chặt chất lượng đào tạo cả đầu vào và đầu ra... 

Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng khẳng định, về cơ bản chất lượng đào tạo đã được cải thiện, tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đào tạo; tăng cường công tác giám sát đào tạo, có lộ trình thắt chặt chất lượng;... Đối với phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, bên cạnh hoàn thiện hệ thống các trường nội trú, nâng cao chất lượng hoạt động cử tuyển, đào tạo theo nhu cầu thực tiễn địa phương...

Từ 8h30 đến 11h30, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ các nội dung: 

Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp; 

Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; 

Giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực; 

Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; 

Giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và  Đầu tư, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi sáng.