Đền Voi Phục

(ANTĐ) - Đền còn có các tên đền Thủ Lệ, đền Linh Lang, (vì thờ Linh Lang đại vương). Đền Voi Phục tọa lạc ở làng Thủ Lệ, phường Thủ Lệ, Ba Đình, Hà Nội... Bởi có hai con Voi Phục ở phía ngoài cổng đền, nên có tên gọi như thế.

Đền Voi Phục

(ANTĐ) - Đền còn có các tên đền Thủ Lệ, đền Linh Lang, (vì thờ Linh Lang đại vương). Đền Voi Phục tọa lạc ở làng Thủ Lệ, phường Thủ Lệ, Ba Đình, Hà Nội... Bởi có hai con Voi Phục ở phía ngoài cổng đền, nên có tên gọi như thế.

Truyền thuyết kể rằng: Bà Hoàng phi họ Nguyễn (vợ Vua Lý Thánh Tông) đang tắm ở Dâm Đàm (hồ Tây bây giờ) bỗng có rồng hiện, phun nước thơm vào người... Hoàng phi về thụ thai, sinh ra Linh Lang (con rồng) ở với mẹ tại trại Thủ Lệ, trên người còn lưu vẩy rồng và các chấm sáng như ngọc.

Năm tướng Triệu Tiết nhà Tống xâm lược bờ cõi, tiến quân xuống tận sông Nguyệt Đức, Linh Lang đã lớn, có đủ sức khỏe địch được nhiều người, xin vua trao quân và ban voi đi đánh giặc. Vua Lý thuận theo, cho hai thớt voi và một đạo quân. Khi dẫn voi đến, chàng thét bắt voi phải quỳ... Voi liền quỳ xuống đưa chàng và các tướng sỹ ra trận, phá tan được giặc.

Trở về, chàng lâm bệnh, vua đến thăm, chàng thú thật là người trời xuống giúp vua, nay hết hạn phải về trời, rồi chuyển mình hóa thành giao long (thuồng luồng) trườn xuống Dâm Đàm. Mưa mấy ngày liền, khi tạnh thì một loạt cờ đỏ từ trời bay xuống, cắm trên cấm thành... Vua cho là Linh Lang báo tin đã trả hết kiếp, hiện ở Thiên Đình, Câm Đông. Vua phong chàng làm Linh Lang đại vương cho lập đền thờ.

Bởi thét voi phải quỳ, nên đền tạc hai con voi đá nằm đặt trước cửa, dân chúng cầu đảo rất linh thiêng gọi luôn là đền Voi Phục. Đền được coi là một trong tứ trấn, có thần linh (Linh Lang) trấn giữ phía Tây kinh thành...

ở đền này, theo các nhà nghiên cứu, còn một tư liệu lịch sử cho biết: Tại đây, quan tướng của triều đình là Tôn Thất Thuyết, từng hội quân với tướng Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc, phục kích tại Cầu Giấy, trên đường đê La Thành, giết chết hai tên đại tá giặc (quan năm) là Henri Riviere và Villero.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi mở đường cho quân lên Sơn Tây, giặc Pháp đã đốt đền Voi Phục.

Hiện nay, đền đã được khôi phục... Ngoài hai thớt voi phục ở cửa đền, trong đền còn có hai pho tượng đồng và một hòn đá thiêng có vết lõm, dân làng nói đó là nơi thần Linh Lang gối đầu lên rồi hóa thành giao long... Trong đền có đôi câu đối, ca ngợi công đức của vị thần trấn giữ phía Tây của thành phố.

Mộc biểu chi sơ, nhất chính dực tán trung hưng thánh

Đông A di hậu, vạn cổ bao phong thượng đẳng thần

Nghĩa là:

Thơ sấm (1) buổi đầu, từng giúp tập trung hưng nên bậc thánh

Đông A (2) triều tiếp, muôn thuở rậy oai phong thượng đẳng thần...

Trước đây đoạn đường Kim Mã - Thủ Lệ chưa tôn cao, chưa có công viên Thủ Lệ, vị trí của đền bên những cổ thụ, bên làng mạc, hồ ao, khá đẹp. Từ ngày có công viên, đường tôn cao, ba bề bốn bên lại có hàng quán bâu vào, đền bị lút lấp, nếu không phải là người Hà Nội, ai đã biết đây là một ngôi đền thiêng trong tứ trấn...

Hàng quán xây dựng vô lối đã được chính quyền buộc dỡ bỏ, đền đã thông thoáng hơn... Mong sao, dân và quận sở tại cùng thành phố hay chăm sóc, dành riêng một không gian xứng đáng để mọi người vãn cảnh thấy được ngôi đền có tuổi gần nghìn năm, rất đáng được bảo tồn.

(1) Chỉ triều nhà  Lý

(2) Chỉ triều nhà Trần

Ngô Văn Phú