Để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa điểm nhấn đánh dấu mốc 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" đã diễn ra tối 28/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Đến dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành... Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phát biểu chỉ đạo chương trình “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Văn hóa dân tộc là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. 80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2/1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Suốt 80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Chương trình “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Chương trình “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”

Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam.

Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”; “Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”

Nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc ta.

Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá; đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh phục vụ Nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện nhiều hơn nữa điều kiện hưởng thụ văn hoá của Nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hoá, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc và phù hợp với văn hoá, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam.

Suốt 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với 3 nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học” (ảnh: Trần Huấn)

Suốt 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với 3 nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học” (ảnh: Trần Huấn)

Gắn kết chặt chẽ văn hóa với các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tối đa các giá trị của chiều sâu văn hóa Việt Nam. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hoá, đưa văn hoá Việt Nam đến với thế giới. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại; chủ động nâng cao sức đề kháng của Nhân dân đối với các văn hoá xấu độc.

Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha, Kẻ Bàng, Nhã nhạc Cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, hát Then, Xòe Thái, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Một tiết mục trong đêm nghệ thuật (Ảnh Trần Huấn)

Một tiết mục trong đêm nghệ thuật (Ảnh Trần Huấn)

Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Mỗi người chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn tự hào về truyền thống và các giá trị văn hóa Việt Nam, về các danh nhân văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương… Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; Nhân dân ngày càng được ấm no và hạnh phúc.

Sau phát biểu của Thủ tướng Chính phủ là chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử". Chương trình được chia thành 3 chương: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Văn hóa hóa kháng chiến", kháng chiến hóa văn hóa" và "Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn".

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử gồm những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng (Ảnh: Khiếu Minh)

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử gồm những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng (Ảnh: Khiếu Minh)

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử gồm những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự góp mặt của những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, ca sĩ Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng...

Hai ca khúc viết riêng cho chương trình là Ngọn đuốc soi đường (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh) và Văn hoá trường tồn cùng dân tộc (Trọng Đài).